Trung tướng Phạm Tuân: Tự hào hy sinh tuổi xuân để chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc
Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong lối ngõ trên phố Cù Chính Lan - quận Thanh Xuân - TP Hà Nội là nơi gắn bó và cư ngụ của một nhân vật vô cùng đặc biệt, người được cả thế giới biết đến với sự kính trọng đầy ngưỡng mộ, thế nhưng cuộc sống của ông lại hết sức bình dị và gần gũi: Anh hùng, phi công, Trung tướng Phạm Tuân. Ông chính là người đầu tiên bắn hạ máy bay B52; người từng được phong Anh hùng tới 3 lần; và cũng là người Châu Á đầu tiên trong lịch sử từng xuyên qua tầng khí quyển để chinh phục vũ trụ. Nhắc tới ông, là nhắc tới một vị anh hùng đáng tự hào trong dòng chảy lịch sử hào hùng, bất khuất của đất nước Việt Nam thân yêu.
Trong những ngày tháng 7/2024, thời khắc đặc biệt trong năm mà tất cả mỗi người dân Việt Nam đều nhớ tới và tri ân những thế hệ cha ông đi trước đã có những công lao và đóng góp cho nền độc lập của dân tộc, hướng tới ngày kỉ niệm Thương binh liệt sĩ 27/7, phóng viên Báo Công Thương của chúng tôi đã may mắn có dịp gặp gỡ, trò chuyện và phỏng vấn người hùng của đất nước - Trung tướng Phạm Tuân. Xin được chia sẻ cuộc trò chuyện đến quý vị độc giả.
Phóng viên Báo Công Thương phỏng vấn Trung tướng Phạm Tuân |
PV: Xin kính chào Trung tướng Phạm Tuân, cảm ơn ông đã nhận lời gặp gỡ và trò chuyện với Báo Công Thương của chúng tôi ngày hôm nay.
Trung tướng Phạm Tuân: Xin kính chào quý vị độc giả của Báo Công Thương.
PV: Thưa Trung tướng, chiến tranh đã lùi xa, độc lập hòa bình đã và đang được hiện hữu, nhưng lịch sử và những con người làm nên lịch sử vẫn luôn là điều được nhiều thế hệ ghi nhớ không quên. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, xin ông có thể chia sẻ ký ức của mình về trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội năm 1972, một ký ức đau thương hào hùng không bao giờ quên của người dân Hà Nội?
Trung tướng Phạm Tuân: Chúng ta phải khẳng định là chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không mang ý nghía rất to lớn đối với chiến thắng chung của đất nước chúng ta. Nếu không có chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không thì việc chúng ta giải phóng miền Nam còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì ý nghĩa rất to lớn như thế nó là cội nguồn của trận Điện Biên Phủ trên không mà Mỹ quyết dùng B52 để đánh sập Hà Nội của chúng ta, làm cho chúng ta mất đi ý chí chiến đấu không chi viện cho chiến trường miền Nam được, để Mỹ thắng ở miền Nam. Nhưng chúng ta lại lật ngược thế cờ đó, chúng ta lại đánh thắng. Và chính chiến thắng đó đã buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Chúng ta đã phản công và chúng ta đã chiến thắng, và chiến thắng của đánh B52 nó gắn liền với kết thúc chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng ta. Ý nghĩa của nó to lớn như vậy, nó mang tầm cỡ Quốc Tế rất lớn lao: “Một dân tộc nhỏ với ý chí chiến đấu kiên cường đã đánh thắng một Đế quốc lớn”. Chúng ta thêm lần chứ hai đánh thắng một Đế quốc lớn. Năm 1954 đánh thắng Pháp - năm 1975 đánh thắng Mỹ, điều đó có ý nghĩa rất lớn.
Tôi rất là vinh dự và tự hào được là người chuẩn bị cho chiến đấu và được chiến đấu trực tiếp từ những ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng, 12 ngày đêm chúng tôi góp mặt và chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình cùng với bộ đội phòng không, cùng với lực lượng vũ trang nhân dân, quân khu Thủ đô, quân khu miền Bắc đã đánh bại B52 của Đế quốc Mỹ. Để cho thế giới bây giờ đều phải thấy chiến thắng của chúng ta là tuyệt vời!
PV: Thưa Trung tướng, cảm xúc của ông như thế nào khi đối diện với máy bay địch?
Trung tướng Phạm Tuân: Chúng tôi được nhận lệnh là chuẩn bị đánh B52 từ rất lâu rồi, từ những năm 1967, 1968, lúc bấy giờ chúng ta đã thành lập được phi đội bay đêm để chủ yếu đánh B52. Chúng ta biết rặng B52 nó rất hiện đại, cái độ bom đạn của nó để tàn sát và phá hủy chúng ta là rất lớn. Chỉ cần 1 biên đội B52 vào được Hà Nội thôi, mà nó ném bom được vào Hà Nội thì một phần Hà Nội của chúng ta sẽ bị tan hoang, và Mỹ nó dành tới tận 200 chiếc B52 để đánh chúng ta. Thế cho nên Đảng ta đã rất tài tình để phán đoán rằng trước khi Mỹ thua, thế nào nó cũng đánh vào Hà Nội. Nếu đánh vào Hà Nội mà ta không thắng được nó, thì nó không thua. Mà Bác Hồ đã nói “Mỹ nhất định sẽ thua, nhưng chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Qua tổng kết Bác Hồ đã chỉ ra là như vậy.
Thế nên là từ rất lâu rồi chúng ta đã chuẩn bị từ huấn luyện, từ ý chí, từ quyết tâm, từ chiến thuật, về cách đánh một cách rất đầy đủ, chúng ta chờ địch đến để đánh. Chính là chúng ta biết được âm mưu thủ đoạn của địch để từ đó chúng ta phán đoán ra những hành động của nó, để rồi chúng ta chuẩn bị trước để tìm cách đánh thắng được nó. Đó là nguồn cội của chiến thắng là ở chỗ đó. Tôi với phi đội bay đêm lúc đó chỉ có 10 người thôi, trong khi đó Mỹ có tới 200 máy bay B52, mỗi ngày đêm nó đem vào Việt Nam chúng ta khoảng từ 70-100 máy bay B52 và vài ba trăm lần máy bay khác nữa. Còn chúng ta chỉ có từng ấy tên lửa, chỉ có từng ấy máy bay, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn chiến thắng. Phải nói là cuộc đọ sức, một cuộc chiến không cân sức về vũ khí trang bị. Nhưng chúng ta có con người, chúng ta có tinh thần, chúng ta có ý chí, chúng ta cũng có vũ khí khá hiện đại và làm chủ vũ khí đó, đặc biệt là có cách đánh của Việt Nam chúng ta. Cuối cùng, sức mạnh tổng hợp của Việt Nam chúng ta đã dành chiến thắng!
Tôi là 1 trong 2 phi công xuất kích đầu tiên vào đêm đầu tiên 18/12. Tôi về hạ cách trong điều kiện sân bay bị đánh, đèn đóm không đủ, không có đèn chiếu sáng để hạ cánh. Máy bay của tôi cũng gần hết dầu, nhưng vẫn quyết tâm hạ cánh xuống sân bay để tiếp tục đi chiến đấu. Máy bay rơi vào hố bom và bị lật ngửa trên đường băng. Đêm đầu tiên 3 phi công của chúng ta cất cánh lên đều rơi vào tình trạng như vậy, khó khăn lắm. Tiếp sau những đêm sau chúng tôi cất cánh chặn B52 đuổi nó ra, làm tan đội hình của nó để cho tên lửa đánh, nhưng mà, 7-8 đêm không quân không đánh được, chưa đánh được. Lúc bấy giờ thì chúng tôi không nghĩ gì đến hi sinh gian khổ, chỉ nghĩ làm sao mà đánh được nó, đấy mới là cái khó. Nó bay đêm, nhiễu mù mịt dẫn đường không nhìn thấy, trên trời rada chúng ta không phát hiện được và lại bị rất nhiều máy bay của nó đuổi chúng ta nữa… thế thì làm sao để vượt được qua muôn vàn khó khăn để đuổi đánh B52.
Tên lửa thì họ đánh được rồi nhưng không quân thì chưa đánh được, thì đến đêm 27/12, sau khi chúng ta rút kinh nghiệm về chiến đấu, chúng ta đã nghĩ ra được và tìm ra được cách đánh của chúng ta. Chúng ta đi ra ngoài xa, không bay quanh Hà Nội nữa, dùng rada vòng ngoài để dẫn đường, và phi công phóng lên tích lũy tốc độ độ cao để làm sao tiếp cận B52 nhanh nhất, vượt qua hàng phòng thủ của nó để chúng ta đánh. Đó là cách đánh sáng tạo của người Việt Nam chúng ta. Chỉ một tuần đánh nhau thôi mà chúng ta đã nắm được âm mưu, nắm được cách đánh của địch rồi. Biết được nó rồi thì chúng ta thay đổi cách đánh, chính nhờ vậy mà chúng ta đã thắng. Và tôi là người đầu tiên thực hiện chiến thuật đó, chính nhờ thực hiện chiến thuật đó mà tôi đã bắn rơi được B52. Khi bắn rơi được B52 tôi mừng và phấn khởi lắm. Nhưng mình không phải mừng vì thành công của mình đâu, mà mừng vì không quân nhân dân Việt Nam đã bắn rơi được B52. Cả đơn vị không quân mừng vui vô cùng. Cái gì chúng ta bàn, cái gì chúng ta tập luyện, cái gì chúng ta thực hiện thì bây giờ đã đánh được B52. Tiếp sau đó là anh Vũ Xuân Thiều, ngày thứ 2, 28/12, anh Thiều bắn rất gần, đâm vào B52 và hi sinh. Và đó, tôi muốn nói đó là chiến công của cả một tập thể, chiến công của lãnh đạo chỉ huy, cho đến những người phục vụ, để phi công của chúng tôi là những người thực hiện chỉ cần ấn nút thôi. Và rõ ràng, mình tự hào là đã thực hiện được là một trong những người của tập thể đó đã làm trọn nghĩa vụ của mình, và không quân của chúng ta đã đánh được B52. Mình tự hào về điều đó. Tất nhiên, cá nhân của mình cũng vui, cũng phấn khởi, nhưng chúng ta đã trả được cái gánh nặng là không quân Việt Nam đã bắn rơi nhiều loại máy bay rồi, bây giờ B52 vào chúng ta bắn tiếp.
Nhưng thực sự người ta hi sinh để vì để bồi dưỡng cho thế hệ phi công Việt Nam chúng ta, chúng ta luôn luôn phải nhớ ơn, nếu không có sự giúp đỡ của Liên Xô, chắc chắn rằng cuộc chiến tranh của chúng ta không biết rằng sẽ kéo dài bao lâu. Tôi không nói là không thành, nhưng chắc chắn rằng còn khó khăn, gian khổ nhiều. Bấy giờ vũ khí hiện đại đều là do Liên Xô cung cấp cho chúng ta: Máy bay, tên lửa, súng đạn… đều là do Liên Xô cung cấp hết. Thì đấy, sức mạnh chiến đấu của quân đội có hai vấn đề: con người và vũ khí, thì liên Xô cung cấp vũ khí là chính, chúng ta cũng tự túc được nhưng không đáng kể trong trận chiến tranh đó. Đặc biệt là chiến tranh phòng không. Có nền hòa bình độc lập, thống nhất, chúng ta phải luôn ghi nhớ. Mà tình hữu nghị của chúng ta với Liên Xô lúc bấy giờ là vô tư, trong sáng, thủy chung. Người ta coi cuộc chiến đấu của mình cũng gần như cuộc chiến đấu của người ta. Hết vũ khí người ta tiếp viện, cần chuyên gia quân sự người ta cử sang, người ta cùng với mình để nghiên cứu… tất cả những cái đó họ đã làm. Đó là tình hữu nghị thủy chung giữa nhân dân hai nước, giữa hai Đảng chúng ta, nó tạo nên một mối quan hệ gắn bó là như vậy. Tất nhiên sau này Liên Xô sụp đổ rồi, thì bây giờ với nước Nga, chúng ta vẫn là tình hữu nghị đó, nhưng mang một sắc thái khác: Đó là hai bên cùng có lợi. Lúc bấy giờ chỉ có chúng ta có lợi, Liên Xô cung cấp cho chúng ta. Nhưng vẫn phải thấy mối quan hệ chặt chẽ như vậy. Đặc biệt là tôi, những gì tôi làm được, từ chiến đấu cho đến bay vào vũ trụ, cho đến trở thành chỉ huy trưởng thành sau này thì các trường của Nga đóng một vai trò rất lớn. Các thày dạy tôi bay, dạy tôi tham gia chiến đấu, rồi lại bồi dưỡng tôi cho tôi bay vào vũ trụ, cái gì tôi đạt được đều có công lao rất lớn. Tôi nói cả về riêng - chung của tôi là như vậy.
Thế nên dù hoàn cảnh nào, cho đến bây giờ cũng thế, gần đây khi Tổng thống Putin sang thăm nước ta nó thể hiện rất lớn mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta gắn bó, hiểu nhau. Phải nói là người Nga họ rất chân chất, tinh thần yêu nước của họ rất cao. Nước Nga là đất nước vĩ đại, đồng thời con người cũng rất chân thực, mến mộ đất nước Việt Nam chúng ta. Mình ngày xưa là phi công sang, tiếng Nga thì kém, họ đã dạy dỗ rất tận tụy để bồi dưỡng mình trở thành các phi công chiến đấu. Cảm động lắm! Khi chúng tôi về, những người phục vụ vẫn ra căn dặn: “Thương quá, chúng mày ở lại bay thêm ít nữa. Chúng mà còn trẻ lắm, đôi khi đánh nhau còn khó khăn. Nếu bay tốt nữa về đánh nhau còn tốt hơn..”. Người ta thương lắm! Nước Nga ngày xưa họ đánh nhau rồi, trong chiến tranh thế giới thứ 2 họ đã biết thế nào là hi sinh là như thế nào rồi. Nhưng thôi, một mặt tình cảm thế nhưng chúng tôi vẫn phải về để chiến đấu. Thế hệ chúng ta sau chiến tranh chủ yếu được học tập từ Nga, Trung Quốc có, các nước khác có, nhưng vẫn chủ yếu là Nga. Người ta giúp cho mình giáo dục đào tạo là người ta cho mình một thứ rất lớn, là của cái rất lớn để khai thác, xây dựng và bảo vệ tổ quốc chúng ta. Cho đến giờ vẫn còn đi học và thậm chí đến nay vẫn còn đi học ở Nga cơ mà. Thế nên nói về người Nga, nói về dân tộc Nga, nói về những công lao tôi nghĩ không bao giờ phủ định cái đó. Dù đời chúng ta hay đời về sau nữa, dân tộc chúng ta vẫn truyền lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và nhớ đến những tình cảm của họ, công lao của họ, công sức của họ đã dành cho đất nước của chúng ta.
PV: Là người Châu Á đầu tiên có vinh dự được bay vào vũ trụ, chắc hẳn Trung tướng đã phải có những nỗ lực, cố gắng rèn luyện, cố gắng học tập rất nhiều để thể hiện bản lĩnh của người Việt Nam để có được cơ hội và vinh dự vô giá đó. Xin ông có thể chia sẻ những suy nghĩ và định hướng của ông như thế nào trong việc phát triển công nghiệp vũ trụ?
Trung tướng Phạm Tuân: Tôi vinh dự là người Châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, vì trách nhiệm với Đảng, nhà nước, với nhân dân, mình đã phấn đấu hết sức mình, chuyến bay thành công, hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Cũng nhiều lần mọi người hỏi tôi về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp vũ trụ của Việt Nam như thế nào thì tôi cũng có chia sẻ là sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình, vì sự phát triển của đất nước chúng ta không thể thiếu được. Bây giờ từ điện thoại, từ trinh sát, mọi thứ đều dùng công nghệ, chúng ta không thể thiếu công nghệ vũ trụ trong thời đại ngày nay được. Chúng ta bảo chúng ta tham gia vào công nghiệp vũ trụ thì khó lắm, nền kinh tế của chúng ta như thế, mặt bằng khoa học công nghệ của chúng ta như thế, mà công nghệ vũ trụ là công nghệ mũi nhọn trong các nền khoa học công nghệ từ tự động, từ điều khiển, từ tên lửa… chúng ta không tham gia không được.
Tôi luôn luôn nghĩ là chúng ta phải đi từng bước. Đầu tiên là chúng ta phải hợp tác trong khoa học, hợp tác trong nghiên cứu. Trước hết là hợp tác trong sử dụng những thành tựu trong khoa học vũ trụ phục vụ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Hợp tác để chúng ta sử dụng, khai thác, sử dụng những cái gì mà các nước nghiên cứu, các nước đã có để chúng ta phát triển. Rồi chúng ta lựa chọn những khía cạnh, tiềm năng mà chúng ta có, thí dụ về điện tử, về tự động hóa để chúng ta phát triển.Vừa rồi chúng ta làm những mô hình vệ tinh nho nhỏ, phóng lên chưa đạt kết quả gì, nhưng chúng ta phải làm những cái như thế rồi chúng ta mới có thể làm được những cái lớn hơn được. Nghĩa là đi từng bước một, từ hợp tác khai thác thành quả của nghiên cứu vũ trụ đến tham gia đóng góp vào sản xuất. Đến khi nền khoa học công nghệ của chúng ta phát triển thì chúng ta sẽ bước tiếp những bước lớn hơn nữa. Bay vào vũ trụ thì không khó, phi công của chúng tôi hoàn toàn có thể tập luyện vài năm để bay vào vũ trụ được. Nhưng bay vào để làm gì, có nghiên cứu gì trong đó để mà bay vào, tốn biết bao nhiêu tiền mà lại không ra một sản phẩm nào thì thà chúng ta mua của họ còn hơn. Đấy, tôi nghĩ đi con đường đi của chúng ta thì có lẽ nên như vậy!
PV: Có lẽ sẽ giống như những người lính, những người đồng đội của mình, mỗi dịp đến ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm đều là những dấu mốc và thời điểm khiến ông có những câu chuyện và chia sẻ như thế nào về ngày này, thưa Trung tướng?
Trung tướng Phạm Tuân: Bây giờ ngồi lại để nói về chiến tranh thì anh em chúng tôi, những người còn sống qua cuộc chiến đều nói rằng mình may mắn lắm, mình đã sống qua một cuộc chiến của cả dân tộc mình, một cuộc chiến hết sức ác liệt nhưng hết sức vẻ vang mà mình cũng là người đóng góp, tự hào lắm chứ! Nhưng mình càng tự hào bao nhiêu, mình lại càng có suy nghĩ bấy nhiêu. Tự hào về lớp lớp cha ông chúng ta, lớp lớp bạn bè chúng ta hi sinh tuổi xuân của mình để chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tự hào lắm chứ! Chúng ta không sợ hy sinh! Một đất nước như vậy, còn nghèo như vậy nhưng với ý chí quyết tâm, lòng yêu nước thiết tha của mình, đặc biệt dưới thời đại Hồ Chí Minh đã dấy lên, đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, để từ đó xông vào chiến tranh để giành lại độc lập tự do này. Tôi nghĩ tự hào lắm chứ!
Trung tướng Phạm Tuân trả lời phỏng vấn Báo Công Thương |
Nhưng mà, cũng trong dịp này, chúng ta lại nhớ đến những người hy sinh. Nhiều người tài giỏi lắm, phi công chúng tôi nhiều người tài giỏi lắm, nhiều lớp người anh dũng lắm, dũng cảm lắm, sáng tạo lắm… Như anh Hà Văn Chúc một mình đánh 36 chiếc máy bay của địch, vẫn bắn rơi máy bay địch và bay về an toàn. Hay như anh Đỗ Văn Lanh máy bay bị bắn hỏng rồi, bị hết dầu rồi, bảo nhảy dù không nhảy dù, vẫn hạ cánh. Anh Võ Sĩ Giáp cũng như vậy… còn nhiều lắm, còn nhiều nhiều anh hùng lắm. Nghĩ rất là tiếc cho những con người tài hoa nhưng không hề nghĩ đến bản thân mình, vẫn chiến đấu hi sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Và nghĩ đến các anh thì chúng tôi lại thấy buồn buồn, vì mình sống qua được chiến tranh mà các anh ại hi sinh, bây giờ có những anh vẫn chưa tìm thấy, những phi công bay trên miền Bắc ấy… Chưa kể hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ của chúng ta ở chiến trường Nam Bộ, ở biên giới, ở Campuchia, ở bên Lào đã tìm thấy đâu. Đấy là một điều hết sức xót xa. Tự hào nhưng thấy trong lòng luôn suy nghĩ về các anh, nghĩ rằng chúng ta phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh đó. Nhưng hai cái đó đi với nhau rồi thì còn cái thứ ba nó lại nổi cộm lên, đó là bây giờ không ít người đã chóng quên cái xót xa, tự hào đó đó. Không những không bù đắp được mà lại còn làm những điều trái với luân thường đạo lý, trái với những sự hy sinh đó.
Ba vấn đề tôi suy nghĩ, đó là: Xót xa, thương nhớ và có cái gì nó suy nghĩ về điều gì đó ngày nay chúng ta chưa làm tròn được trách nhiệm của mình. Suy nghĩ của tôi là như thế. Tất nhiên, trong những ngày này, bây giờ đang dấy lên phong trào anh em đi tìm đồng chí đồng đội thắp hương thăm hỏi, cái đó tôi nghĩ là truyền thống dân tộc ta còn truyền lại. Tôi nghĩ những gì chúng ta chưa làm được bây giờ thì làm sao phải giáo dục truyền thống để thế hệ trẻ biết uống nước nhớ nguồn, thấy được ông lao to lớn như thế. Chưa kể đến phản bác cái tư tưởng thù địch, chống phá còn tồn tại, nói sai về cuộc chiến tranh của chúng ta, thì đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta, của các anh các chị, của báo chí viết bài để thấy được niềm tự hào như vậy thì con người sống trong độc lập ngày nay phải sống như thế nào cho trọn vẹn.
Chúng tôi anh em đơn vị vẫn thường xuyên gặp nhau, bây giờ chúng tôi chỉ mong làm sao có sức khỏe, mong cho những người tham gia chiến đấu giữ được sức khỏe, giữ được bản lĩnh của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ, bất cứ ở trong hoàn cảnh nào cũng phải vững vàng, tin tưởng và làm tròn trách nhiệm của những người công dân của chúng ta với Đảng, nhà nước, gia đình và xã hội.
PV: Thưa Trung tướng Phạm Tuân, năm nay cũng là năm đặc biệt - kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân... Ông có niềm tự hào như thế nào về truyền thống của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như những chia sẻ gì của bản thân nhân sự kiện trong đại này?
Trung tướng Phạm Tuân: Nói đến truyền thống của chúng ta thì nó sáng lắm, truyền thống của đất nước, tuyền thống của dân tộc, và truyền thống của quân đội chúng ta rất là lớn lao. Truyền thống là thể hiện bản chất thực tế. Truyền thống của quân đội chúng ta là “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc”, đó là truyền thống của quân đội chúng ta. Chúng ta bây giờ là trách nhiệm của những người còn sống, trách nhiệm của thế hệ trẻ. Phải giữ gìn truyền thống, nhưng không chỉ giữ gìn nó, đánh sáng nó lên hơn nữa mà còn phải xây dựng được thêm những truyền thống mới. Thời đại ngày nay phải làm được cái gì đó thể hiện được bản chất của bộ đội cụ Hồ trong giai đoạn hiện đại. Trước đây đã chiến đấu rồi, thì giờ quân đội chúng ta phải làm điều gì để phát huy, nâng cao nó lên và lập thêm các chiến công mới trong các lĩnh vực, để làm sao mà truyền thống của chúng ta ngày càng dày thêm, thì đó mới là điều quan trọng. Tôi mong muốn chúng ta phải giáo dục được thế hệ trẻ như thế nào, giữ vùng được bản lĩnh của người bộ đội, bản lĩnh của người công dân Việt Nam chúng ta. Kể cả ý chí lẫn khoa học kĩ thuật. Xây dựng được bản lĩnh con người Việt Nam chúng ta trong mọi khó khăn, trong mọi hoàn cảnh. Kể cả bộ đội Việt Nam chúng ta trong thời bình phải huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng không để bị bất ngờ. Chúng ta phải làm cho truyền thống không chỉ ở mức độ giữ vững mà phải phát huy thêm, nâng cao nó lên tầm vóc mới thì chúng ta mới xứng đáng với người đã hy sinh xây dựng lên những truyền thống đó.