29/04/2025 11:35
Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

29/04/2025 11:35

Logistics nông sản tại khu vực miền núi là mắt xích then chốt nhưng cũng là "nút thắt cổ chai" trên hành trình đưa nông sản Việt vươn ra thị trường rộng lớn.

Logistics nông sản tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc là mắt xích then chốt nhưng cũng là "nút thắt cổ chai" trên hành trình đưa nông sản Việt vươn ra thị trường rộng lớn.

Từ những ruộng bậc thang trập trùng Tây Bắc đến những thung lũng ngập tràn hoa trái ở Đông Bắc, sản vật miền núi mang trong mình hương vị nguyên sơ, giá trị văn hóa độc bản. Thế nhưng, hành trình từ vườn tới bàn ăn của người tiêu dùng lại đầy gian nan bởi hệ thống logistics thiếu đồng bộ, chi phí cao, hạ tầng yếu, dịch vụ hỗ trợ chưa phát triển.

Đơn cử, Chi Lăng là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 36km. Địa phương này có 83% diện tích là núi đá vôi và rừng, có đồi, sông suối đan xen thích hợp để gieo trồng, sản xuất cây trái thơm ngon.

Na được trồng dọc sườn núi và bên sông Thương thơ mộng với trên 2.600 ha. Cây na được gieo trồng trên những đỉnh núi có độ cao trên 800m với thung lũng ngút ngàn. Do na Chi Lăng được trồng chủ yếu trên vách núi đá cao, người dân địa phương đã chế tạo ra những chiếc ròng rọc (hay còn gọi là hệ thống tời) để thu hoạch na từ trên đỉnh núi xuống. Chiếc ròng rọc này chạy từ trên cao xuống chân núi và ngược lại. Cứ 2 sọt na được đu xuống thì 2 sọt rỗng được ròng rọc đưa lên. Do na chín tự nhiên, nên việc vận chuyển mỗi vụ na chín là điều khiến người dân đau đầu, vận chuyển chậm thì na chín rộ, khi đến tay người tiêu dùng không còn giữ được chất lượng. Nếu vận chuyển nhânh thì chi phí logistics quá cao, ăn mòn lợi nhuận của người trồng na.

TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang có chi phí logistics chiếm 15 – 20% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình 10% của thế giới. Riêng vùng núi, con số còn cao hơn nữa do vị trí xa trung tâm, đường xá hiểm trở. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ sản xuất tại miền núi có quy mô sản xuất nhỏ, không tập trung. Nhiều sản phẩm đặc thù dễ hư hỏng như rau củ, trái cây… khiến việc vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động múa bán, vận chuyển hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thương lái

Tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, 80% sản lượng nông sản vẫn phụ thuộc vào những chuyến xe tải nhỏ, những chuyến hàng manh mún tự phát. Hạ tầng giao thông xuống cấp, hệ thống kho lạnh thiếu thốn, vận tải lạnh chuyên dụng hầu như vắng bóng. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, chi phí logistics cho nông sản vùng núi chiếm tới 25 - 30% giá thành sản phẩm, gấp đôi mức trung bình toàn quốc. Đắt đỏ, chậm trễ, hao hụt sau thu hoạch lên đến 20 - 30%. Trong cuộc đua thị trường, nông sản vùng cao thua ngay từ vườn, ruộng.

Vì sao nông sản miền núi chịu trận chi phí logistics cao đến vậy? Một phần do điều kiện địa hình hiểm trở, nhưng sâu xa hơn là sự thiếu đầu tư bài bản vào hạ tầng logistics nông nghiệp.

Tại Sơn La – một trong những vựa nông sản của cả nước, thông tin của Hiệp hội dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy, toàn tỉnh Sơn Lacó khoảng 55 doanh nghiệp dịch vụ logistics nhưng quy mô rất nhỏ, loại hình dịch vụ đơn giản. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics khu vực này chủ yếu vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ, hoặc cho thuê kho, bãi. Còn các dịch vụ quan trọng khác, như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ...) đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật... vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Trước mùa thu hoạch 2025, tỉnh Sơn La đẩy mạnh 2 phương thức vận tải tiêu thụ hàng hóa, là đường bộ và đường thủy nội địa. Tuy nhiên, do hạ tầng đường thủy chưa được đầu tư kết nối đồng bộ nên chưa phát huy tiềm năng, nên hoạt động vận tải chủ yếu thực hiện trên đường bộ. Tuyến quốc lộ 6 và các tuyến tỉnh lộ nhiều đèo dốc nguy hiểm, cầu bắc qua sông suối yếu, làn đường hẹp, trong khi các phương tiện vận chuyển hàng hóa có kích thước, tải trọng vận chuyển lớn, như container, xe đầu kéo... khó tiếp cận sâu vào hệ thống đường giao thông nông thôn đến trung tâm các xã, cụm xã, các khu vực sản xuất để bốc xếp, thu mua nguyên liệu.

Hay tại Bắc Giang, nông sản là nhóm hàng có sản lượng lớn, chủ yếu qua cửa khẩu Hữu Nghị sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay nhóm hàng này gặp nhiều khó khăn khi chủ yếu thu hoạch tươi nhưng chưa có kho bãi, kho lạnh với công nghệ hiện đại để bảo quản, chưa có hệ thống chiếu xạ ngay tại địa phương. Việc vận chuyển sang Bắc Giang chủ yếu bằng đường bộ cũng gây phát sinh chi phí, trong khi vận chuyển bằng đường sắt, đường thuỷ chưa được khai thác triệt để.

Để giải bài toán này, vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đơn cử, mới đây, Trung tâm logistics Quốc tế Bắc Giang đã ra đời nhằm tận dụng hiệu quả đường sắt trong vận chuyển nông sản Bắc Giang sang Trung Quốc.

Bà Trương Thị Mùi - Phó Tổng Giám đốc của Công ty Logistics Quốc tế Bắc Giang – đơn vị vận hành trung tâm cho hay, Đối với vận chuyển nông sản, đặc biệt là nhóm hàng nông sản mùa vụ như vải thiều, nhãn từ khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bắc Giang, có thể nói, đây là nhóm hàng xuất khẩu có sản lượng lớn, chủ yếu xuất khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, việc vận chuyển nhóm hàng này còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian chờ lâu tại cửa khẩu, trong khi thiếu các kho lạnh bảo quản cũng ảnh hưởng đến chất lượng, tăng chi phí và gây khó khăn cho nông dân.

Để góp phần giảm thiểu những khó khăn này, Trung tâm Logistics Bắc Giang đang hướng đến xây dựng hệ thống kiểm dịch, kiểm định có quy chuẩn đồng bộ quốc tế, nhằm đảm bảo hàng hóa thông suốt. Trung tâm cũng đầu tư hạ tầng và công nghệ hiện đại để đồng bộ hóa tiêu chuẩn quốc tế, góp phần hỗ trợ ngành nông sản xuất khẩu. Thời gian tới, đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang thuộc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang.

“Hiện chúng tôi đang phối hợp với đơn vị CCI – tổ chức kiểm dịch được Trung Quốc ủy quyền – để xây dựng phòng LAB đạt chuẩn quốc tế. Dự án này đang trong quá trình đàm phán và kỳ vọng sẽ hoàn thiện trong năm 2025 nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nông sản mùa vụ của Bắc Giang cũng như các địa phương lân cận” – bà Trương Thị Mùi nói.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đặc biệt quan tâm đến việc đồng hành cùng doanh nghiệp giải bài toán chi phí logistics khu vực này bằng cách tổ chức các hội nghị, hội thảo về nâng cao năng lực doanh nghiệp dịch vụ logistics; Kết nối doanh nghiệp logistics với các địa phương…

Sự vào cuộc của Bộ Công Thương, cùng với tinh thần đồng hành cùng các địa phương, hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đang tích cực vào cuộc trong nỗ lực giải bài toán logistics cho nông sản miền núi. Với mạng lưới hội viên trải dài khắp cả nước, VLA đã và đang phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan chức năng triển khai các giải pháp như xây dựng trạm trung chuyển, phát triển kho lạnh vùng cao, tối ưu tuyến vận tải kết nối vùng sâu với thị trường lớn, xây dựng những mô hình riêng cho khu vực này nhằm góp phần kéo giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Uỷ viên BCH Hiệp hội dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, hiện nay, VLA đã định hình ra một mô hình doanh nghiệp logistics phục vụ cho các cái khu vực thị trường ở xa trung tâm. Đó là doanh nghiệp logistics phục vụ ngành nông nghiệp là nhiệm vụ định hình ra các hệ thống về kho hàng, về luồng tuyến vận chuyển cho các sản phẩm về nông nghiệp. Lý do là vì hầu hết là các sản phẩm ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp. Do đó, mô hình kho bãi này là mô hình hai chiều, giúp cho bà con có thể đưa hàng hóa vào bán vào ra các thị trường được thuận lợi hơn.

Mô hình thứ hai là hình thành nên các doanh nghiệp logistics chuyên vận chuyển các trang thiết bị là vật tư cho ngành nông nghiệp để phục vụ cho bà con. Các mô hình doanh nghiệp này được kỳ vọng là sẽ thay đổi được bộ mặt về hoạt động trong ngành nông nghiệp, trong cả cái hoạt động về sản xuất, cung cấp vật tư đầu vào cho đến các sản phẩm đầu ra, hỗ trợ tốt nhất cho bà con khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đáng chú ý, những mô hình "logistics nông sản thông minh" ứng dụng số hóa như kho lạnh tập trung, nền tảng kết nối sàn thương mại điện tử với dịch vụ vận chuyển đang từng bước thay đổi cục diện. Các địa phương như Sơn La, Lào Cai, Hà Giang đã chủ động bắt tay cùng doanh nghiệp logistics, sàn thương mại điện tử như nongsan.buudien.vn, Sendo Farm... để thiết lập chuỗi cung ứng khép kín, tối ưu vận chuyển, bảo quản nông sản ngay từ vườn.

Quyết định số 1719/QĐ-TTg do Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 nêu rõ, phát triển hạ tầng giao thông và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, nhằm kết nối với các vùng phát triển khác. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tầm quan trọng của dịch vụ logistics trong tiêu thụ nông sản miền núi được nhận diện và khẳng định thông qua các chỉ đạo và chiến lược phát triển đã được phê duyệt. Nếu được kiến tạo bài bản, hệ thống logistics được xây dựng và phát triển đồng bộ sẽ không chỉ vận chuyển nông sản mà còn vận chuyển cả hy vọng và thịnh vượng về với từng bản làng vùng cao, mang đến tương lai bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phương Lan

Đồ họa: Ngọc Lan

Phương Lan

Có thể bạn quan tâm

Nestlé Việt Nam 30 năm khẳng định niềm tin với thị trường

Nestlé qua 30 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam đã tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản Việt, đưa hạt cà phê Việt Nam lên bản đồ cà phê thế giới.

Sản phẩm OCOP địa phương mang khát vọng vươn ra thế giới

Từ những sản phẩm mang đậm dấu ấn bản địa thông qua chương trình OCOP, nông sản Gia Lai đang từng bước khẳng định vị thế, tận dụng cơ hội vươn ra thế giới.

Bí quyết đưa mật ong Tam Đảo vươn tầm quốc tế

Hành trình 20 năm phát triển của mật ong Tam Đảo vươn ra thế giới không chỉ khẳng định chất lượng mà còn là nỗ lực xúc tiến, đưa nông sản Việt Nam "cất cánh".