Sầm Sơn rực rỡ đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2025 Sôi động Hội thi cứu hộ biển quốc tế Đà Nẵng 2025 Đảm bảo an toàn thực phẩm - Nâng tầm du lịch xứ Thanh |
Mua vé có kèm nước: Chu đáo hay ép khách?
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, chúng tôi tổ chức đoàn gồm cả người lớn và trẻ em, hơn 30 người đến khu du lịch biển Bãi Đông (Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và dự kiến sẽ vui chơi tại Bãi Đông trong ngày 2/5. Từ quốc lộ 1A rẽ vào, gần đến Bãi Đông đã có người vẫy xe dừng lại và yêu cầu mở cửa để lên xe đếm người, sau đó thông báo đoàn chúng tôi sẽ phải mua 30 vé. Tiến thêm khoảng 200m, xe chúng tôi đến bãi gửi xe của khu du lịch, lúc này là 9h sáng.
Khi chúng tôi vừa mở cửa, đã có một nhân viên đứng ngay bên dưới hướng dẫn: “Mời các anh chị ra mua vé cho đoàn, trong vé giá 30.000 đồng đã bao gồm nước uống giá 10.000 đồng nên mọi người không mang nước theo.” Cũng nghĩ đơn giản, có thể họ bán vé kèm nước để bán thêm hoặc chuẩn bị cho những người quên không mang theo nước, như thế cũng là chu đáo…
![]() |
Những tấm vé được đơn vị quản lý biển Bãi Đông bán cho khách có kèm nước uống |
Bước xuống xe được vài bước chân, ngay đầu con đường nhỏ dẫn xuống bãi biển, bên phải có một chòi lá nhỏ treo tấm biển ghi: “Khu vực bảo vệ, không phận sự miễn vào.” Một vài người trong đoàn cầm theo những chai nước uống đi qua đều bị một người bảo vệ lớn tuổi nhắc nhở và kiên quyết yêu cầu mang nước cất lại xe hoặc bỏ lại vì trong bãi biển đã phục vụ nước theo vé. Một số người thắc mắc và giải thích rằng vẫn sẽ mua vé và lấy nước nhưng muốn mang thêm nước vào, nhưng người bảo vệ này không giải thích thêm, chỉ bảo: “Đây là quy định của công ty!”
Sau khi nhận vé, đoàn chúng tôi di chuyển xuống khu vực bãi biển. Bãi Đông thực sự rất đẹp, hoang sơ. Tuy nhiên, cũng chính sự “hoang sơ” đó đã làm khó cho du khách. Cả khu bãi biển chỉ có 2–3 quán bán nước và vài chỗ có dãy ghế ngồi nghỉ để uống nước do đơn vị quản lý khu du lịch bố trí, nhưng lúc này đã chật cứng. Trời nắng nóng, trong khi chỗ ngồi nghỉ không còn nên đoàn chúng tôi nhanh chóng tiến sâu vào phía trong, nơi có những chòi lá sàn rộng khoảng 5–6 mét vuông được dựng lên như những chòi canh biển. Nhưng cơ bản các chòi cũng đã có người ngồi, còn duy nhất một chòi nên chúng tôi định bỏ đồ và cho trẻ con leo lên ngồi nghỉ.
Tuy nhiên, trên chòi cũng đã có một bạn trẻ mặc áo đồng phục của đơn vị quản lý ngồi sẵn và nói: “Chòi này phải thuê.” Dù không đắt, nhưng nếu muốn sử dụng, khách phải trả 100 nghìn đồng cho mỗi chòi. Chưa dừng lại ở đó, khi một số người trong đoàn đổi vé lấy chai nước định mang về chòi nghỉ uống thì cũng bị ngăn cản: “Theo quy định, khách chỉ được sử dụng nước tại quầy đổi hoặc khu ghế đã bố trí sẵn. Không mang nước vào trong chòi…” – một số nhân viên của đơn vị quản lý tiếp tục giải thích.
![]() |
Cả khu biển Bãi Đông chỉ được bố trí vài điểm ngồi nghỉ và khách chỉ được uống nước tại những địa điểm này (!?) |
Nắng nóng, lại quá thất vọng với cách quản lý, khai thác dịch vụ tại Bãi Đông nên chưa đầy một giờ đồng hồ có mặt, đoàn chúng tôi quyết định rời khu du lịch này, chuyển hướng đi nơi khác. Trước khi ra về, còn một số vé chúng tôi chưa đổi nước, ra quầy hỏi để xem có lấy lại được tiền nước không, nhưng nhân viên ở đây lại giải thích: “Theo quy định, chỉ đổi lấy nước chứ không hoàn tiền.”
Cùng đi trong đoàn, chị Nguyễn Thị Thảo bức xúc: “Vì xem ảnh trên mạng thấy Bãi Đông check-in đẹp quá nên kỳ nghỉ lễ lần này từ Hà Nội về quê tôi quyết định đi Bãi Đông cho biết, nhưng kiểu làm ăn ‘lạ’ như thế này thì quá thất vọng, mất khách…”
Đừng để trở thành “vùng trũng” du lịch xứ Thanh
Những ngày qua, hình ảnh về bãi biển Sầm Sơn đông kín du khách, thông tin về việc du lịch Thanh Hóa bội thu, xếp thứ 2 toàn quốc (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh) về doanh thu trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 với số thu trên 4.170 tỉ đồng, đón 1,6 triệu lượt khách… được nhiều người quan tâm. Du lịch Thanh Hóa những năm gần đây có bước tiến lớn và được ghi nhận. Nếu chỉ xét riêng từng yếu tố như mức độ phát triển dịch vụ hay danh tiếng thương hiệu thì Thanh Hóa có thể chưa phải là điểm đến số một. Nhưng với sự cầu thị của địa phương khi chấp nhận thay đổi để phát triển, phát huy tốt lợi thế, đã giúp du lịch Thanh Hóa, đặc biệt là du lịch biển chuyển mình mạnh mẽ…
Trở lại câu chuyện cách quản lý, kinh doanh dịch vụ tại biển Bãi Đông như ở trên, quả thực, nếu cứ để tình trạng như hiện tại thì Bãi Đông sẽ là “vùng trũng” của du lịch biển xứ Thanh, dù không phải không có tiềm năng…
Để tìm hiểu về kiểu kinh doanh “lạ” nói trên, ngay sáng ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, tôi đã tìm hiểu về đơn vị quản lý và kinh doanh tại khu du lịch biển Bãi Đông. Theo thông tin giới thiệu trên trang của khu du lịch, được biết khu du lịch này do Công ty CP Đầu tư, Dịch vụ và Du lịch Nghi Sơn (đây cũng là tên đơn vị đóng dấu trên vé) đầu tư, quản lý khai thác; người đại diện là ông Nguyễn Tuấn N., kèm theo số điện thoại liên hệ. Sau đó, tôi liên hệ thì đầu dây bên kia là một bạn nữ nghe máy và giới thiệu là nhân viên trực đường dây nóng.
Tuy nhiên, khi tôi giới thiệu là phóng viên Báo Công Thương và phản ánh, tìm hiểu về hình thức kinh doanh, dịch vụ tại Bãi Đông thì cô nhân viên này nói sẽ có bộ phận dịch vụ gọi lại trao đổi. Hỏi tên và số điện thoại của cô gái để tiện liên lạc lại thì cô gái nhất định không cung cấp. Đến nay, sau hơn hai ngày, dù tôi có gọi điện lại nhưng đầu dây “đường dây nóng” không có ai nhấc máy và cũng không ai liên lạc lại...
Thời gian qua, với nỗ lực trong thu hút đầu tư, cách quản lý và phát triển dịch vụ… du lịch Thanh Hóa đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, được du khách ghi nhận. Hy vọng rằng, kiểu kinh doanh “lạ” tại Bãi Đông sẽ sớm được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nắm thông tin và có những điều chỉnh phù hợp, tránh làm khó khách du lịch. |