Chủ nhật 11/05/2025 01:46

Xây dựng thương hiệu sản phẩm miền núi: Chuyên gia khuyến nghị

Muốn sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số và miền núi có chỗ đứng trên thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu là con đường buộc phải đi.

“Có miếng mà chưa có tiếng”

Những năm gần đây, nhờ sự bùng nổ của các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử, những sản phẩm đặc sắc của bà con dân tộc thiểu số ở các vùng miền được người tiêu dùng, nhất là ở khu vực thành thị, đồng bằng biết đến nhiều hơn.

Mật ong bạc hà của Hà Giang là một điển hình, giống ong mà đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang dùng nuôi để khai thác mật hoa cây bạc hà trong tự nhiên là giống ong bản địa. Sản phẩm tạo ra thơm, ngon, vị đậm đà rất đặc trưng được thụ rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử và góp mặt tại một số hệ thống phân phối.

Với giá bán 600-700 nghìn đồng/lít, nghề nuôi ong khai thác phấn hoa bạc hà đã góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ).

Thu hoạch mật ong bạc hà tại Hà Giang. Ảnh Vietnamnet

Hay như với cà phê đặc sản Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), là giống cà phê cổ, năng suất thấp nhưng khả năng chịu hạn cao, hậu vị đậm, sâu và rất thơm, sản phẩm cà phê này đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Với giá bán chênh lệch 10-20% so với cà phê thông thường, cà phê đặc sản Bù Đốp đang giúp bà con dân tộc S’tiêng, Khơme, Ede …trên vùng đất cằn Bù Đốp cải thiện dần sinh kế.

Miền núi có rất nhiều sản vật quý. Hiện nay, một số tỉnh đã tận dụng lợi thế này để kết hợp với du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương và Sơn La là một điển hình. Mận Sơn La nổi tiếng cả nước, tận dụng lợi thế này, địa phương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức truyền thông, quảng bá rộng rãi về nét đẹp, sự khác biệt biến mùa hoa mận, mùa mận chín trở thành mùa du lịch. Từ đó giúp người dân có thu hoạch kép từ tiêu thụ mận và thu phí từ dịch vụ du lịch.

Đây là bước đi rất thông minh của tỉnh Sơn La khi tạo nên sự kết hợp hữu cơ giữa sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với phát triển du lịch và kết quả mang lại rất khả quan”, bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương. Ảnh: Thanh Tuấn

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng tận dụng được lợi thế từ nguồn sản vật của bà con vùng dân tộc thiểu số. Nguyên do, sản xuất, canh tác của bà con còn lạc hậu, theo tập quán truyền thống do đó sản lượng thấp, mẫu mã bao bì không hấp dẫn, kém thu hút người tiêu dùng. Và một điểm rất quan trọng là chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm.

Giữ cho được đặc thù địa phương

Do đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miền núi là khuyến cáo được nhiều chuyên gia đưa ra.

Bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ phân tích, để xây dựng thương hiệu, trước hết bà con phải đảm bảo sản xuất theo hướng hàng hoá, nghĩa là sản lượng phải đủ lớn để có được nguồn cung ổn định, không đứt gẫy. Chưa kể, sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ, an toàn và truy xuất được nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Muốn làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của bà con còn cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá và kết nối đầu ra cho sản phẩm.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cũng cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm của khu vực miền núi, trước tiên phải có sản phẩm mạnh, đặc trưng. “Nếu sản xuất ra sản phẩm ngon nhưng số lượng ít, vẫn tiêu thụ được thì bà con sẽ không tính đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu, cho nên cả về chất lượng và số lượng phải mạnh”, bà Thanh Thuỷ cho hay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Thanh Tuấn

Mặt khác, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, bà con cần các cấp, ngành hỗ trợ kỹ thuật cũng như tư vấn cho bà con về kỹ thuật sản xuất, chế biến. Cùng đó, các cấp, ngành tạo nền tảng và cơ sở hạ tầng, trong đó có quy hoạch vùng trồng. Cuối cùng là hỗ trợ về mặt tài chính thông qua việc giúp bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất, chế biến.

Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại nhấn mạnh về tính văn hoá trong xây dựng thương hiệu sản phẩm miền núi. Vị chuyên gia này cho rằng, câu chuyện đằng sau sản phẩm phải chứa đựng và làm nổi bật được nét văn hoá truyền thống của vùng đất và con người nơi đó.

Hãy duy trì bản sắc dân tộc, bản sắc địa phương, văn hoá vùng miền, đặc sản vùng miền, hãy hình thành nơi người ta muốn đến là phải tiêu dùng sản phẩm ở đó chứ không phải là nhập khẩu sản phẩm từ nơi khác về ”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Trong Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương nên có một chuyên mục riêng cho sản phẩm miền núi với những tiêu chí phù hợp hơn, mang tính khuyến khích để dần từng bước xây dựng và phát triển được thương hiệu quốc gia cho những mặt hàng này.

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục

Lan tỏa ‘tiếng thơm’ cho sản phẩm miền núi

Hoà Bình: Thổ cẩm, cam rừng và những phiên chợ 'mở lối' xuống miền xuôi

Nông sản miền núi: Bắt nhịp tiêu dùng xanh, tăng sức mua

Longform | Vụ vải thiều 2025: Đặc sản miền núi bứt phá thị trường toàn cầu

Mở lối trên lưng núi - du lịch 'cõng' nông sản đi xa

Khánh thành trường học cho học sinh miền núi Sơn La

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Phụ nữ nông thôn chủ động thích nghi với chuyển đổi số

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao