TÓM TẮT LỊCH SỬ BÁO CÔNG THƯƠNG

Báo Công Thương là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, diễn đàn của giới công thương Việt Nam, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ và thực hiện hoạt động báo chí theo quy định của Luật Báo chí.

Báo Công Thương là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập theo quy định tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Theo Quyết định 2635/QĐ-BCT ngày 02/12/2022 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, Báo Công Thương chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công Thương, chịu sự lãnh đạo về chính trị tư tưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương và chịu sự quản lý nhà nước về báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Báo Công Thương có tên giao dịch quốc tế bằng Tiếng Anh: Newspaper of Industry and Trade

Tên viết tắt: NOIT

Trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.

Báo Công Thương có nhiệm vụ, quyền hạn: Thực hiện tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách của Bộ Công Thương, các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương và các vấn đề kinh tế, xã hội khác theo quy định pháp luật và của Bộ Công Thương; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội...

Cơ cấu tổ chức gồm:

1. Các phòng, ban chuyên môn:

a) Văn phòng Báo;

b) Ban Báo Điện tử;

c) Ban Thời sự - Kinh tế;

d) Ban Bạn đọc;

đ) Ban Thư ký tòa soạn;

e) Ban Thông tin kinh tế;

g) Ban Truyền thông - Sự kiện;

h) Ban Tài chính - Kế toán;

i) Trung tâm đa phương tiện và nội dung số Công Thương

2. Đại diện Báo Công Thương tại các địa phương:

a) Văn phòng đại diện Báo Công Thương tại phía Nam;

b) Văn phòng đại diện Báo Công Thương tại miền Trung.

c) Báo Công Thương được cử phóng viên thường trú hoạt động độc lập tại một số tỉnh, thành phố, địa phương theo quy định của pháp luật, phù hợp với hoạt động của Báo.

Báo Công Thương - 75 năm xây dựng và phát triển

● Tiền thân của Báo Công Thương là Tờ tin Mặt trận Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế xuất bản số đầu tiên vào tháng 10 năm 1948 giữa chiến khu Việt Bắc, in tại nhà in Quyết Thắng ở Phú Thọ.

● Tháng 11 năm 1951, Tờ tin Mặt trận Kinh tế chuyển thành Tập san Công Thương.

● Tháng 9 năm 1955, Bộ Công Thương tách ra thành Bộ Thương nghiệp và Bộ Công nghiệp. Tập san Công Thương chuyển thành Báo Thương nghiệp.

● Giữa năm 1990, các Bộ Nội thương, Kinh tế đối ngoại, Vật tư hợp nhất thành Bộ Thương nghiệp (sau là Bộ Thương mại), ba tờ báo ngành cũng được hợp nhất và đổi tên là Báo Thương mại vào tháng 7 năm 1990.

● Tháng 6 năm 1996, Báo Công nghiệp Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Bộ Công nghiệp được thành lập.

● Ngày 14 tháng 2 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 0959/QĐ-BCT hợp nhất Báo Thương mại và Báo Công nghiệp Việt Nam thành Báo Công Thương.

● Ngày 31 tháng 3 năm 2008, Báo Công Thương đã làm Lễ ra mắt giới thiệu ấn phẩm mới và phát hành chính thức vào ngày 1 tháng 4 năm 2008.

● Tháng 3/2013, Báo Đối ngoại Vietnam Economic News tiếp tục được sáp nhập vào Báo Công Thương.

● Ngày 10/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc và giao nhiệm vụ cho Báo Công Thương xây dựng đề án đổi mới thành cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Khen thưởng

● Huân chương Lao động hạng Ba - Báo Công Nghiệp Việt Nam (2002)

● Huân chương Lao động hạng Nhất - Báo Thương Mại (2005)

● Huân chương Lao động hạng Nhì - Báo Công Nghiệp Việt Nam (2008)

● Huân chương Độc lập hạng Ba – Báo Công Thương (2011)

Để bạn đọc hiểu thêm về lịch sử Báo Công Thương, xin đọc bài viết dưới đây:

BÁO CÔNG THƯƠNG – 75 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG DÒNG CHẢY KINH TẾ ĐẤT NƯỚC

Báo Công Thương, cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, diễn đàn của giới công thương Việt Nam có tiền thân là tờ tin Mặt trận Kinh tế của Bộ Kinh tế ra đời từ tháng 10/1948 giữa chiến khu Việt Bắc.

Từ "Mặt trận Kinh tế" đến "mùa xuân kinh tế"

Báo Công Thương đã trải qua 75 năm xây dựng và phát triển; là một trong những tờ báo có tuổi đời lâu nhất trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, một tờ báo kinh tế lớn của bộ kinh tế đa ngành, quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế đất nước.

Lịch sử còn ghi, ít ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 28/8/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã thành lập Bộ Quốc dân kinh tế, tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay.

Theo sách 70 năm ngành Công Thương, ngày 2/3/1946, Chính phủ liên hiệp kháng chiến đổi tên Bộ Quốc dân Kinh tế thành Bộ Kinh tế và đến ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.

Ngay từ những ngày đầu của chính quyền non trẻ đến những ngày kháng chiến trường kỳ giữa chiến khu Việt Bắc, công tác tuyên truyền luôn được Bộ Kinh tế, đơn vị tiền thân của Bộ Công Thương hết sức quan tâm. Tờ tin Mặt trận Kinh tế, một trong những tờ báo tiền thân của Báo Công Thương đã xuất bản hai số đầu tiên cuối năm 1948 giữa chiến khu Việt Bắc, đánh dấu mốc son và bề dày truyền thống vẻ vang của Báo Công Thương, một trong những tờ báo ra đời sớm nhất so với báo chí của các bộ ngành khác.

Cũng dễ hiểu vì sao ngày ấy, tờ báo tiền thân của Báo Công Thương lại có một cái tên đầy ý nghĩa, gợi đến chiến trường, đến cuộc chiến thầm lặng cùng cả nước đang trường kỳ kháng chiến và kiến quốc: "Mặt trận Kinh tế". Có thể thấy, trong bối cảnh giữa chiến khu Việt Bắc thiếu thốn nhiều bề, nhưng tờ “Mặt trận kinh tế” và sau đó là Tập san Công Thương ngay từ đầu đã thể hiện tính tư tưởng, tính chiến đấu rất rõ với nhiều bài viết mang tính chính luận, phân tích sắc sảo, thông tin cụ thể, rõ ràng về bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều lãnh đạo, cây bút của tờ tin Măt trận Kinh tế và Tập san Công Thương về sau đã trở thành những nhà lãnh đạo, nhân sĩ tên tuổi của đất nước như GS Đoàn Trọng Truyến, Bộ trưởng Hoàng Đức Thịnh, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cùng nhiều người khác.

Thư viện Quốc gia hôm nay vẫn còn lưu trữ được hàng chục số đầu tiên của Tờ tin Mặt trận Kinh tế, nhưng thật đáng tiếc số đầu tiên đã thất lạc, chỉ có từ số 2, xuất bản tháng 12 năm 1948. Giai đoạn đầu tờ tin xuất bản khoảng 2-5 tháng một số, từ tháng 1/1950 tờ tin Mặt trận Kinh tế xuất bản đều đặn tháng một số. Lật giở những số đầu tiên, chúng tôi xúc động thấy đầy ắp những thông tin, như được sống trong mặt trận kinh tế của một thời toàn quốc kháng chiến.

Trang bìa tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng Chạp năm 1948.

Trang bìa tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng Chạp năm 1948.

Tờ tin Mặt trận Kinh tế xuất bản mỗi số từ 16 đến 24 trang, với các trang, mục như: Địa lý kinh tế các tỉnh; ABC Kinh tế học; Trên mặt trận kinh tế có gì lạ?; Nói chuyện kinh tế, Luật kinh tế hiện hành…

Trong trang bìa tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng Chạp năm 1948, với 4 câu thơ “Tặng chàng chiếc áo em may/Vải này em dệt, sợi này em xe/Chàng đi em vội trở về/Thi đua sản xuất lo bề nông trang” đã khắc họa cho người đọc hiểu được toàn bộ nội dung mặt trận kinh tế nước ta thời bấy giờ “tiền tuyến lo đánh giặc, hậu phương chăm lo sản xuất…”.

Trang nhất của tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 trích nội dung bức thư “Hồ Chủ tịch gửi ngành Tơ sợi Trung ương”: “Gởi ngành Tơ sợi Trung ương Bộ Kinh tế. Cảm ơn các bạn đã gởi biếu tôi bộ áo dừa. Tôi mong các bạn xung phong THI ĐUA ÁI QUỐC làm sao cho ngành Tơ sợi phát triển cho mau, cho tốt, cho nhiều để giải quyết vấn đề mặc cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ của các bạn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc”.

Cũng trong số này, bài viết “Tiến mạnh trên chiến - tuyến sản - xuất” đã viết rất rõ về tầm quan trọng của sản xuất trong thời kỳ bấy giờ. Với nội dung cụ thể: “Sản xuất là căn bản của kinh tế. Không sản xuất thì không buôn bán, không phân phối, không tiêu thụ. Nói hẹp là một nhà, nói rộng là một nước muốn có ăn, có mặc thì phải làm. Một nước muốn sống, muốn tự túc, không nhờ cậy ai thì ít nhất phải tự làm ra đồ ăn, đồ mặc, đồ dùng.

Trang nhất của tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 lại trích nội dung bức thư Hồ Chủ tịch gửi ngành Tơ sợi Trung ương

Trang nhất của tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 lại trích nội dung bức thư “Hồ Chủ tịch gửi ngành Tơ sợi Trung ương”

Nước ta trong hoàn cảnh kháng chiến bị phong tỏa cần phải tự túc thì càng phải cố gắng. Trước nhất là làm ra cho có ăn, có mặc và có đồ để đánh giặc. Vì một số người bận đánh giặc, bận đào hầm cắt đường, bận sản xuất những đồ đánh giặc nên thiếu tay làm; vì vậy cần phải cố gắng sản xuất thật nhiều đồ ăn, thức mặc thì mới mong đủ ăn, đủ dùng… Tăng gia sản xuất theo lối cá nhân năm xưa đã đem lại kết quả thắng giặc đói. Tăng gia sản xuất theo lối làm việc tập thể mà ta cố gắng bắt đầu phát động năm nay sẽ giúp ta mau thắng giặc Pháp xâm lăng…” - Nội dung bài báo đăng.

Đáng chú ý, có nội dung “Bộ trưởng Bộ Kinh tế gửi Hội đồng Sản xuất kỹ nghệ Liên khu 4”: “Nhân dịp hội nghị lần thứ sáu của Hội đồng sản xuất kỹ nghệ Liên khu IV, tôi gửi lời chào thân ái các vị tới dự hội nghị và chúc hội nghị đạt được nhiều kết quả tốt để khuếch trương công kỹ nghệ nước nhà, thực hiện chính sách kinh tế kháng chiến kiến quốc”.

Ngoài ra, trong tờ tin số 2 còn có các bài viết: “Đồng bào Nam bộ thi đua sản xuất và tự túc” của tác giả Ngô Lang; hay bài “Vài ý kiến về vấn đề Tiểu công nghệ hóa miền Thương ban Trung châu và Việt bắc”.

Trang nội dung tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng Chạp năm 1948.

Trang nội dung tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng Chạp năm 1948.

Ngoài những nội dung về kinh tế, tờ Mặt trận Kinh tế số 2 còn đăng tải những phóng sự ngắn, bài vấn đáp như: “Từ Bờ Lờ… đến Bờ Vờ” của tác giả Lưu Ngọc; hay bài vấn đáp “Bài trừ xa xỉ phẩm trước?” của tác giả Sơn Đạo.

Các chuyên tranh: ABC Kinh tế học; Trên mặt trận kinh tế có gì lạ?; Nói chuyện kinh tế, Luật kinh tế hiện hành… đã cung cấp đầy đủ các thông tin về kinh tế trong nước và quốc tế; pháp luật về kinh tế đến bạn đọc thời bấy giờ.

Cũng nhân dịp ra mắt độc giả, Mặt trận Kinh tế đã mở cuộc thi làm thơ, ca dao, phóng sự về các vấn đề kinh tế và Thi đua phá hoại kinh tế địch.

Số 3 xuất bản tháng Giêng Hai là số Xuân của tờ tin Mặt trận kinh tế. Trên trang nhất số báo này có bài “Năm 1949 trên mặt trận kinh tế chúng ta phải làm gì đây?” của tác giả Bùi Công Trung.

Nội dung bài báo viết: “Tình hình quốc gia và quốc tế đang thuận lợi cho ta, chúng ta bước nhanh trên giai đoạn thứ 2, chúng ta chuẩn bị tổng phản công. Khẩu hiệu năm nay là: Tất cả để chiến thắng. Trong thời kỳ mới của lịch sử, trong giai đoạn mới của thời kỳ kháng chiến, chúng ta phải có một chương trình kế hoạch kinh tế toàn diện. Chương trình kế hoạch ấy phải theo đường lối nào?” - nội dung bài báo viết.

Tờ Mặt trận Kinh tế số 11 xuất bản tháng 5/1950, số ra ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch.

Tờ Mặt trận Kinh tế số 11 xuất bản tháng 5/1950, số ra ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch.

Tác phẩm “Mùa Xuân kinh tế” của tác giả Xuân Long viết: “Xuân đã về trên những bông hoa tươi thắm. Mưa phùn lác đác bay, vạn vật hớn hở trong làn không khí ấm áp của mùa xuân mới. Sau mấy ngày nghỉ Tết, từng đoàn nông dân tấp nập ra đồng làm việc, chỗ sới mầu, nơi nhổ cỏ, những câu hát trong vắt của các cô thôn nữ vút trong không gian như giữa lúc thanh bình. Tiếng đe búa ở các lò, các xưởng lanh lảnh vang dội khắp nơi báo trước một ngày mai kiến thiết sán lạn.

Nền kinh tế của Việt Nam cũng đi vào một con đường mới. Dưới sự dìu dắt sáng suốt của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã thành ra một kinh tế nhân dân, tổ chức và phát triển theo nguyên tắc “bởi dân và vì dân”. Nên Quốc gia có can thiệp vào những tổ chức kinh tế, sự can thiệp đó chỉ có mục đích bảo vệ quyền lợi của Quốc gia và của nhân dân, chứ không phải để cạnh tranh với nhân dân, để bóc lột nhân dân, để phụng sự một nhóm người nào”.

Ngoài ra, trong số báo Xuân này còn có bài viết “Một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng về Bắc Ninh tự túc ăn mặc” nhằm hưởng ứng phong trào thi đua tự túc của Chính phủ; hay tác phẩm “Sự hưng thịnh của chế độ Dân chủ mới và sự suy đồi của Đế quốc chủ nghĩa” cung cấp nhưng con số cụ thể để người dân có thể nắm rõ kinh tế của các nước theo chế độ Dân chủ mới đã phát triển như thế nào và kinh tế của các nước Đế quốc chủ nghĩa đã suy đồi như làm sao…

Tính chiến đấu và... tính kinh tế, tổ chức sự kiện ngay từ số đầu

Có thể thấy ngay trong bối cảnh giữa chiến khu Việt Bắc, thiếu thốn nhiều bề, nhưng tờ báo ngay từ đầu đã thể hiện tính tư tưởng, tính chiến đấu rất rõ với nhiều bài viết mang tính chính luận, phân tích sắc sảo tình hình chính trị, kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong nền kinh tế thời chiến, báo đã tập trung cho nhiệm vụ chính trị hàng đầu là chỉ rõ những mặt trái kinh tế xã hội của chủ nghĩa tư bản và tập trung cho nhiệm vụ trước mắt: Phá hoại kinh tế của địch.

Tờ tin số 1 (theo thông tin đăng trên số 2) cho biết đã ngay lập tức phát động hai cuộc thi gồm:

Cuộc thi “Thi đua phá hoại kinh tế của địch” cho các cá nhân, đơn vị bộ đội, dân quân du kích và đoàn thể trong 3 tháng 11, 12/1948 và tháng 1/1949. Giải nhất sẽ là một chiếc áo quý giá do Hồ Chủ tịch gửi tặng. Giải nhì sẽ là 500 đồng và một sản phẩm nội hoá của Bộ Kinh tế.

Cùng với đó, tờ tin Mặt trận Kinh tế còn tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, ca dao, phóng sự về các vấn đề kinh tế với 3 giải thưởng 500 đồng và một sản phẩm nội hoá toà soạn Mặt trận Kinh tế tặng cho 3 tác phẩm hay nhất.

Tờ số 4 xuất bản tháng 3 và tháng 4 với những bài viết nổi bật như “Phá mưu mô giặc Pháp, đánh bại bọn đầu cơ”; “Bài trừ xa xỉ phẩm”; “Nạn hiếm nhân công”; “Nước Phi Luật Tân có được độc lập thật sự hay không?”; “Sự tiến triển của nghề làm giấy”;…

Với tác phẩm “Bài trừ xa xỉ phẩm” điểm nhấn là bài ca dao “Không dùng hàng của địch”: “Răng em trong ngọc trắng ngà/Tóc em chải chuốt mượt mà có duyên/Trắng ngà, em đánh than đen/Mượt mà em chải bấy niên lược sừng/Yêu anh em nói thưa cùng/Dùng chi hàng địch thẹn thùng lắm anh!”.

Tác phẩm cũng nêu rõ, Chính phủ cấm xa xỉ phẩm để phá tan mưu giặc, củng cố kinh tế quốc gia, giữ vững giá trị cho đồng bạc Việt Nam. “Nói tóm lại muốn đánh qụy quân thù, dùng chính trị và quân sự chưa đủ. Phải đánh mạnh về kinh tế nữa. Triệt để bài trừ xa xỉ phẩm tức là đánh một đòn nặng nề để phá tan âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của địch” - bài báo viết.

Tờ Mặt trận Kinh tế số 11 xuất bản tháng 5/1950, số ra ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch. Trên trang bìa số báo này, bài viết “1890 - 1950 Lễ thượng thọ của Hồ Chủ tịch” có nội dung: “Hồ Chủ tịch trước đây 30 năm, là người Việt Nam đầu tiên thấy rõ muốn giải phóng dân tộc Việt Nam phải có một sự liên kết chặt chẽ với phòng trào thợ thuyền thế giới và phong trào giải phóng của các thuộc địa và bán thuộc địa dưới ách đế quốc chủ nghĩa.

Người cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận thấy nước Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng phụ thuộc về kinh tế tất phải nỗ lực chiến đấu giành độc lập về chính trị. Muốn cuộc chiến đấu có kết quả phải có một Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Năm 1930, Người đứng ra thống nhất các nhóm tiền phong cách mạng của thợ thuyền thành một Đảng tiền phong duy nhất của giai cấp vô sản để lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ thực sự.

Năm 1941, đứng trước nạn phát xít thống trị thế giới Người chủ trương lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, tập trung và thống nhất mọi lực lượng của dân tộc thành một trào lưu mạnh mẽ để đánh bại phát xít chủ nghĩa, và chủ nghĩa thực dân phản động, nhờ đó mà cuộc Cách mạng tháng 8 thành công rực rỡ”.

Trang bìa số 14 xuất bản tháng 8/1950 đã đăng nguyên văn “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh độc lập 1950”.

Trang bìa số 14 xuất bản tháng 8/1950 đã đăng nguyên văn Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh độc lập 1950.

Trang bìa số 14 xuất bản tháng 8/1950 đã đăng nguyên văn “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh độc lập 1950”.

“Cùng đồng bào trong và ngoài nước/Cùng các chiến sĩ Vệ Quốc Quân, bộ đội/Địa phương và dân quân du kích xã/Cùng các cán bộ Chính quyền và Đoàn thể/Cùng các cháu Thanh niên và Nhi đồng.

Lần này là lần thứ 5 chúng ta kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh độc lập. Cuộc kháng chiến của ta cũng đã 5 năm. Chúng ta hãy kiểm điểm qua tình hình trong 5 năm, để ấn định công việc những ngày sắp đến.

Trước ngày Cách mạng tháng 8, chúng ta có 2 kẻ địch trực tiếp là đế quốc Nhật và thực dân Pháp và 1 kẻ địch gián tiếp là phản động Quốc dân đảng Trung Quốc. Nghĩa là sức địch rất to lớn.

Trong ngày Cách mạng tháng 8, chúng ta chưa có chính quyền, chưa có quân đội chính quy, Mặt trận dân tộc còn nhỏ hẹp và bí mật. Nghĩa là sức ta rất thiếu thốn.

Nhưng vì ta khéo lợi dụng điều kiện quốc tế ở ngoài, vì ta khéo đoàn kết và khéo tổng động viên trong nước, cho nên ta đã đổi thế yếu thành thế mạnh, đã thắng 3 kẻ địch, đã đưa Cách mạng đến thắng lợi, độc lập đến thành công”.

Có thể nói, dù đã trải qua gần 75 năm, nhưng những nội dung của tờ Mặt trận Kinh tế vẫn còn vẹn nguyên giá trị với thời gian. Đây cũng là hành trang vô giá cho thế hệ những người làm ngành công nghiệp, thương mại ngày hôm nay phát huy giá trị truyền thống của thế hệ trước để lại

Nhiều lần tách nhập

Hoà bình, dựng xây đất nước trong bối cảnh mới cũng là khi cơ cấu tổ chức của ngành Công Thương, Bộ Công Thương được xây dựng cho phù hợp với thực tiễn. Những lĩnh vực mới của ngành Công Thương phát triển sâu hơn, rộng hơn cũng là cơ hội để các ấn phẩm mới trong vai trò cơ quan ngôn luận được hình thành và phát triển, tiếp tục khẳng định hình ảnh mới của người Công Thương, ngành Công Thương trên các lĩnh vực kinh tế mới của đất nước như công nghiệp, thương nghiệp, ngoại thương, vật tư, năng lượng, mỏ, dầu khí.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tháng 9 năm 1955, Bộ Công Thương được tách ra thành Bộ Thương nghiệp và Bộ Công nghiệp. Theo đó, Tập san Công Thương cũng chuyển thành Báo Thương nghiệp. Những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ XX, Báo Ngoại thương (sau là Báo Kinh tế đối ngoại), Báo Vật tư của hai Bộ Ngoại thương, Vật tư cũng được thành lập.

Giữa năm 1990, các Bộ Nội thương, Kinh tế đối ngoại, Vật tư hợp nhất thành Bộ Thương nghiệp (sau là Bộ Thương mại) và tháng 7/1990, ba tờ báo ngành cũng được hợp nhất và đổi tên là Báo Thương mại. Giữa năm 1996, Báo Công nghiệp Việt Nam - Cơ quan của Bộ Công nghiệp ra đời.

Bìa Báo Công nghiệp Việt Nam số Kỷ niệm 10 năm thành lập

Bìa Báo Công nghiệp Việt Nam số Kỷ niệm 10 năm thành lập

Bìa Báo Thương mại số Tết 2001

Bìa Báo Thương mại số Tết 2001

Sau khi hợp nhất Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp thành Bộ Công Thương, hai tờ báo cũng được sáp nhập thành Báo Công Thương. Và ngày 1/4/2008 ấn phẩm Công Thương mới chính thức được phát hành. Tin, bài về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các chủ đề về công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế cùng mọi mặt hoạt động sôi của thị trường trong và ngoài nước... vẫn là nội dung chủ đạo của từng số Báo Công Thương.

Có thể nhận ra rằng, mẫu số chung của tất cả các ấn phẩm trong giai đoạn 60 năm ấy, vắt qua những thời kỳ phát triển đa chiều, phức tạp và nhiều thăng trầm của tiến trình lịch sử kinh tế đất nước, những trang sử kinh tế ấy luôn toả rạng trên từng trang in, từng bài viết, từng bức hình của những tờ báo đã hội tụ thành Báo Công Thương. Bên cạnh những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận những nỗ lực của Báo Công Thương, một phần thưởng to lớn, đầy ý nghĩa nữa chính là sự đón nhận của độc giả cả nước.

Đổi mới cùng đất nước

Nếu như giai đoạn từ 1948 đến 2008 đã định hình Báo Công Thương như một cơ quan báo chí kinh tế sắc bén của các bộ kinh tế trọng điểm của đất nước thì cái mốc 1/4/2008 đã định hình một tờ báo chính thống của một bộ kinh tế đa ngành chiếm đến 70% GDP của đất nước.

Đó là những nhiệm vụ vẻ vang mới và cũng là những địa hạt phát triển mới, chứa đựng cả những thách thức mới cho những người làm báo Công Thương. Nhu cầu thông tin đa dạng, đa chiều, chuyên biệt hơn, cập nhật hơn cũng làm cho dòng chảy thông tin Công Thương những nội hàm mới.

Báo Công Thương đã dành giải Bìa báo tết đẹp tại Hội Báo toàn quốc 2019

Báo Công Thương đã dành giải “Bìa báo tết đẹp” tại Hội Báo toàn quốc 2019

Ngoài ấn phẩm chính, sau khi hợp nhất Báo Công Thương tiếp tục duy trì và xuất bản có hiệu quả các ấn phẩm mang tính chuyên đề và trở thành một trong những tờ báo có nhiều chuyên đề, đặc san, như: Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi; Đặc san Bếp Gia đình; Chuyên đề Vốn & Đầu tư; Chuyên đề Thông tin Công nghiệp & Thương mại... Đặc biệt, phụ trương Mua và Bán với hàng chục vạn bản mỗi kỳ đã trở thành một hiện tượng độc đáo trong xuất bản báo chí của Việt Nam.

Nhạy bén với cái mới, với sự phát triển, chuyển đổi của công nghệ cũng như đòi hỏi của độc giả, năm 2013 Báo Công Thương điện tử đã ra đời với tên miền www. congthuong.vn. Có thể nói, mặt trận tuyên truyền của ngành Công Thương cùng với ấn phẩm báo in, báo điện tử Công Thương đã đánh dấu bước phát triển mới có ý nghĩa.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu lớn của đất nước với những quyết sách hết sức quan trọng. Vị trí vai trò của Ngành Công Thương được nhấn mạnh hơn với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt ra cho ngành Công Thương cũng nhiều hơn.

Những thực tiễn đó đòi hỏi công tác thông tin tuyên truyền trên các ấn phẩm của Báo Công Thương cũng phải đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Trong vai trò tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên luôn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của các cơ quan báo chí của ngành, đặc biệt là với báo Công Thương. Bộ trưởng cùng tập thể lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã hai lần trực tiếp làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ phóng viên của báo. Đặc biệt, tại buổi làm việc vào đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp nghe báo cáo đề cương dự thảo đề án đổi mới Báo Công Thương điện tử; tăng cường cán bộ mới cho Ban Biên tập.

Năm 2022, tập thể Báo Công Thương đã không ngừng nỗ lực với tinh thần vừa xây dựng vừa triển khai các nội dung của đề án đổi mới tờ báo. Trên góc độ tổ chức, các phòng ban được sắp xếp tinh gọn hơn, phù hợp với việc triển khai nhiệm vụ chính trị và chuyên môn; phong cách làm báo được đổi mới mạnh mẽ, theo hướng chủ động, nhanh nhạy và quyết liệt hơn. Những thông điệp chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ được kịp thời thể hiện, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của ngành Công Thương, tạo cơ sở cho sự đồng thuận với các chủ trương điều hành của Bộ.

Sự đổi mới quyết liệt của Ban biên tập Báo Công Thương trong việc đẩy mạnh phát triển nội dung, nâng cao tính định hướng, tính chiến đấu của tờ báo đã mang lại những kết quả tích cực và nổi bật. Với báo in, bên cạnh việc nâng cao chất lượng tin bài, có nhiều bài viết chuyên sâu, dài kỳ thì từ 1/1/2023 báo đã tăng lên 3 số/tuần cùng với việc thay đổi hình thức, thiết kế để mang đến cho bạn đọc thông tin nhanh, hấp dẫn hơn. Báo Công Thương cũng là tờ báo bộ có nhiều ẩn phẩm nhất, có thể kể đến như: Vietnam Economic News; Khuyến công, Công nghiệp hỗ trợ, Báo cáo xuất nhập khẩu thường niên, Tổng quan Xúc tiến thương mại…

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thăm gian trưng bày của Báo Công Thương tại Hội báo toàn quốc 2023

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thăm gian trưng bày của Báo Công Thương tại Hội báo toàn quốc 2023

Đối với báo điện tử, số lượng tin bài trong năm 2022 đã tăng gấp từ 3-5 lần so với các năm trước. Nhiều chuyên mục, chuyên trang mới được mở, tuyên truyền rộng hơn các lĩnh vực được xã hội, dư luận quan tâm như: Chuyên mục: Pháp luật- điều tra; Bạn đọc; Các chuyên trang Dân tộc- Tôn giáo; Giảm nghèo bền vững.

Từ chỗ chưa có nền tảng mạng xã hội nào, báo đã nhanh chóng xây dựng và phát triển, đến nay có đủ các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Youtube, TikTok, Zalo… đều được chứng nhận tick xanh, nút bạc, tick xám, có từ hàng chục nghìn đến hơn 3 triệu người theo dõi; có nhiều tin, clip đưa trên mạng xã hội đạt lượng truy cập đạt trung bình hàng chục ngàn đến hàng triệu lượt truy cập; nhiều video đạt trên 1 triệu lượt truy cập, thậm chí hơn 8 triệu lượt truy cập chỉ trong một thời gian ngắn.

Kênh Youtube Báo Công Thương từ chưa có, đến nay kênh đã được xây dựng đạt hơn 110.000 người theo dõi và tháng 6/2023 kênh đã đạt nút Bạc của Youtube.

Đặc biệt, Báo Công Thương điện tử đã có bước phát triển vượt bậc. Nếu như cả năm 2020 lượt xem trang là trên 17, 6 triệu lượt xem, trung bình 1,4 triệu lượt xem mỗi tháng; năm 2021 giảm còn xấp xỉ 12 triệu lượt xem, trung bình gần 1 triệu lượt/tháng thì năm 2022 đã có sự bứt phá, đạt 30,5 triệu lượt xem, tăng 156% so với năm trước, đạt gần 2,6 triệu lượt xem/tháng. Và từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2023, lượng người xem trên Báo Công Thương điện tử hiện đạt mức hơn 1 triệu lượt xem (page view)/ngày, với hơn 30 triệu lượt xem mỗi tháng; cao gấp 12 lần so với năm 2022 và cao hơn 30 lần so với năm 2021.

Tháng 2 năm 2022, theo công cụ đo lường similarweb.com, Báo Công Thương Điện tử đứng thứ hạng thứ 626 trong số các trang web báo chí, tin tức. Đến tháng 6 năm 2023, Báo Công Thương Điện tử đã vào top 100, đứng thứ 92 trong số các trang web tin tức, báo chí có lượng người xem cao nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, Báo đã tổ chức các sự kiện, tọa đàm, hội thảo gắn với các chủ đề nóng, thiết thực như: Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu; Phát triển vị thế ngành công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistic..

Đặc biệt, tăng tính kết nối với đồng nghiệp, Báo đã thành lập nhóm Báo Công Thương kết nối với sự tham gia của gần 100 nhà báo, phóng viên theo dõi lĩnh vực công thương để chia sẻ, lan tỏa các thông tin của ngành tới các báo bạn.

Với những nỗ lực đổi mới, năm 2022 nhiều tuyến bài đạt chất lượng của Báo đã được ghi danh tại các giải thưởng báo chí như: Giải Báo chí quốc gia, Búa liềm vàng, Giải Dấu ấn Quản lý thị trường, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn Kết Dân tộc, Giải báo chí về khoa học công nghệ, Giải báo chí Sử dụng Tiết kiệm năng lượng, Giải báo chí năm du lịch quốc gia, Giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới…

Báo Công Thương nhận Giấy khen Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Báo Công Thương nhận Giấy khen Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Trong bối cảnh mới, nhiệm vụ của Báo Công Thương thời gian tới đây là tiếp tục đổi mới toàn diện tờ báo; triển khai toàn diện, đồng bộ chuyển đổi số, tiến tới là cơ quan báo chí kinh tế lớn; phát triển và đưa tờ báo hoạt động của đúng định hướng, đúng tôn chỉ mục đích…

Có thể nói, 75 năm đồng hành cùng đất nước, cùng ngành Công Thương, Báo Công Thương dù xuất bản dưới các tên gọi khác nhau cho phù hợp với mô hình quản lý song với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, Báo luôn vươn lên bằng công lao, tâm huyết và trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ phóng viên, biên tập viên. Các thế hệ người Công Thương hôm nay có sứ mệnh thiêng liêng và cao cả là giữ vững và đưa vị thế, thương hiệu đó của tờ báo đi xa hơn và lên những tầm cao mới trong dòng chảy báo chí hiện đại.

Một số Giải thưởng Báo Công Thương được trao trong năm 2022 – 2023

Đại diện nhóm tác giả của Báo Công Thương (thứ ba từ trái sang) nhận Giải Khuyến khích Giải Diên Hồng lần thứ nhất

Đại diện nhóm tác giả của Báo Công Thương (thứ ba từ trái sang) nhận Giải Khuyến khích Giải Diên Hồng lần thứ nhất

Nhóm tác giả của Báo Công Thương đoạt Giải Khuyến Khích Giải Búa liềm vàng lần thứ VII – năm 2022

Nhóm tác giả của Báo Công Thương đoạt Giải Khuyến Khích Giải Búa liềm vàng lần thứ VII – năm 2022

Đại diện Báo Công Thương (thứ 8 từ phải sang trái) nhận Giải Khuyến khích Giải báo chí Quốc gia năm 2022

Đại diện Báo Công Thương (thứ 8 từ phải sang trái) nhận Giải Khuyến khích Giải báo chí Quốc gia năm 2022

Nhà báo Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương (thứ 9 từ trái sang) nhận Giải C - Bìa báo Tết ấn tượng tại Hội báo Toàn quốc 2023

Nhà báo Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương (thứ 9 từ trái sang) nhận Giải C - Bìa báo Tết ấn tượng tại Hội báo Toàn quốc 2023

Ban Tổ chức trao hoa và Giấy chứng nhận cho Nhóm tác giả Báo Công Thương đoạt Giải Đặc biệt Cuộc thi viết Dấu ấn Quản lý thị trường

Ban Tổ chức trao hoa và Giấy chứng nhận cho Nhóm tác giả Báo Công Thương đoạt Giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Dấu ấn Quản lý thị trường”

Đại diện nhóm tác giả của Báo Công Thương nhận Giải Nhất Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2022

Đại diện nhóm tác giả của Báo Công Thương nhận Giải Nhất Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2022

Đại diện Báo Công Thương (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận giải B Giải Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022

Đại diện Báo Công Thương (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận giải B Giải “Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" năm 2022

Tác giả Trần Thị Hường (Báo Công Thương) nhận Giải Ba Giải báo chí Giảm ô nhiễm nhựa đại dương năm 2022

Tác giả Trần Thị Hường (Báo Công Thương) nhận Giải Ba Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2022

LÃNH ĐẠO BÁO QUA CÁC THỜI KỲ

Tờ tin Mặt trận Kinh tế (1948-1951): Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hào

Tập san Công Thương (1951-1955): Chủ nhiệm Đoàn Trọng Truyến

Báo Thương nghiệp - Cơ quan của Bộ Nội thương (1955-1990)

+ Đồng chí Nguyễn Minh Dương - Tổng biên tập (1965 - 1972)

+ Đồng chí Nguyễn Ngọc Châu - Tổng biên tập (1972 - 1990)

Báo Thương Mại - Cơ quan của Bộ Thương mại (1990-2008)

+ Đồng chí Nguyễn Tuất - Tổng biên tập (1990 - 1992)

+ Đồng chí Phạm Việt Tường - Tổng biên tập (1992 - 1996)

+ Đồng chí Trần Nam Vinh - Tổng biên tập (1996 - 1998)

+ Đồng chí Bùi Đức Khiêm - Tổng biên tập (1998 - 4/2008)

Báo Công nghiệp Việt Nam - Cơ quan của Bộ Công nghiệp (1996-2008)

+ Đồng chí Nguyễn Xuân Chuẩn - Tổng biên tập (1996 - 1998)

+ Đồng chí Phạm Việt Dũng - Tổng biên tập (1998 - 2005)

+ Đồng chí Tô Văn Tuấn - Tổng biên tập (2005 - 4/2008)

Tạp chí Vietnam Business

+ Đồng chí Bùi Viết Thuyên – Tổng biên tập (1990 -1991)

+ Đồng chí Trần Vệ - Tổng biên tập (1992-1993)

+ Đồng chí Tô Cẩm Liên – Tổng biên tập (1993-1997)

+ Đồng chí Hồ Hải Long – Tổng biên tập (1997-2000)

Tạp chí Vietnam Economic News

+ Đồng chí Vi Trần Văn Chẩm – Tổng biên tập (1990-1991)

+ Đồng chí Trần Vệ - Tổng biên tập (1992-1993)

+ Đồng chí Chu Viết Luân - Tổng biên tập (1993-2000)

Báo Đối ngoại Vietnam Economic News

+ Đồng chí Trần Vệ - Tổng biên tập (2001-2007)

+ Đồng chí Hồ Hải Long – Tổng biên tập (2007-2012)

Báo Công Thương - Cơ quan của Bộ Công Thương

+ Đồng chí Bùi Đức Khiêm - Tổng biên tập (4/2008 - 2012)

+ Đồng chí Nguyễn Hữu Quý - Tổng biên tập (2012 - 2019)

+ Đồng chí Trương Thu Hiền - Phó Tổng biên tập phụ trách - Tổng biên tập (2019 - 3/2023)

+ Đồng chí Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng biên tập phụ trách - Tổng biên tập (3/2023 - Nay)

Các ấn phẩm

1. Ấn phẩm qua các thời kỳ

- Tờ tin Mặt trận Kinh tế (10/1948 - 11/1951)

- Tập san Công Thương (11/1951 - 9/1955)

- Báo Thương nghiệp (9/1955 - 7/1990)

- Báo Thương mại (7/1990 - 4/2008)

+ Ấn phẩm in: Phụ trương quảng cáo Mua & Bán

+ Ấn phẩm in: Thế giới Thương mại

+ Ấn phẩm in: Thương mại Cuối tuần

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề Bếp Gia đình

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi

+ Trang Báo Thương mại điện tử

+ Trang Cơ hội giao thương điện tử

- Báo Công nghiệp Việt Nam (6/1996 - 4/2008)

+ Ấn phẩm in: Thời đại Công nghiệp

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề đặc biệt Thông tin Công nghiệp & Thương mại

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề đặc biệt Vốn & Đầu tư

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề Executive Briefing

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề Ý tưởng & Sản phẩm

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề Hàng Việt

- Tạp chí Vietnam Business (8/1990 - 2/2001)

- Tạp chí Vietnam Economic News (9/1990 - 2/2001)

- Báo Đối ngoại Vietnam Economic News (3/2001 - 3/2013)

+ Ấn phẩm in: Kinh tế Việt Nam

+ Ấn phẩm in: Vietnam Economic News

+ Chuyên trang điện tử Kinh tế Việt Nam (kinhte.congthuong.vn)

+ Chuyên trang điện tử Vietnam Economic News (ven.vn)

- Báo Công Thương (4/2008 - nay)

+ Báo Công Thương giấy in

+ Báo Công Thương điện tử (www.congthuong.vn; www.baocongthuong.vn; www.baocongthuong.com.vn; www.baocongthuong.com, www.congthuong.com.vn)

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề đặc biệt Thông tin Công nghiệp & Thương mại

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề đặc biệt Vốn & Đầu tư

+ Ấn phẩm in: Chuyên đề Executive Briefing

+ Ấn phẩm in: Kinh tế Việt Nam (từ tháng 3/2013)

+ Ấn phẩm in: Vietnam Economic News (từ tháng 3/2013)

+ Chuyên trang điện tử Kinh tế Việt Nam (từ tháng 11/2013)

+ Chuyên trang điện tử Vietnam Economic News (www.ven.vn; www.ven.org.vn, từ tháng 11/2013)

+ Chuyên trang điện tử Cơ hội giao thương (www.cohoigiaothuong.com.vn, từ tháng 11/2013)

2. Các ấn phẩm đang phát hành

● Báo Công Thương giấy in (phát hành thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần)

● Ấn phẩm in Vietnam Economic News (tháng 2 số)

● Bản tin in Khuyến Công

● Bản tin in Công nghiệp Hỗ trợ

● Báo Công Thương điện tử (https://congthuong.vn/)

● Chuyên trang điện tử Kinh tế Việt Nam (kinhte.congthuong.vn)

● Chuyên trang điện tử Vietnam Economic News (ven.vn)

● Chuyên trang điện tử Dân tộc - Tôn giáo (dantoctongiao.congthuong.vn)

● Chuyên trang điện tử Giảm nghèo về thông tin (giamngheothongtin.congthuong.vn)

● Chuyên trang Cơ hội giao thương (giaothuong.congthuong.vn)

● Chuyên trang Media Công Thương (media.congthuong.vn)

● Chuyên trang Thương hiệu quốc gia Việt Nam (thuonghieu.congthuong.vn)

Liên hệ

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 0243.936.6400

Fax: 0243.936.6402

Email: [email protected]

Một số hình ảnh về Báo Công Thương

Một số Giải thưởng Báo Công Thương được trao trong năm 2022 – 2023

Đại diện nhóm tác giả của Báo Công Thương (thứ ba từ trái sang) nhận Giải Khuyến khích Giải Diên Hồng lần thứ nhất

Đại diện nhóm tác giả của Báo Công Thương (thứ ba từ trái sang) nhận Giải Khuyến khích Giải Diên Hồng lần thứ nhất

Nhóm tác giả của Báo Công Thương đoạt Giải Khuyến Khích Giải Búa liềm vàng lần thứ VII – năm 2022

Nhóm tác giả của Báo Công Thương đoạt Giải Khuyến Khích Giải Búa liềm vàng lần thứ VII – năm 2022

Đại diện Báo Công Thương (thứ 8 từ phải sang trái) nhận Giải Khuyến khích Giải báo chí Quốc gia năm 2022

Đại diện Báo Công Thương (thứ 8 từ phải sang trái) nhận Giải Khuyến khích Giải báo chí Quốc gia năm 2022

Nhà báo Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương (thứ 9 từ trái sang) nhận Giải C - Bìa báo Tết ấn tượng tại Hội báo Toàn quốc 2023

Nhà báo Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công Thương (thứ 9 từ trái sang) nhận Giải C - Bìa báo Tết ấn tượng tại Hội báo Toàn quốc 2023

Ban Tổ chức trao hoa và Giấy chứng nhận cho Nhóm tác giả Báo Công Thương đoạt Giải Đặc biệt Cuộc thi viết Dấu ấn Quản lý thị trường

Ban Tổ chức trao hoa và Giấy chứng nhận cho Nhóm tác giả Báo Công Thương đoạt Giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Dấu ấn Quản lý thị trường”

Đại diện nhóm tác giả của Báo Công Thương nhận Giải Nhất Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2022

Đại diện nhóm tác giả của Báo Công Thương nhận Giải Nhất Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2022

Đại diện Báo Công Thương (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận giải B Giải Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022

Đại diện Báo Công Thương (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận giải B Giải “Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" năm 2022

Tác giả Trần Thị Hường (Báo Công Thương) nhận Giải Ba Giải báo chí Giảm ô nhiễm nhựa đại dương năm 2022

Tác giả Trần Thị Hường (Báo Công Thương) nhận Giải Ba Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2022

Mobile VerionPhiên bản di động