Chung tay tìm giải pháp đẩy nhanh các dự án điện khí LNG Chi tiết các dự án điện khí LNG và sử dụng khí trong nước đến 2035 |
Như Báo Công Thương đã thông tin, thực hiện Luật Điện lực, ngày 3/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn điện, trong đó có nhiệt điện khí, ngày 8/5/2025, Thủ tướng đã ban hành Nghị định số 100/2025/NĐ-CP ngày 8/5/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2025/NĐ-CP.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP nhằm quy định cụ thể hơn về cơ chế huy động các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực và nhu cầu thực tiễn trong giai đoạn sắp tới.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung tên Điều 15 thành "Cơ chế bảo đảm tiêu thụ nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước; nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn cho các dự án nhiệt điện khí".
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước đạt khoảng 10.861 - 14.930 MW (chiếm tỷ lệ 5,9 - 6,3%); nhiệt điện LNG 22.524 MW (chiếm tỷ lệ 9,5 - 12,3%).
Đến 2050, Việt Nam sẽ tập trung phát triển nhiệt điện khí trong nước và chuyển sử dụng LNG 7.900 MW (chiếm tỷ lệ 0,9 - 1,0%); nhiệt điện khí trong nước chuyển chạy hoàn toàn bằng hydrogen 7.030 MW (chiếm tỷ lệ 0,8 - 0,9%); nhiệt điện khí LNG CCS (xây mới, lắp đặt thiết bị thu giữ và lưu trữ các-bon) 1.887 - 2.269 MW (chiếm tỷ lệ 0,2 - 0,3%); nhiệt điện LNG đốt kèm hydrogen 18.200 - 26.123 MW (chiếm tỷ lệ 2,3 - 3,1%); nhiệt điện LNG chuyển chạy hoàn toàn bằng hydrogen 8.576 - 11.325 MW (chiếm tỷ lệ 1,1 - 1,4%).
![]() |
Đã có cơ chế mới cho các dự án điện khí tại Việt Nam (Ảnh minh hoạ) |
Về ưu đãi cho các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước
Huy động ở mức tối đa theo khả năng cấp khí, đáp ứng các yêu cầu ràng buộc về nhiên liệu, công suất và sản lượng phát điện khả dụng của dự án nhiệt điện khí, nhu cầu và ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia.
Thời gian áp dụng kể từ ngày các dự án nhiệt điện khí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư và bắt đầu vận hành phát điện bằng khí thiên nhiên khai thác trong nước trước ngày 01 tháng 01 năm 2036 và kéo dài cho đến khi nhà máy không còn sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước.
Trong trường hợp khả năng cấp khí thiên nhiên khai thác trong nước không đáp ứng được nhu cầu phát điện của dự án nhà máy nhiệt điện khí, bên bán điện (chủ đầu tư) và bên mua điện (EVN) thỏa thuận, thống nhất phương án sử dụng nhiên liệu và giá điện trong hợp đồng mua bán điện theo quy định hiện hành.
Ưu đãi với dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu
Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn của dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu được bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận, thống nhất trong hợp đồng mua bán điện bảo đảm các nguyên tắc sau:
Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn không thấp hơn mức 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án nhiệt điện khí. Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn được áp dụng trong thời hạn trả nợ gốc và lãi vay nhưng không quá 10 năm kể từ ngày đưa dự án vào vận hành phát điện. Ưu đãi được áp dụng đối với dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư và bắt đầu vận hành phát điện bằng LNG nhập khẩu trước ngày 01 tháng 01 năm 2031.
Sau thời gian áp dụng sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, sản lượng điện hợp đồng hoặc tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng cho các năm còn lại được bên bán điện và bên mua điện thống nhất trong quá trình đàm phán, thỏa thuận hợp đồng mua bán điện theo các quy định có liên quan.
Sản lượng điện phát bình quân nhiều năm được xác định theo Quy định phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện; nguyên tắc tính giá điện để thực hiện dự án điện lực; nội dung chính của hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành và quy định trong hợp đồng mua bán điện.
Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP để phù hợp với các nội dung sửa đổi tại khoản 3, khoản 4 Điều 15 nêu trên.
Cụ thể, bên mua điện và bên bán điện có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận thống nhất các nội dung cụ thể trong hợp đồng mua bán điện tuân thủ các quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện có trách nhiệm lập kế hoạch vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện cạnh tranh bảo đảm tuân thủ các quy định tại Điều này và quy định của pháp luật về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ và vận hành, điều độ hệ thống điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Nghị định số 100/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 8/5/2025.