Trong hành trình phát triển kinh tế của Việt Nam, hướng tới trở thành nước công nghiệp hiện đại, ngành Công Thương đóng vai trò như một trụ cột vững chắc. Đằng sau những thành tựu kinh tế vĩ mô là sự đóng góp không ngừng nghỉ của hàng triệu lao động trong lĩnh vực này.
Những động lực lan toả
Thực tế đã chứng tỏ hàng triệu lao động ngành Công Thương đã và đang ở những lĩnh vực trung tâm của nền kinh tế. Bởi ngành Công Thương chính là ngành đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức đóng góp từ 65 đến 70% GDP cả nước.
Những hiệu ứng lan toả của lao động ngành Công Thương là rất rõ nét. Mỗi 1% tăng trưởng của ngành công nghiệp kéo theo 0,8% tăng trưởng các ngành dịch vụ liên quan. Đồng thời tạo ra hệ số nhân việc làm 1:2,5 (tức là 1 việc làm công nghiệp tạo thêm 2,5 việc làm dịch vụ).
Lao động ngành Công Thương còn góp phần kiến tạo năng lực cạnh tranh quốc gia nhờ việc kiến tạo đội hình lao động ở những ngành sản xuất mũi nhọn. Góp phần kiến tạo xã hội hiện đại thông qua việc góp phần thay đổi cấu trúc lao động (đặc biệt tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp), đóng góp vào phát triển đô thị và phát triển vùng.
Lao động ngành Công Thương cũng còn được coi là động lực nâng cao chất lượng cuộc sống khi thu nhập bình quân công nhân tăng 3,5 lần trong 15 năm qua. 85% hộ gia đình có người làm trong ngành công nghiệp thoát nghèo bền vững.
Người lao động - yếu tố quyết định hiệu quả chuyển dịch cơ cấu
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những mục tiêu chiến lược của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Ngành Công Thương, với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại quốc tế, là biểu hiện rõ nét nhất của quá trình này.
![]() |
Lao động ngành Công Thương góp phần lan toả giá trị cho nền kinh tế. Ảnh minh hoạ |
Dữ liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng hiện đóng góp khoảng 38 - 40% vào GDP, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới gần 90% giá trị sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, chiều sâu phát triển của ngành không thể tách rời chất lượng lao động. Chính đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư vận hành, quản trị sản xuất... mới là lực lượng hiện thực hóa các chiến lược phát triển công nghiệp, quyết định năng lực hấp thụ công nghệ, khả năng nội địa hóa sản phẩm và chuyển dịch chuỗi giá trị.
Sự chuyển dịch cơ cấu chỉ thực sự bền vững khi đi kèm với sự chuyển dịch cơ cấu lao động- tức là nâng cao kỹ năng, trình độ và điều kiện làm việc của người lao động.
Năng suất lao động: Chỉ số then chốt và người lao động là nhân tố trung tâm
Năng suất lao động của ngành Công Thương không chỉ phản ánh hiệu quả kinh tế, mà còn là tấm gương phản chiếu trình độ phát triển xã hội.
Theo Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 2023), ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ tăng năng suất cao nhất trong toàn nền kinh tế, với mức tăng trung bình 5 - 7%/năm.
Tuy nhiên, năng suất không chỉ đến từ máy móc hiện đại, mà chủ yếu đến từ khả năng làm chủ và cải tiến quy trình sản xuất của người lao động.
Ở đây, “năng lực mềm” như tư duy phản biện, khả năng thích ứng với công nghệ, kỷ luật lao động và kỹ năng hợp tác trở thành yếu tố then chốt. Đào tạo lại lực lượng lao động không chỉ là yêu cầu trước cách mạng công nghiệp 4.0 mà là điều kiện sống còn để duy trì lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Người lao động là trung tâm của quá trình chuyển đổi xanh
Trong giai đoạn Việt Nam cam kết mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, ngành Công Thương sẽ phải tái cấu trúc sâu rộng từ mô hình năng lượng, quy trình sản xuất đến chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, người lao động không còn chỉ là đối tượng chịu tác động, mà còn là chủ thể tạo ra sự thay đổi.
Việc tái đào tạo lực lượng lao động để thích ứng với công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, quản trị phát thải... chính là nhân tố quyết định khả năng chuyển đổi xanh. Sự tham gia tích cực của người lao động ngành Công Thương trong các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, cải tiến quy trình thân thiện môi trường... là minh chứng cho vai trò đồng kiến tạo của họ trong phát triển bền vững.
Công bằng xã hội – điều kiện nền tảng cho động lực phát triển
Không thể khai thác hiệu quả nguồn lực lao động nếu không đồng thời bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp một khi có chế độ lương thưởng minh bạch, cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc an toàn sẽ duy trì được lực lượng lao động ổn định, từ đó gia tăng năng suất và khả năng đổi mới.
Việc xây dựng các cơ chế đối thoại xã hội trong doanh nghiệp, vai trò trung gian của tổ chức công đoàn ngành Công Thương và sự điều tiết hợp lý của chính sách công đóng vai trò điều phối để người lao động trở thành trung tâm phát triển – thay vì chỉ là “đầu vào sản xuất”.
Sự đóng góp của người lao động ngành Công Thương không thể chỉ nhìn qua lăng kính số lượng hay giờ công. Đó là sự góp phần tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc gia, là cầu nối giữa chiến lược phát triển và thực tiễn sản xuất, là nơi hội tụ các giá trị kinh tế, công nghệ và xã hội.
Lực lượng lao động ngành Công Thương đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại. Với chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao kết hợp ứng dụng công nghệ mới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong tiến trình hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Một mũi tên cho nhiều tiêu đích
Trong bối cảnh như thế cần đến những định hướng chính sách phù hợp để có thể nhanh chóng triển khai trong thực tế. Bởi đầu tư vào chất lượng lao động ngành Công Thương chính là đầu tư vào tương lai phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó cần xây dựng chương trình quốc gia về nâng cấp kỹ năng lao động công nghiệp; phát triển các trung tâm đào tạo nghề công nghiệp hiện đại.
Cùng đó tăng cường hợp tác doanh nghiệp - nhà trường trong đào tạo nhân lực. Đặc biệt cần ưu tiên cho phát triển công nghiệp xanh và bền vững
Trong bối cảnh mới, việc hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương cần được nâng lên thành một chiến lược quốc gia, gắn với mục tiêu nâng cao năng suất tổng hợp (TFP), chuyển đổi xanh, và phát triển bền vững – với người lao động là trung tâm. |