Thanh Hóa dự kiến thu 28 nghìn tỷ đồng từ đấu giá đất Đất đấu giá Hưng Yên lại 'nóng' Vì sao đất đấu giá được nhà đầu tư ‘săn lùng’? |
Nhiều phiên đấu giá đất nền liên tiếp được mở
Thời gian gần đây, hoạt động đấu giá đất tại các tỉnh, thành phố vệ tinh của Hà Nội trở nên sôi động, khi dòng tiền đầu tư dịch chuyển mạnh về các khu vực có hạ tầng phát triển. Tại tỉnh Hà Nam, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh vừa công bố kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa bàn trong tháng 5/2025.
Cụ thể, ngày 15/5/2025, trung tâm dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng 95 lô đất tại thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, với diện tích từ 105-219 m²/lô, giá khởi điểm từ 5,8-7,1 triệu đồng/m². Bên cạnh đó, cũng trong tháng này, địa phương sẽ mở đấu giá quyền sử dụng 117 lô đất tại xã Thanh Phong và xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, diện tích 84-130 m²/lô, giá khởi điểm dao động từ 4-5,5 triệu đồng/m².
Người dân và nhà đầu tư quan tâm có thể đăng ký tham gia đấu giá đến hết ngày 13/5/2025. Đáng chú ý, người tham gia có thể đăng ký nhiều lô đất ở các nhóm vị trí khác nhau, nhưng phải mua số lượng hồ sơ tương ứng với số lô đất muốn đấu giá. Phiên đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 16/5/2025.
![]() |
Hàng loạt phiên đấu giá đất nền được tổ chức với giá khởi điểm hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư. Ảnh minh họa |
Hoạt động đấu giá đất không chỉ mở ra cơ hội sở hữu đất nền cho người dân địa phương mà còn thu hút các nhà đầu tư từ nhiều tỉnh, thành khác tìm kiếm quỹ đất sạch với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu về việc quản lý chặt chẽ quy trình đấu giá, tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá.
Tại Ninh Bình, không khí đấu giá đất nền cũng đang rất sôi động. Công ty Hợp danh đấu giá tài sản Tuấn Linh cho biết sẽ phối hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng 126 lô đất tại khu dân cư phía Nam trụ sở UBND phường Ninh Phong, thành phố Hoa Lư vào ngày 15/5/2025. Các lô đất có diện tích 115,5-198m², giá khởi điểm 13-15,7 triệu đồng/m². Hình thức đấu giá áp dụng là bỏ phiếu gián tiếp một vòng cho từng lô đất, theo phương thức trả giá lên.
Tiếp đó, vào ngày 17/5/2025, công ty sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 196 lô đất tại xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, với diện tích từ 115-392m², giá khởi điểm 5,2-6,4 triệu đồng/m². Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá đến ngày 14/5/2025.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 18/5/2025, phiên đấu giá 95 lô đất thuộc quy hoạch khu dân cư nông thôn mới tại 3 xã Tân Thành, Yên Lộc, Định Hóa, huyện Kim Sơn cũng sẽ diễn ra. Các lô đất đưa ra đấu giá có diện tích 120-265m², giá khởi điểm từ 5,1-12,1 triệu đồng/m².
Việc các địa phương liên tục tổ chức đấu giá đất được các chuyên gia nhận định là động thái hợp lý khi quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng hạn chế. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác với những hệ lụy tiềm ẩn từ hiện tượng "sốt giá ảo" và bỏ cọc đấu giá. Thực tế, một số phiên đấu giá đất tại Hà Nội từng ghi nhận giá trúng đấu giá cao bất thường, thậm chí gấp nhiều lần giá khởi điểm, rồi sau đó người trúng đấu giá bỏ cọc, gây xáo trộn thị trường.
Tăng giám sát, siết chặt điều kiện đấu giá để kiểm soát đầu cơ
Việc các địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nền không chỉ giúp tăng thu ngân sách, giải quyết nhu cầu sử dụng đất của người dân mà còn mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư tỉnh lẻ.
Tuy nhiên, thực tế từ một số phiên đấu giá đất thời gian qua cho thấy, nếu không kiểm soát tốt sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy, như hiện tượng thổi giá, tạo "sốt ảo", rồi bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản địa phương.
![]() |
Hoạt động đấu giá đất tại các tỉnh, thành phố vệ tinh của Hà Nội trở nên sôi động. Ảnh minh họa |
Để thị trường đấu giá đất nền phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững, các chuyên gia bất động sản cho rằng, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, đặc biệt lưu ý việc tăng cường giám sát chặt chẽ quy trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, công khai đầy đủ thông tin về người tham gia đấu giá, hạn chế tình trạng gom đất, đầu cơ. Đồng thời, nghiên cứu nâng mức tiền đặt cọc đấu giá quyền sử dụng đất nền, nhằm giảm thiểu rủi ro từ hành vi bỏ cọc.
Theo các chuyên gia bất động sản, cơ quan chức năng cũng nên có cơ chế hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định đấu giá và sử dụng đất sau trúng đấu giá. Chỉ khi các biện pháp quản lý được siết chặt, thị trường đấu giá đất nền tại các tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình mới thực sự ổn định, trở thành kênh đầu tư hiệu quả, lành mạnh, đồng thời góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |