![]() |


Ông Cáp Trọng Cường: Chuyển đổi xanh là xu thế toàn cầu và không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài, đặc biệt là ngành logistics – vốn được xem là mạch máu của nền kinh tế. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu như IKEA, Maersk… đang đặt ra yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp logistics Việt Nam: Phải đáp ứng các tiêu chí phát thải, năng lượng, môi trường. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hòa nhập vào xu thế toàn cầu hóa, logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. |
Thời gian qua, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 16-19%/năm, chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu, chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng trong sản xuất, thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, logistics là một trong những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải nhiều, vì thế, xanh hóa logistics là vấn đề mang tính sống còn thiết thực và là xu hướng tất yếu. Các quy định quốc tế như Thỏa thuận Paris; Đóng góp do quốc gia tự quyết định năm 2022 (NDC 2022), Luật Bảo vệ Môi trường 2020 hay gần đây là Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định cho thấy rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ các tập đoàn đa quốc gia thuộc các thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản… yếu tố “xanh” đang trở thành điều kiện bắt buộc. Bởi chính các tập đoàn này cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phát thải và trung hòa carbon tại quốc gia và khu vực họ hoạt động. Do đó, họ buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao đối với toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả doanh nghiệp địa phương. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp logistics Việt Nam – đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, cảng biển, kho bãi – phải chủ động chuyển đổi xanh sớm để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Ông Cáp Trọng Cường: Thực tế cho thấy, logistics xanh vẫn là khái niệm mới ở Việt Nam, chưa được định nghĩa thống nhất. Tuy nhiên, logistics xanh theo tôi bao gồm các chiến lược và cách tiếp cận quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm năng lượng và tác động môi trường của việc phân phối hàng hóa, trong đó, tập trung vào quản lý chất thải, xử lý vật liệu, đóng gói và vận chuyển. Đồng thời, sử dụng những thiết bị tiên tiến để giảm tình trạng ô nhiễm, như: không khí, tiếng ồn và giảm thiểu đi lượng rác thải ra môi trường |
Nhưng để làm được điều đó các doanh nghiệp logistics hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn mà theo tôi, hiện đang có ba điểm nghẽn lớn nhất: Thứ nhất, thiếu vốn để đầu tư chuyển đổi công nghệ, phương tiện vận tải xanh, hệ thống quản lý thông minh. Thứ hai, thiếu nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực phát thải, công nghệ môi trường. Thứ ba, thiếu các hướng dẫn cụ thể và giải pháp kỹ thuật phù hợp cho từng mô hình doanh nghiệp. Đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành logistics, thì việc tiếp cận nguồn tài chính xanh và chuyển đổi công nghệ là bài toán vô cùng nan giải. |
Ông Cáp Trọng Cường: Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận: Đội tàu vận tải quốc tế của Việt Nam còn nhỏ, cũ và gây phát thải cao. Để duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi. Nhưng thay vì ngay lập tức đầu tư lớn – điều không dễ với mọi doanh nghiệp – chúng ta có thể bắt đầu bằng những giải pháp linh hoạt, ít tốn kém hơn. Cụ thể, tối ưu hóa tuyến vận chuyển, giảm quãng đường vận chuyển rỗng; chuyển dần sang vận tải thủy, đường sắt – ít phát thải hơn nhiều so với đường bộ; xây dựng kho bãi thông minh, sử dụng điện mặt trời áp mái, bao bì thân thiện môi trường…tích lũy nguồn lực để chuyển đổi qua các thiết bị, phương tiện phát thải ít hơn như dùng LNG, điện, hydrogen… Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon thông qua trồng rừng, liên kết với vùng nông – lâm nghiệp có khả năng tạo ra tín chỉ, qua đó đưa khoa học công nghệ vào đồng hành để có thể thu được tín chỉ các bon, cũng như số hóa dữ liệu, giảm giấy tờ hành chính, tăng hiệu quả vận hành. Cần lưu ý rằng, các hoạt động chuyển đổi này đều cần có sự đánh giá của các tổ chức có chức năng để đánh giá từ thực trạng hiện có và hiệu quả sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết. Qua đó, chứng minh được rõ ràng việc cắt giảm phát thải của doanh nghiệp hoặc nhờ có tác động của doanh nghiệp mà tạo ra tín chỉ các bon. Các bước này nếu được thực hiện bài bản, có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, tăng tính cạnh tranh và quan trọng hơn là giữ chân được các đối tác lớn đang siết chặt tiêu chuẩn môi trường. |
Ông Cáp Trọng Cường: Theo tôi chúng ta cần một chiến lược tổng thể về logistics xanh, trong đó cần sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể cho logistics xanh theo từng lĩnh vực (vận tải, kho bãi, chuỗi cung ứng). Thực tế, đội tàu biển quốc tế của Việt Nam còn nhỏ, yếu và phát thải cao, chưa tương xứng với lợi thế bờ biển dài. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn do các hãng nước ngoài vận chuyển. Trong bối cảnh tiêu chuẩn môi trường ngày càng siết chặt, nguy cơ mất khách hàng là hiện hữu nếu không chuyển đổi sang phương tiện xanh, ít phát thải. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, các doanh nghiệp cần ưu tiên giải pháp nội tại, ít tốn kém, đồng thời mở hướng đầu tư mới phù hợp xu thế. |
![]() |
Ngoài ra, cần có chính sách tài chính ưu đãi (tín dụng xanh, giảm thuế) cho doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi xanh. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao về logistics và môi trường. Kết nối doanh nghiệp với các tổ chức quốc tế, định chế tài chính để huy động nguồn lực. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn, nhưng nếu không xanh hóa chuỗi logistics, chúng ta sẽ khó giữ được thị phần và bị mất cơ hội ở các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật. Vì vậy, logistics xanh không chỉ là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để tồn tại. Xin cảm ơn ông! |
Thu Hường (thực hiện) Đồ họa: Hồng Thịnh |