Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 20 km, làng Đa Hội thuộc phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã nổi danh với nghề tái chế sắt thép. Trải qua hàng chục năm tồn tại và phát triển, nơi đây đã vươn lên thành một trong những trung tâm công nghiệp sắt thép quy mô lớn top đầu miền Bắc.
 |
Một căn biệt thự nguy nga với cổng sắt mạ vàng nằm sát cụm công nghiệp làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội, phường Châu Khê, TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh |
Những ông chủ lò luyện thép trở thành đại gia, nhà cửa cao tầng, biệt thự, nhà vườn mọc lên san sát, tạo nên khung cảnh phồn thịnh khác biệt giữa lòng làng nghề. Tuy nhiên, phía sau sự phồn vinh ấy là một thực tế ít ai muốn nhìn nhận: Cụm công nghiệp ô nhiễm đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng.
“"Ngày trước, Nhà nước mới cho các hộ dân ở đây làm thép thì nhiều nhà bắt đầu giàu lên nhanh chóng. Thu nhập của người dân ở đây phải nói là cao nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Nhờ có nghề làm thép phế liệu mà nhiều người dân ở làng chúng tôi mới xây được nhà cao cửa rộng, có cả biệt thự nữa nhưng đánh đổi môi trường ô nhiễm nặng nề”, một người dân địa phương chia sẻ.
Quả thực, kể từ khi bước vào thời kỳ mở cửa kinh tế, nghề thu mua phế liệu và tái chế sắt thép tại Đa Hội đã phát triển rầm rộ. Người dân nơi đây 'đua nhau' đầu tư xây dựng lò đúc, nhập dây chuyền cán thép và máy đột dập hiện đại từ nước ngoài. Sản phẩm sau tái chế bán ra với giá cao, mang lại lãi ròng lớn. Không ít người một bước thành tỷ phú và liên tục xây dựng nhà lầu, lâu đài giữa lòng quê.
 |
Không ít người một bước thành tỷ phú, liên tục xây dựng nhà lầu, lâu đài giữa lòng quê |
 |
Cụm công nghiệp ô nhiễm đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng |
 |
Làng Đa Hội thuộc phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh bắc Ninh từ lâu đã nổi danh với nghề tái chế sắt thép |
 |
Người dân nơi đây đầu tư xây dựng lò đúc, nhập dây chuyền cán thép và máy đột dập hiện đại từ nước ngoài |
 |
Các cơ sở trong cụm công nghiệp này, chủ yếu hoạt động vào ban đêm |
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng gần 200 cơ sở trong cụm công nghiệp tại Châu Khê tiêu thụ khoảng hơn 20 tỷ đồng tiền điện. Đây là một con số khổng lồ, cho thấy mức độ, cường độ sản xuất cao và liên tục của các hộ kinh doanh luyện thép ở đây. Tuy nhiên, đi kèm với sự thịnh vượng và giàu có ở làng Đa Hội là những hệ lụy về môi trường ngày càng trầm trọng.
Ngay từ khi cụm công nghiệp được hình thành vào cuối những năm 1990, mục tiêu ban đầu là tách hoạt động tái chế ra khỏi khu dân cư để thuận tiện quản lý và giảm thiểu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều hộ vẫn tiếp tục sản xuất trong khu dân cư hoặc mở rộng quy mô vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhiều ống khói xả thải trực tiếp vào không khí, tiếng ồn và bụi sắt phủ khắp cả khu vực khiến người dân sống trong cảnh ngột ngạt kéo dài.
“Mình chấp nhận không đi đâu được vì quê hương mình mà, ngồi đây thì ảnh hưởng môi trường phải chịu thôi. Nhưng mà bây giờ, Nhà nước đã quy định là sản xuất phải đảm bảo môi trường. Thế mà nhiều người cứ trốn tránh, cứ làm giàu cho mình thì làm sao mà mừng được?”, một người dân địa phương bức xúc nói.
Sự đối lập hiện hữu từng ngày khi một bên này là những ngôi biệt thự trăm tỷ nguy nga, bên kia là dòng nước đen đặc chảy quanh khu dân cư, mùi khét của sắt nóng trộn với khí thải bốc lên nồng nặc. Trẻ em bị ho, người già mắc bệnh phổi, người lớn thường xuyên đau đầu. Đây là những hệ quả rõ rệt từ một cụm công nghiệp ô nhiễm tồn tại ngay giữa khu dân cư đông đúc.
 |
Nhiều ống khói xả thải trực tiếp vào không khí |
 |
Cánh quạt trần bám đầy bụi sắt tại một hộ dân gần cụm công nghiệp |
 |
Ống dẫn nước tại trạm bơm Liên Đàm gần cụm công nghiệp bị gỉ sét nghiêm trọng |
 |
Nước thải chảy ra từ khu vực sản xuất có màu đỏ đục, bám đầy váng dầu và cặn bẩn |
Chính quyền địa phương từng nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở sản xuất phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước thải đạt chuẩn. Tuy nhiên, vì lợi nhuận lớn, nhiều cơ sở vẫn lén lút vận hành ngoài giờ, hoặc 'lách luật' để né tránh thanh tra. Trong khi đó, người dân dù bức xúc nhưng vẫn phải “sống chung với ô nhiễm” vì không thể rời bỏ mảnh đất cha ông để lại.
Làng nghề sắt thép Đa Hội từng là niềm tự hào của người dân Kinh Bắc, là hình mẫu cho sự bền bỉ và tinh thần lao động cần cù. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, vấn nạn ô nhiễm môi trường sẽ gây ra những hậu quả về sức khỏe không thể vãn hồi.