Công nghiệp công nghệ số phải xanh và tuần hoàn
Tại phiên thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số diễn ra chiều 9/5, nhiều đại biểu Quốc hộiđã nhấn mạnh yêu cầu phát triển ngành công nghiệp này theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tái chế thiết bị điện tử và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) |
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang), việc dự thảo luật dành riêng một mục quy định về phát triển bền vững công nghiệp công nghệ số cho thấy nhận thức rõ ràng và sự quan tâm đúng mức tới những thách thức mới trong thời đại chuyển đổi số. Nội dung dự thảo thể hiện mục tiêu hướng tới việc tái sử dụng, tái sản xuất các thiết bị công nghệ, đồng thời thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghệ số thân thiện với môi trường.
Bà Hương cho rằng, để đối mặt hiệu quả với tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và yêu cầu cao hơn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật cần bổ sung thêm các chính sách vượt trội. Đó là các cơ chế thúc đẩy thu hồi, xử lý thiết bị công nghệ sau khi hết hạn sử dụng, khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và áp dụng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng đánh giá cao việc đưa nội dung thu hồi và xử lý sản phẩm công nghệ sau sử dụng vào dự thảo luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp |
Ông nhấn mạnh: “Không ít thiết bị được coi là rác thải nhưng thực chất vẫn chứa những vật liệu có giá trị tái chế. Nếu không có quy định rõ ràng, chúng ta vừa lãng phí tài nguyên, vừa đối mặt với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
Ông cũng đề xuất phải có quy định cụ thể về cách bảo quản, thu gom, xử lý rác thải điện tử để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân và hệ sinh thái.
Về mặt quản lý, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP. Huế) đề nghị bổ sung quy định Nhà nước phải xây dựng cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ với doanh nghiệp công nghệ số. Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin chuỗi cung ứng, quy trình tái chế, tái sử dụng và nghĩa vụ thuế môi trường.
“Minh bạch là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghệ số” - bà Sửu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Thành phố Huế |
Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc phát triển công nghiệp công nghệ số theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là xu thế tất yếu để Việt Nam hòa nhập với thế giới. Đây cũng là bước đi cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Đặt trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến phát triển xanh, việc nội luật hóa những nguyên tắc về tái chế thiết bị công nghệ, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là điều kiện cần để ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.