Lan tỏa ‘tiếng thơm’ cho sản phẩm miền núi
Kết nối đối tác
Hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã khu vực miền Bắc năm 2025 đang diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 6-11/5). Hội chợ do Bộ Công Thương phối hợp cùng Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức. Sự kiện quy tụ hơn 40 Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cùng hơn 30 doanh nghiệp, với gần 180 gian hàng.
Gian hàng của tỉnh Thanh Hoá thu hút người tiêu dùng thủ đô. Ảnh minh hoạ |
Các gian hàng mang đến hàng nghìn sản phẩm đa dạng, từ nông sản, dược liệu, rau củ, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ đến hàng tiêu dùng và vật tư sản xuất, phản ánh rõ nét tiềm năng, thế mạnh và bản sắc vùng miền của các địa phương trên cả nước.
Chia sẻ với phóng viên tại hội chợ, bà Phan Thanh Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, các gian hàng trưng bày rất nhiều sản phẩm đặc sắc và nổi tiếng của khắp mọi miền tổ quốc, nhất là sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số, sản phẩm ở vùng sâu, vùng xa rất độc đáo.
Cầm trên tay gói Trà túi lọc Cà gai leo của Công ty CP Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), bà Lan cũng cho hay, là “khách ruột” của sản phẩm này và luôn “canh” có hội chợ để tìm mua với số lượng lớn về cho cả gia đình dùng dần.
Không chỉ kết nối được với các khách hàng lẻ, mỗi lần tham gia hội chợ, ông Lê Văn Trường - Giám đốc HTX liên kết Mắc ca Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, ít nhiều HTX cũng có thêm tệp khách hàng là những nhà bán buôn, đại lý tiêu thụ sản phẩm tìm đến.
“Riêng hội chợ lần này, ngoài hàng hoá mang theo để giới thiệu và bán tại hội chợ, HTX còn mang theo một số lượng lớn mắc ca để giao cho các “mối” khách hàng cũ, số lượng lên tới vài trăm kg”, ông Trường cho hay.
Sản phẩm của HTX Mắc ca Di Linh tại hội chợ. Ảnh: Hải Linh |
Tại gian hàng của tỉnh Đăk Nông, bà Nguyễn Thị Lan - HTX Nông nghiệp thương mại Bình Tiến (huyện Đăk Song) bày tỏ, HTX thường xuyên cử thành viên tham gia các hội chợ ở các tỉnh, thành trên cả nước. Bởi lẽ, ngoài mục tiêu kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hội chợ nhất là hội chợ có chất lượng cao luôn thu hút các nhà mua hàng lớn, thậm chí nhà đầu tư phối hợp sản xuất.
Nhấn mạnh, mục tiêu tìm đối tác liên kết sản xuất của các doanh nghiệp, HTX khi tham gia hội chợ, ông Bùi Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng cho rằng, hội chợ là cơ hội tốt để các HTX giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm và hướng tới xuất khẩu.
Lan toả “tiếng thơm” cho sản phẩm
Tại hội chợ, lý giải nguyên do khiến Trà túi lọc Cà gai leo trở thành sản phẩm được tiêu dùng hàng ngày của gia đình, bà Lan cho hay, sau một thời gian uống thường xuyên thấy tác dụng rõ rệt, men gan ổn định, chỉ số gan nhiễm mỡ giảm hẳn.
Cho biết ở góc độ y học, bà Bùi Thị Chuyên - Đại diện Công ty CP Dược liệu Pù Mát, lý giải, Con Cuông là nằm ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An, thổ nhưỡng nơi đây không phù hợp cho cây cà gai leo phát triển nên sản lượng không cao. Tuy nhiên, dược tính đạt được trong cây lại rất cao. Đó là một trong những nguyên do khiến doanh nghiệp quyết định phát triển vùng nguyên liệu nơi đây.
Sản phẩm Trà túi lọc Cà gai leo của Công ty CP Dược liệu Pù Mát hút nhiều "khách quen". Ảnh: Hải Linh |
Hơn nữa, phần lớn người dân sinh sống ở địa phương là người dân tộc thiểu số như người: Thái, Mường, Khơ Mú và Nùng hợp tác trồng cây nguyên liệu cho doanh nghiệp, thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Nhờ đó, cuộc sống của người dân được cải thiện. “Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giúp doanh nghiệp kiên định phát triển sản phẩm ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh”, bà Chuyên nhấn mạnh.
Với HTX Mắc ca Di Linh, ông Trường thông tin, trong số 33 hộ thành viên của HTX và 150 hộ liên kết trồng cây mắc ca có nhiều đồng bào dân tộc Cơ Ho. Do tập quán canh tác còn lạc hậu, sẵn sàng chặt bỏ cây khi giá thành sản phẩm xuống thấp. Để đảm bảo đầu vào cũng như giúp bà con dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định, hướng dẫn canh tác và cung cấp phân bón cho bà con.
Với những giải pháp đó, HTX luôn ổn định sản lượng 300 tấn sản phẩm/năm, trong đó 30% dành cho tiêu thụ trong nước, 70% cho xuất khẩu.
Với thị trường trong nước, bên cạnh các đại lý, nhà phân phối là khách quen, HTX đã đưa mắc ca lên các sàn thương mại điện tử, bán hàng qua Tiktok, Zalo… nhờ đó tiêu thụ khá tốt, giúp ổn định thu nhập cho thành viên HTX và các hộ dân liên kết. Năm 2024, thu nhập bình quân của các hộ thành viên HTX từ cây mắc ca đạt khoảng 400 triệu đồng.
“Tuy nhiên, cây mắc ca khá nhiều sâu bệnh, sử dụng thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến đất và các chỉ số chất lượng sản phẩm. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành liên quan của tỉnh hướng dẫn cách xử lý để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm cho bà con”, ông Trường mong muốn.
Về xúc tiến tiêu thụ, đại diện cho HTX Tâm Hoà (tỉnh Cao Bằng) - bà Thái Thị Thanh Liên, bày tỏ, để đảm bảo chất lượng thịt xông khói, lạp xưởng, HTX đã thay đổi rất nhiều từ khâu nhập nguyên liệu, nâng cấp sản xuất. “Nói chung chúng tôi đầu tư rất nhiều vào kỹ thuật và chế biến, thành quả đạt được là chất lượng sản phẩm được công nhận, hiện đang được tiêu thụ tại hệ thống phân phối lớn như Big C, Winmart…”, Bà Liên cho hay.
Bà Liên đồng thời cũng mong muốn, Bộ Công Thương, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tham gia nhiều hơn các hội chợ hơn để giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến tay người tiêu dùng; tập huấn để có thể sử dụng kỹ năng số, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử.
Bộ Công Thường thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương tại khắp các địa phương trên cả nước giúp doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó có sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số. |