Phim Đất rừng phương Nam: Những “hạt sạn” không đáng có
Dư luận đang dậy sóng về bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa mới ra rạp ít ngày. Bộ phim bị chỉ trích về bối cảnh, câu chuyện, chi tiết, lời thoại không chuyển thể đúng nguyên tác từ tác phẩm văn học “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Nhiều ý kiến phản ứng trước việc nhà làm phim đưa băng đảng “Nghĩa Hòa đoàn” và “Thiên Địa hội” có nguồn gốc Trung Hoa vào tác phẩm thể hiện là những tổ chức yêu nước, kháng Pháp, có công trong cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc ta, trong khi chính sử Việt Nam không ghi nhận điều này.
Nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc và không cùng quan điểm với phía nhà trường khi tổ chức cho học sinh đi xem phim “Đất rừng phương Nam” |
Đặc biệt, từ qua đến nay, bộ phim này tiếp tục nhận được những phản ứng trái chiều, thậm chí là gay gắt hơn khi có nhiều trường học ra thư ngỏ tổ chức cho học sinh trải nghiệm tích hợp liên môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục địa phương và nghệ thuật bằng hoạt động xem phim “Đất rừng phương Nam”.
Cụ thể, trong ngày 16/10, nhiều trường học tại TP. Hồ Chí Minh như: Trường Trung học cơ sở Đồng Khởi và Trường Trung học Phổ Thông Bùi Thị Xuân tại quận 1; Trường Trung học Phổ thông Thanh Đa (quận Bình Thạnh)... đã ra thư ngỏ về việc tổ chức cho học sinh xem phim “Đất rừng phương Nam”. Tuy nhiên, ngay sau khi nội dung các thư ngỏ này được lan truyền trên mạng xã hội, rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lăn tăn, khó hiểu, thậm chí bất bình.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi: “Khi lên kế hoạch cho học sinh xem phim thì ban giám hiệu đã xem phim chưa, thấy có phù hợp cho hoạt động giáo dục hay không?", hay như: “Chúng tôi ủng hộ hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường để giúp học sinh gắn việc học với thực tiễn cuộc sống. Và có nhiều hình thức trải nghiệm, trong đó có hoạt động xem phim. Tuy nhiên, riêng với việc cho học sinh trải nghiệm tích hợp liên môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục địa phương, Địa lý… bằng bộ phim “Đất rừng phương Nam” đang gây tranh cãi về các yếu tố, sự kiện lịch sử thì không phù hợp”...
Sau những phản ứng của nhiều phụ huynh học sinh, ngay trong chiều 16/10, Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Đồng Khởi đã phải tổ chức họp báo thông tin về vụ việc. Tiếp đến, sáng nay (17/10), hai trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân và Thanh Đa cũng đã thông báo ngưng tổ chức cho học sinh xem phim “Đất rừng phương Nam”.
Không khó để hiểu vì sao nhiều phụ huynh học sinh lại tỏ ra bức xúc và không cùng quan điểm với phía nhà trường trong vấn đề này, bởi “Đất rừng phương Nam” là tác phẩm văn học đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt Nam. Việc một bộ phim có nội dung với nhiều chi tiết sai nguyên tác, thậm chí không đúng với lịch sử mà lại tổ chức cho học sinh đi xem, đi học thì khác gì đang cổ xúy cho việc cường điệu, hư cấu, xuyên tạc lịch sử nước nhà?.
Được biết, liên quan đến những chi tiết có yếu tố lịch sử, chính trị trong phim “Đất rừng phương Nam”, ngày 15/10, Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân - một trong các đơn vị sản xuất phim đã gửi thông cáo báo chí cho hay: Sau khi tiếp thu ý kiến của khán giả và trao đổi một số nội dung liên quan bộ phim với cơ quan chức năng, đoàn làm phim “Đất rừng phương Nam” đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa một số chi tiết trong bộ phim. Chiều 15/10, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, đại diện nhà sản xuất đề xuất phương án chỉnh sửa phim và Cục đã thông qua đề xuất này.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, những sai sót - nếu có - phải sửa, thậm chí cắt bỏ, chứ không thể đổi tên là xong, vì lịch sử là lịch sử, phải trả lại sự thật cho lịch sử. Và vì đó là câu chuyện của cả một dân tộc và là trách nhiệm giáo dục truyền thống của nhà trường cho bao thế hệ tiếp nối, không thể xem nhẹ, không thể a dua như nhiều trường học vừa qua.
Còn nhớ tháng 10/2019, Bộ Văn hóa - Thể dục Thể thao đã ra quyết định thôi giao nhiệm vụ Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà do thẩm định, duyệt và cấp phép phổ biến bộ phim truyện hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” có “đường lưỡi bò” phi pháp. Với bộ phim “Đất rừng phương Nam” mặc dù các “hạt sạn” chưa đến mức nghiêm trọng nhưng kiểu hành xử bất nhất, chạy theo dư luận với một cơ quan làm nhiệm vụ thẩm định tác phẩm điện ảnh xem ra có gì không thuyết phục.
Một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng thường sẽ được công chúng quan tâm đặc biệt, tuyệt đối không được phép tồn tại những “hạt sạn” nhất là về lịch sử, văn hoá, con người nước nhà. “Đất rừng phương Nam” có thể chỉ sửa một vài chi tiết cho hợp lý và trấn an dư luận nhưng với tư cách là đơn vị kiểm duyệt, liệu Cục Điện ảnh đã làm tròn vai?!.