Thông tin mới nhất về sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện
Ngày 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Trước đó, ngay sau Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai. Công tác lấy ý kiến nhân dân được thực hiện khẩn trương với tỷ lệ đồng thuận trung bình gần 96%. Hội đồng nhân dân các cấp đã ban hành nghị quyết thông qua đề án với tỷ lệ đồng thuận đạt 100%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo phương án trình, sau sắp xếp, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 29 tỉnh, thành phố), 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 6.714). Biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh dự kiến còn khoảng 91.784 người (giảm 18.449 người).
Biên chế cấp xã bố trí khoảng hơn 199.000 người (giảm khoảng 110.000 người). Số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kết thúc nhiệm vụ là hơn 120.000 người.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng dự kiến kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026 - 2030 của cả nước nhờ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; dự kiến chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng nghỉ; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu.
Các địa phương được yêu cầu chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, tài chính, trụ sở, phương án bố trí nhân sự để triển khai ngay sau khi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết liên quan.
Đồng thời, cần đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục của bộ máy chính quyền, không gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển tiếp.
Không để gián đoạn dịch vụ công
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời thống nhất việc hoàn thiện các tờ trình của Chính phủ để trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Theo Thủ tướng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả rõ nét. Cụ thể, số đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến giảm từ 63 xuống còn 34; số đơn vị hành chính cấp xã từ 10.035 xuống còn 3.321, tương đương mức giảm 66,91%. Việc tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không được thực hiện trong đợt sắp xếp này.
Thủ tướng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; thống nhất hoàn thiện các tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp, các chính sách hỗ trợ đã được xây dựng. Công tác tư tưởng được thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận trong đội ngũ, đảm bảo sau khi sắp xếp xong sẽ nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phù hợp để bộ máy hoạt động liên tục, không bị gián đoạn.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội thông qua, sau đó tổ chức thực hiện ngay. 26 tổ công tác của các thành viên Chính phủ sẽ trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nếu phát sinh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính nhanh chóng bố trí đủ kinh phí để chi trả cho cán bộ xin nghỉ theo chế độ và cán bộ dôi dư. Đồng thời, hướng dẫn việc ứng trước kinh phí từ các bộ, ngành, địa phương để không gây ách tắc. Bộ này cũng sẽ hướng dẫn sắp xếp tài sản và cơ sở vật chất liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, không để xảy ra gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị sớm thành lập các trung tâm hành chính công tại cấp tỉnh và cấp xã, phục vụ người dân không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Bên cạnh việc hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt trên 8%, tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án với tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng và giải phóng hơn 300.000 ha đất đang bị ách tắc. Thủ tướng nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện hiệu quả 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ sẽ tiếp tục phân công cụ thể, rõ ràng về người thực hiện, nhiệm vụ, thời gian và sản phẩm, đảm bảo tiến độ triển khai trong thời gian tới. |