Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 1)
Thực hiện Thanh Thảo - Ngọc Long
01/11/2024 21:23

Thưa quý vị, trên đây là nhan đề của bài viết trong mục Podcast – Trò chuyện cùng Công Thương ngày hôm nay, bài viết của tác giả Hà Nam (giới thiệu) được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại trang web pvn.vn, kính mời quý vị cùng lắng nghe.

“Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực” được coi là Thiên sử thi vĩ đại nhất thế kỷ XX của Daniel Yergin – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, giảng viên Đại học Harvard. Nội dung cuốn sách thuật lại chi tiết toàn cảnh lịch sử của ngành dầu mỏ, mô tả các cuộc đấu tranh giành tiền bạc và quyền lực xung quanh ngành công nghiệp dầu mỏ, làm rung chuyển kinh tế thế giới, làm thay đổi vận mệnh của nhiều quốc gia, dân tộc, gây ra nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu. Xin lần lượt đăng tải nội dung tác phẩm nổi tiếng này để phục vụ bạn đọc.

undefined
“Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực” được coi là Thiên sử thi vĩ đại nhất thế kỷ XX của Daniel Yergin – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, giảng viên Đại học Harvard

Trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng như hiện nay thì dầu mỏ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Giá dầu ảnh hưởng tới sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và hầu như mọi ngành công nghiệp đều chịu tác động rất lớn bởi những biến động của nguồn tài nguyên quý giá này. Chỉ trong vài tháng qua, giá dầu đã tăng đột ngột, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Tháng 7 năm 2008, giá dầu lần đầu tiên đạt kỷ lục trong lịch sử với mức giá 150 đô-la/thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng vừa công bố báo cáo mới nhất về thị trường dầu mỏ thế giới. Nhu cầu tăng mạnh ở các nước đang phát triển và những căng thẳng về nguồn cung hiện nay dự báo "một bức tranh thị trường dầu mỏ u ám trong trung hạn". Dầu mỏ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng có nhiều biến động khiến giá dầu không ngừng leo thang.
Thực tế đang chứng minh rằng thế giới sẽ dần dần được vận hành bởi động lực là dầu mỏ cho đến khi nhân loại tìm ra được một loại nhiên liệu khác đủ sức thay thế hoàn toàn, mà con đường đó dường như còn xa... Nằm trong sự ảnh hưởng chung đó, Việt Nam cũng không tránh khỏi những biến động và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động trong ngành dầu mỏ. Giá xăng và nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân.
Nhận thấy tầm quan trọng của dầu mỏ trong đời sống kinh tế, chính trị quốc tế, PetroVietnam đã hợp tác với Alpha Books, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) và NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách mang tên Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực – Thiên sử thi vĩ đại nhất thế kỷ XX. Như cuốn sách cho thấy, đằng sau rất nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, va chạm, liên kết, liên minh, có một nguyên nhân luôn thường trực, đó là dầu mỏ. Dầu mỏ không còn giới hạn là một thứ nhiên liệu lỏng đơn thuần mà đã trở thành một thứ vũ khí mang màu sắc chính trị, kinh tế, dĩ nhiên là cả tôn giáo, văn hóa…
Đây là một cuốn sách trên 1.200 trang khắc họa sâu sắc toàn cảnh lịch sử phát triển và vai trò của ngành dầu và các sản phẩm lọc hoá dầu. Tác giả của cuốn sách, Daniel Yergin là một chuyên gia về các vấn đề toàn cầu và dầu mỏ. Ông là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, một cơ quan tư vấn hàng đầu về năng lượng quốc tế. Ông cũng là đồng tác giả cuốn Energy Future (Năng lượng tương lai). Một cuốn sách được giải của ông là Shattered Peace (Nền hòa bình bị phá bỏ) đã trở thành tác phẩm lịch sử kinh điển về những nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh. Cuốn The Commanding Heights (Những đỉnh cao chỉ huy) của ông đã được xuất bản tại Việt Nam và được độc giả đánh giá cao.
Chúng tôi tin rằng, tác phẩm đầy giá trị này của Daniel Yergin – Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực sẽ giúp độc giả Việt Nam, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng hiểu biết sâu sắc hơn về các cuộc giao tranh quyền lực nóng bỏng, sự giàu có của các cường quốc, nguyên nhân cội rễ của các cuộc xung đột Trung Đông, vai trò của các quốc gia Vùng Vịnh trong nền kinh tế toàn cầu và những biến động chính trị trong khu vực ảnh hưởng đến toàn thế giới...
Bạn đang cầm trong tay một cuốn sách rất đặc biệt; có thể coi đây là cuốn biên niên sử hết sức lý thú của hành tinh chúng ta trong hơn một thế kỷ nay, xoay quanh một tài nguyên có tầm quan trọng sống còn đối với hầu hết các quốc gia muốn đặt chân lên con đường công nghiệp hóa và đi tới phồn vinh, đó là DẦU MỎ. Tác giả cuốn sách, DANIEL YERGIN, người đã được trao giải thưởng Pulitzer, là một chuyên gia về các vấn đề toàn cầu và dầu mỏ. Ông là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, một cơ quan tư vấn hàng đầu về năng lượng quốc tế. Ông cũng từng là giảng viên trường Đại học Harvard và trường John F. Kennedy Harvard.
Một tác phẩm lớn khác của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam là cuốn Những đỉnh cao chỉ huy, được độc giả đánh giá rất cao Ngay từ đầu bạn đọc chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của cuốn sách. Dù bạn là người đã từng hoặc đang làm việc trong lĩnh vực dầu khí đi nữa thì khi bắt đầu đọc cuốn sách này, bạn vẫn có thể cảm thấy hiểu biết của mình về tầm vóc và ảnh hưởng của các hoạt động dầu khí đối với xã hội loài người còn quá khiêm tốn; rằng hóa ra gần cả thế kỷ nay dầu mỏ và sau này là khí thiên nhiên (còn gọi là khí đốt) đã đóng một vai quan trọng đến mức khó hình dung nổi đối với sự phát triển của lịch sử thế giới; rằng số phận của không ít những quốc gia, dân tộc, tập đoàn kinh tế, nguyên thủ quốc gia và chính khách… lẽ ra đã khác đi nếu dầu mỏ không được dùng làm vũ khí trong các cuộc đối đầu giữa các quốc gia và các thế lực chính trị, xã hội đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại.
Nhưng lịch sử đã sang trang và thế giới đang như bạn thấy chứ không phải như thế khác. Nhưng điều hết sức lý thú là tác giả cuốn sách sẽ đưa bạn trở về với những sự kiện lịch sử có thể bạn đã biết, tuy nhiên lại cung cấp cho bạn những thông tin, phân tích, đánh giá khá độc đáo và đầy sức thuyết phục để minh chứng cho vai trò quyết định của dầu mỏ đến chiều hướng phát triển của những sự kiện đó.
Trong phần mở đầu cuốn sách, tác giả viết: "Dầu mỏ là ngành kinh doanh lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, là ngành công nghiệp vĩ đại nhất trong số các ngành công nghiệp vĩ đại từng xuất hiện trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XIX… Ngành kinh doanh này, trong thế kỷ XX, đã mở rộng tới mọi đối tượng, từ các nhà khoan dầu mạo hiểm, các nhà thúc đẩy kinh doanh hoạt ngôn, các ông chủ doanh nghiệp độc đoán, tới các bộ máy doanh nghiệp quan liêu lớn và các công ty nhà nước. Sự bành trướng của nó là hiện thân cho sự phát triển của thương mại, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ, và các nền kinh tế quốc gia và quốc tế của thế kỷ XX.
Lịch sử dầu mỏ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hợp đồng và nhiều quyết định quan trọng – do các cá nhân, công ty và các quốc gia thực hiện. Đôi khi, chúng ra đời dựa trên những suy tính kỹ càng, và đôi khi, chúng lại chỉ đơn giản là kết quả của một sự tình cờ. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành dầu mỏ". Có thể coi đó là sự mô tả khá chính xác vóc dáng và bản chất của ngành công nghiệp dầu khí. Từ địa vị chưa mấy được chú ý vào đầu thế kỷ XX, dầu mỏ, với tư cách một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia, đã khẳng định tầm quan trọng của nó ngay trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những chiếc máy bay chạy bằng động cơ đốt trong soán ngôi của các phương tiện di chuyển dùng ngựa và than.
Đến giữa thế kỷ XX, rất ít người còn hoài nghi về vai trò quan trọng không thể thiếu của dầu mỏ trong cán cân năng lượng toàn cầu. Nửa cuối của thế kỷ XX, thế giới chứng kiến sự bứt phá và chiếm lĩnh vị trí thống soái của dầu mỏ và khí thiên nhiên với nền công nghiệp và dịch vụ xã hội, bỏ xa nhiên liệu hóa thạch truyền thống là than đá. Những năm đầu của thế kỷ XXI này đang đánh dấu sự vươn lên ngoạn mục của dầu mỏ và khí đốt khi các quốc gia giàu hai nguồn tài nguyên này dường như đang có khả năng khuynh đảo ít nhất là một phần của thế giới văn minh bằng cách đóng hay mở các giếng dầu hoặc các đường ống dẫn khí. Mấy năm nay, Iran vẫn bướng bỉnh với các nghị quyết của Liên hợp quốc và các cường quốc Âu - Mỹ về vấn đề hạt nhân chắc cũng dựa vào thế có trữ lượng dầu gần 20 tỷ tấn, chỉ đứng sau Arập Xêút.
Venezuela, một trong những nước có trữ lượng dầu khổng lồ, cũng tỏ ra hết sức ngang ngạnh trong quan hệ với Mỹ. Quan hệ Nga - Ukraine, Nga - Belarus lúc ấm (thậm chí đã quyết định thành lập Liên bang với nhau), lúc lạnh cũng vì khí đốt. Rồi Trung Quốc, quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cùng với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới (trong khi nguồn tài nguyên trong nước có hạn), đã có những hoạt động hết sức mạnh mẽ để đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với hầu hết các nước châu Phi có lẽ cũng nhằm vào nguồn tài nguyên dầu khí từ lục địa này.
Có thể nói, sự tồn vong và phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ngay cả nguồn lương thực của chúng ta, dù là sản phẩm của ngành nông nghiệp, cũng phụ thuộc không ít vào các nguồn tài nguyên này với tư cách là nguyên liệu (ví dụ để sản xuất phân đạm từ dầu, khí và than đá) hoặc nhiên liệu cho máy móc.
Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu năng lượng thế giới, trữ lượng dầu được xác minh của toàn thế giới (số liệu năm 2005) nằm trong khoảng từ 2.050 cho đến 2.390 tỷ thùng, tương đương từ 270 đến 323 tỷ tấn, và đến bây giờ chúng ta đã sử dụng khoảng 45 cho đến 70% trữ lượng đó. Các nước ở vùng Trung Đông chiếm khoảng một nửa trữ lượng dầu xác minh của thế giới, trong đó riêng Saudi Arabia chiếm một phần tư.
Nếu tính cả vùng Bắc Phi và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Trong khi đó, trữ lượng dầu ở các nước G7 khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá ít (trừ Canađa có trữ lượng dầu trong cát lớn, nhưng có lẽ còn lâu mới có thể khai thác hiệu quả được do giá thành khai thác cao). Cho nên, điều dễ hiểu là vùng Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi và cả Mỹ Latinh, hiện có nhiều điểm nhạy cảm nhất, tiềm ẩn những bất ổn về an ninh chính trị của thế giới.
Không ai có thể dự đoán được nguy cơ mất ổn định ở những vùng này bao giờ mới có hồi kết chừng nào dầu mỏ vẫn còn là đối tượng, cũng là công cụ hết sức nhạy cảm và hữu hiệu trong các tranh chấp quốc tế dù dưới bất kỳ màu áo gì: sắc tộc, tôn giáo hay hệ tư tưởng, chế độ chính trị. Nhưng liệu thế giới còn sử dụng dầu được bao nhiêu năm nữa? Liệu có phải thời gian để sử dụng lượng dầu dự trữ đã được xác minh có thể còn ngắn hơn 40 năm? Vậy các kịch bản có thể xảy ra với bức tranh dầu khí cũng như thế giới trong thế kỷ này sẽ như thế nào? Liệu nhân loại còn có khả năng tìm thấy dầu (và khí) nữa không? Giải pháp nào sẽ được tiến hành để bảo đảm nguồn năng lượng cho tương lai nếu dầu cạn kiệt? Đó là những câu hỏi luôn luôn làm đau đầu nhà lãnh đạo các quốc gia và gánh nặng đó lại được đặt lên vai các nhà khoa học, các nhà quản lý. Câu hỏi đầu tiên cần trả lời là dưới lòng đất còn bao nhiêu dầu nữa?
Theo đánh giá của các nhà khoa học thì trong tương lai còn có thể tìm thêm được khoảng từ 275 đến 1.469 tỷ thùng dầu nữa. Nếu lấy con số lạc quan nhất thì lượng dầu sẽ được phát hiện và xác minh sẽ bằng với trữ lượng xác minh mà chúng ta đang có trong tay. Nghĩa là kỷ nguyên dầu mỏ còn có thể kéo dài thêm 40 – 50 năm hoặc dài hơn, ngắn hơn, tùy mức sử dụng hàng năm tăng hay giảm. Tuy nhiên, triển vọng này lạc quan đến mức độ nào là điều không dễ dự báo.
Song các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới vẫn tỏ ra tin tưởng, bởi hiện tại đang có một số khả năng chứng tỏ việc tăng trữ lượng dầu toàn cầu là điều có thể xảy ra. Thứ nhất, đó là việc tăng hệ số thu hồi dầu ở các mỏ đang và sẽ đưa vào khai thác. Điều này đạt được là nhờ các công ty khai thác dầu đưa vào sử dụng những công nghệ và kỹ thuật hiện đại, tiết kiệm chi phí cho việc thăm dò và khai thác dầu, làm giảm giá thành. Thứ hai, trữ lượng dầu được công bố của các quốc gia chưa phải là trữ lượng thật sự người ta có. Thứ ba, trữ lượng được xem xét hiện nay chưa bao gồm các dạng hóa thạch có chứa dầu như cát dầu (tar sands) và bitum (bitumen).
Một tiềm năng chưa được tính đến nữa là trữ lượng có thể có ở Nam Cực đang bị cấm thăm dò, khai thác vì mục đích bảo vệ môi trường. Nói chung, các nguồn dầu này, nếu khai thác được, sẽ cho sản lượng không nhỏ trong cán cân năng lượng hóa thạch. Thứ tư, các vùng nước sâu, vùng gần Bắc Cực đang là thử thách cũng là cơ hội lớn đối với các công ty dầu khí thế giới.
Trong những năm gần đây, nhiều mỏ dầu nước sâu ở vịnh Mexico, ở Angola và ở Đông Thái Bình Dương đã được phát hiện và đưa vào khai thác. Ở Việt Nam, bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm dầu khí ở những vùng gần bờ, các công việc chuẩn bị cho việc ra xa bờ, nhất là vùng thềm lục địa phía nam, đang được xúc tiến tích cực.
Theo đánh giá của các cơ quan năng lượng quốc tế, Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng sản lượng dầu, trong khi Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đã đi qua giai đoạn đỉnh cao của sản lượng. Triển vọng lạc quan của ngành dầu khí sẽ còn được nâng cao hơn nữa nhờ một hướng đi đang được mở ra để gia tăng nguồn nhiên liệu cho giao thông vận tải, công nghiệp và sinh hoạt. Đó là nguồn nhiên liệu sinh học, mà chủ yếu là cồn sinh học (gasohol) và diesel sinh học (biodiesel). Cồn sinh học, mà thực chất là etanol được sản xuất từ ngũ cốc, sắn, mía, củ cải, kể cả xác các loại thực vật..., đang được nhiều nước như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines... sản xuất với quy mô không nhỏ để thay thế hoặc pha lẫn với xăng. Trong khi đó, biodiesel sản xuất từ các loại dầu thực vật, chủ yếu là dầu hạt cải (rape oil) và dầu hướng dương (sunflower oil) thì lại được nhiều nước châu Âu chú trọng.
Năm 2005, EU đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn biodiesel. Và để đón đầu và tiếp cận sự "ra đi" của kỷ nguyên dầu khí có khả năng xảy ra vào nửa cuối thế kỷ này, các nhà khoa học trên thế giới còn có những kịch bản hấp dẫn và lãng mạn hơn nữa. Đó là năng lượng nhiệt hạch (năng lượng phát ra khi tổng hợp hạt nhân chứ không phải năng lượng phân rã hạt nhân như trong các nhà máy điện nguyên tử hiện nay), năng lượng mặt trời, các dạng năng lượng tái tạo khác và nhất là năng lượng hydro lấy từ nước thông qua phản ứng quang - xúc tác.
Có thể nói, dầu mỏ đã trở thành động lực phát triển của thế giới trên con đường tiến tới văn minh, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra biết bao biến động xã hội để tàn phá nền văn minh đó. Nhưng đó là định mệnh chăng? Năng lượng nguyên tử, thậm chí lúc mới được phát hiện, chưa mang lại lợi ích gì cho nhân loại thì đã gây tai họa, nhưng rồi nó cũng phải thuần phục để phục vụ lợi ích con người. Và chúng ta hy vọng khi phải chia tay với kỷ nguyên dầu khí, thì loài người đã có trong tay những nguồn năng lượng thay thế dồi dào và sạch hơn.
Đúng như lời của tác giả cuốn sách này, dầu mỏ (và khí thiên nhiên) đã tạo nên "những thay đổi vĩ đại" trong hơn một thế kỷ nay của lịch sử nhân loại. Qua những trang sách, độc giả sẽ nhận rõ, một mặt, những "cống hiến" to lớn của dầu mỏ đối với sự phát triển thần kỳ của thế giới, mặt khác, những "tội lỗi" tày trời trong việc tiếp tay cho những kẻ tham tiền bạc và những thế lực tham quyền lực gây ra chết chóc, bất công xã hội và những cuộc tàn phá kìm hãm nền văn minh nhân loại. Đó là chưa kể "tội" của dầu mỏ đang cùng với các nhiên liệu hóa thạch khác gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường và sự nóng lên của toàn cầu.
Và, khi gấp cuốn sách lại, chắc chắn độc giả sẽ đồng ý với tác giả Daniel Yergin rằng, biên niên sử mà tác giả đã trình bày hết sức sắc sảo và hấp dẫn trong cuốn sách này thật sự là "thiên sử thi về cuộc kiếm tìm dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực" trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai.
Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

rewind
play
fast-forward
00:00
/
00:00
13 câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống bạn nên đọc một lần trong đời

13 câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống bạn nên đọc một lần trong đời

Xin kính chào quý vị khán thính giả đã đến với chương trình Podcast của Báo Công Thương, với những bài viết, bài báo được chúng tôi tổng hợp, tìm hiểu và được thể hiện lại qua giọng đọc của BTV Thanh Thảo.

Kính thưa quý vị, trong chuyên mục Sách hay 360 ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý khán giả 13 câu chuyện ngắn được sưu tầm với nhan đề: “13 câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống bạn nên đọc một lần trong đời”. 13 câu chuyện ngắn với những nội dung khác nhau, mang những giá trị, ý nghĩa và sự chiêm nghiệm khác nhau, hi vọng sẽ là món quà nhỏ dành tặng cho quý khán thính giả đang lắng nghe chuyên mục Podcast - Sách hay 360. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

“13 câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống bạn nên đọc một lần trong đời”

Kính thưa quý vị! Đôi khi chúng ta đã quên mất, từng sự việc nhỏ diễn ra hàng ngày đều mang một ý nghĩa nhất định và có những giá trị vô cùng quý báu cho cuộc đời mỗi con người. Cùng lắng những câu chuyện nhỏ ý nghĩa về cuộc sống dưới đây và suy ngẫm nhé.

Câu chuyện số 1: Bài học về sự tự tin

Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi học môn Toán với thầy Peter. Vừa vào lớp, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra đầu năm.

Cả lớp ngạc nhiên khi thầy phát cho chúng tôi ba loại đề khác nhau rồi nói:

- Đề thứ nhất gồm những câu hỏi vừa dễ và khó, nếu làm hết các em sẽ được 10 điểm. Đề thứ hai có số điểm cao nhất là 8 với những câu hỏi tương đối dễ. Đề thứ 3 có số điểm tối đa là 6 với những câu hỏi rất dễ. Các em được quyền chọn đề cho mình.

Thầy chỉ cho làm bài trong 15 phút nên tôi đã chọn đề thứ 2 cho chắc ăn. Không chỉ tôi mà các bạn cùng lớp cũng thế, chẳng có ai chọn đề thứ nhất cả.

Một tuần sau, thầy Peter phát bài kiểm tra ra. Cả lớp lại càng ngạc nhiên hơn khi biết ai chọn đề nào thì được tổng số điểm của đề đó, bất kể làm đúng hay sai. Lớp trưởng hỏi thầy:

- Thưa thầy tại sao lại như thế?

Thầy cười rồi nghiêm nghị trả lời:

- Với bài kiểm tra này, thầy chỉ muốn thử thách sự tự tin của lớp mình. Ai trong số các em cũng mơ ước đạt được điểm 10 nhưng ít ai dám vượt qua thử thách để biến ước mơ ấy thành sự thật.

Bài kiểm tra kỳ lạ ấy của thầy Peter đã dạy chúng tôi một bài học: "Có những việc thoạt nhìn tưởng như rất khó khăn nên dễ làm cho chúng ta rút lui ngay từ phút đầu tiên. Nhưng nếu không tự tin đối đầu với thử thách thì chúng ta chẳng biết khả năng của mình đến đâu và cũng khó vươn tới đỉnh điểm của thành công.

Câu chuyện số 2: Chiếc lược tình yêu

Một ngày nọ, người vợ có mái tóc dài bảo chồng hãy mua cho bà một chiếc lược mới để bà chải tóc được gọn gàng hơn. Người chồng đã xin lỗi và từ chối bà. Ông nói rằng mình còn không có đủ tiền để sửa chiếc đồng hồ đeo tay bị hỏng. Người vợ nghe vậy và không nói gì thêm.

Hôm sau người chồng đi làm, ông qua tiệm đồng hồ và bán chiếc đồng hồ của mình với giá rẻ để mua chiếc lược mới cho vợ.

Buổi tối, ông vui vẻ ngồi đợi vợ ở nhà với chiếc lược mới trên tay.

Tuy nhiên, một lúc sau, ông vô cùng sửng sốt khi thấy vợ xuất hiện với một mái tóc ngắn. Thì ra bà đã bán mái tóc của mình đi để mua cho ông chiếc dây đồng hồ mới.

Những giọt nước mắt rơi trên má họ, không phải vì những việc họ làm là vô ích, mà vì tình yêu sâu sắc mà họ dành cho nhau.

Câu chuyện số 3: Câu chuyện về hai hạt lúa

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy,...

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...

Bài học: Nếu tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân bạn sẽ trải qua một cuộc sống vô nghĩa, đánh mất giá trị của bản thân. Vì vậy, hãy biết dấn thân chấp nhận những thử thách, can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để sống có ý nghĩa hơn, đóng góp những giá trị hữu ích cho xã hội.

Câu chuyện số 4: Quạ và thiên nga

Một con Quạ, đen như than, nó ganh ghét với một con Thiên Nga, vì bộ lông của Thiên Nga luôn trắng đẹp như bông.

Quạ ngu ngốc một hôm bỗng nảy ra một ý nghĩ rằng nếu nó cứ sống như Thiên Nga, tức là cứ bơi lội và vùng vẫy suốt ngày trong nước, và ăn cây cỏ rong rêu mọc dưới nước, ắt bộ lông nó sẽ trắng ra như bộ lông của Thiên Nga vậy. Thế là Quạ liền bỏ rừng bay về vùng sông hồ và đầm lầy để sống.

Nhưng dù cho nó ra sức tắm giặt suốt ngày này qua ngày khác bộ lông của nó vẫn cứ đen như ngày nào vậy.

Và khi rong rêu trong nước ăn vào không phù hợp với cái dạ dày của nó, nó càng ngày càng gầy đét, và cuối cùng, ngã lăn ra chết.

Bài học: Đừng vì ảo tưởng những thứ mình không thể có mà có những hành động ngu ngốc, đến cuối cùng cùng thiệt thòi sẽ là bản thân mình.

Câu chuyện số 5: Món hời với người nghèo

Một cô gái hỏi ông lão bán trứng: “Bao nhiêu tiền một quả trứng vậy ông?”

Ông lão trả lời: “Một đô hai quả thưa cô”.

Cô gái đáp: “Bán cho tôi một đô bốn quả, nếu không tôi không mua nữa”.

Ông lão: “Được thôi, cô lấy đi, đây là khởi đầu tốt vì có lẽ tôi sẽ chẳng bán được gì trong ngày hôm nay”.

Cô gái lấy trứng rồi hãnh diện bước đi. Cô cảm thấy mình đã trả được một món hời và đến một nhà hàng sang trọng gặp bạn bè. Ở đó, cô cùng các bạn ăn bất cứ thứ gì họ muốn. Tàn tiệc, hóa đơn của của họ lên tới 420 đô la. Cô gái đưa 500 đô cho chủ nhà hàng và bảo không cần trả lại.

Bài học: Sự việc có vẻ giản đơn nhưng lại thật đau khổ đối với ông lão bán trứng. Nhiều người trong chúng ta luôn hào phóng với những người giàu có, mà lại quên đi tình người với những người khốn khổ.

Câu chuyện số 6: Miếng bánh mì cháy

Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.

Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.

Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”

Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy hay không. Cha tôi choàng tay qua vai tôi và nói:

“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”

Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.

Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ.

Cuộc đời rất ngắn ngủ để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”

Bài học: Trong cuộc sống, bạn cần phải biết học cách cảm thông đối với điểm yếu, điểm hạn chế của người khác. Cảm thông với cuộc sống, tính cách của mọi người trong gia đình, bạn bè, vợ chồng… sẽ giúp bạn có một cuộc sống dung hòa xung quanh. Sự cảm thông – bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Câu chuyện này chính là bài học về sự cảm thông giữa người với người.

Câu chuyện số 7: Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi: “Khi nào con đi?”

“Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.”

Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.”

Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền.

Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng.

Hòa thượng hỏi: “Tại sao tín chủ lại tặng ô?”

“Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?”

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại.

Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng: “Giày cỏ và ô đã đủ chưa?”

“Đủ rồi ạ!” – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. “Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.”

“Vậy sao được”, sư thầy nói. “Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?”

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục: “Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…”

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói: “Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.”

Bài học: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa?

Có quyết tâm, vạch rõ mục tiêu, tất cả đều không còn là vấn đề, không còn là trở ngại.

Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến. Bạn bước đi dù chỉ một bước, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đã có thu hoạch. Chỉ cần đem theo trái tim lên đường, tất cả những vật ngoài thân khác tự sẽ đủ!

Câu chuyện số 8: Người đàn ông vứt bỏ đôi giày

Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Johnny không cẩn thận làm rơi một chiếc giày mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Johnny khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!”.

Bài học: Những thứ không còn lợi ích với mình đôi khi lại là niềm hạnh phúc vô bờ đối với người khác. Hãy trân trọng mọi thứ mình có và chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người.

Câu chuyện số 9: Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!

Một ngày nọ, người bố giàu có dẫn cậu con trai của mình thăm thú một ngôi làng. Người bố muốn cho con trai của mình thấy một người nghèo có thể nghèo đến mức nào. Họ đã dành thời gian tham quan cánh đồng của một gia đình nghèo. Sau khi trở về, người bố hỏi cậu con trai:

– Con thấy chuyến đi thế nào?

– Rất tuyệt bố ạ!

Người bố hỏi:

– Con đã thấy người nghèo sống thế nào chưa?

– Vâng con thấy rồi ạ!

– Vậy nói cho bố nghe, con học được gì từ chuyến đi này?

Cậu bé trả lời: “Chúng ta có 1 con chó, họ có 4. Chúng ta có bể bơi, họ có những con sông. Chúng ta dùng đèn vào ban đêm, còn họ có những ngôi sao. Chúng ta có những bức tường để bảo vệ mình, họ có bạn bè. Chúng ta có TV, còn họ dành thời gian cho gia đình và họ hàng.”

Người bố không nói lên lời. Cậu bé nói thêm: “Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!”.

Ý nghĩa câu chuyện: Chúng ta không giàu có chỉ vì có nhiều tiền. Tình yêu, lòng trắc ẩn, tình bạn, những giá trị đích thực, gia đình mới khiến bạn là người thực sự giàu có.

Câu chuyện số 10: Giá trị của hòn đá

Có một học trò hỏi thầy mình rằng:

- Thưa thầy, giá trị của cuộc sống là gì ạ?

Người thầy lấy một hòn đá trao cho người học trò và dặn:

- Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.

Vâng lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng. Người học trò mang hòn đá về và than thở:

- Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. Cũng may có ngườihỏi mua với giá một đồng thầy ạ.
Người thầy mỉm cười và nói:

- Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào tiệm vàng và bán cho chủ tiệm, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán.
Người học trò rất bất ngờ khi chủ tiệm vàng trả giá hòn đá là 500 đồng. Anh háo hức hỏi thầy tại sao lại như vậy. Người thầy cười và nói:

- Ngày mai con hãy đem nó đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.

Làm theo lời thầy dặn, sau một hồi xem xét thì anh vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội về kể lại với thầy. Lúc này người thầy mới chậm rãi nói:

- Hòn đá thực chất chính là một khối ngọc cổ quý giá, đáng cả một gia tài, và giá trị cuộc sống cũng giống như hòn đá kia, có người hiểu và có người không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận thì giá trị cuộc sống chẳng đáng một xu, còn với người hiểu thì nó đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên sự khác biệt là sự hiểu biết của con và cách con nhìn nhận cuộc sống.

Bài học: Thành công hay hạnh phúc là gì? Mỗi người sẽ có định nghĩa và “định giá” khác nhau và chúng ta hãy tôn trọng sự lựa chọn đó. Hãy làm cho đời mình trở nên giá trị theo cách của mình và tự quyết định cuộc sống của bạn.

Câu chuyện số 11: Cái kết cho sự khinh thường

Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người. Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:

“Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”.

Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.

“Tôi cũng không biết!“, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:“Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi.” Học giả vô cùng sửng sốt.

Bài học: Chẳng ai sinh ra đã hoàn hảo, càng tỏ vẻ khinh thường người khác thì càng chứng tỏ bạn là một người ngu dốt. Chẳng ai dám vỗ ngực nhận mình biết nhiều thứ bởi lẽ còn vô vàn thứ mà chúng ta vẫn chưa được biết đến. Càng tỏ ra thông minh thì sẽ càng bị thông minh hại. Cũng như người tiều phu trong câu chuyện mặc dù không học nhiều như học giả nhưng lại biết cách tính toán để cho mình có thể vẫn kiếm được một chút. Còn về phía học giả đã bị chính sự khinh thường và chấp tiều phu mà mất đi một khoản tiền oan. Đừng khinh thường người khác vì cái kết nhận lại lúc nào cũng rất đau đớn.

Câu chuyện số 12: Con lừa và con la

Lừa và La cùng đi đường. Hai con cùng chở hàng bằng nhau. Lừa càu nhàu là La cũng mang bằng nó nhưng nhận phần thức ăn gấp đôi. La lẳng lặng không nói gì. Được một quãng, Lừa thấm mệt.

Người chủ hàng lấy bớt một phần hàng trên lưng Lừa chuyển sang cho La. La không phàn nàn gì, tiếp tục đi. Được một quãng đường nữa, Lừa càng đuối sức. Chủ hàng lại lấy thêm hàng chuyển sang cho La. Trên lưng Lừa hầu như chẳng còn hàng hoá gì nữa, lẽo đẽo đi sau, vừa đi vừa thở hổn hển. Khi ấy, La quay lại bảo Lừa:

– Này bạn thân mến, tôi đáng được hưởng gấp đôi phần ăn đấy chứ?

Bài học: Trước khi phán xét hay nhận định một vấn đề nào đó, chúng ta không chỉ nhìn vào khởi đầu mà còn phải quan sát cả quá trình và kết thúc.

Câu chuyện số 12: Hoa khôi lớp xấu xí

Các sinh viên nữ công khai bỏ phiếu bầu chọn hoa khôi của lớp, Tiểu Mai là người có dung mạo bình thường nhưng cô đã đứng ra nói mọi người rằng: "Nếu như tôi được chọn, qua vài năm sau, các chị em ngồi ở đây có thể tự hào mà nói với chồng của mình rằng: "Hồi em học đại học, em còn xinh đẹp hơn cả hoa khôi trong lớp cơ đấy!". Kết quả là cô ấy đã được bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối.

Bài học: Để thuyết phục người khác ủng hộ bạn, điều quan trọng là bạn cần cho người ta biết được nhờ có bạn mà họ mới trở nên ưu tú hơn và có nhiều thành tựu hơn chứ không nhất định là phải chứng minh rằng bạn xuất sắc hơn người khác như thế nào.

Câu chuyện số 13: Ai mới là kẻ ngu?

Một ông thầy giáo mới dạy nhận ra rằng trong lớp có một cậu bé luôn luôn bị chửi là ngu. Trong giờ ra chơi ông hỏi nhóm bạn lý do.

- Thì nó là thằng ngu thật mà thầy. Nếu mà đưa cho nó đồng xu to 5 rúp và đồng xu nhỏ 10 rúp, thì nó sẽ chọn đồng 5 rúp, vì nó nghĩ đồng 5 rúp có kích thước to hơn thì là tốt hơn.

Đây, thầy nhìn nhé. Một bạn trong nhóm giơ 2 đồng xu và cho cậu kia chọn. Và cậu vẫn chọn đồng 5 rúp như trước.

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:

- Sao em lại chọn 5 rúp mà không chọn 10 rúp?

- Thầy nhìn này, đồng 5 rúp to hơn mà.

Tan trường, thầy đến chỗ cậu bé hỏi lại:

- Chẳng nhẽ em không thể hiểu được đồng 5 rúp chỉ to hơn về mặt kích thước, nhưng đồng 10 rúp thì em có thể mua được nhiều thứ hơn?

- Nếu em lấy 10 rúp thì lần sau bọn nó sẽ không cho em nữa... Cậu bé trả lời.

Bài học:

"Ngu mà tỏ ra nguy hiểm thì không có gì phải sợ, đáng sợ là người nguy hiểm mà tỏ ra ngu". Câu này rất đúng với câu chuyện ở trên. Chúng ta cần biết rằng, đừng nhìn bên ngoài xem thường người đối diện với bạn bởi không ai biết được ẩn sau vẻ ngoài đó là một con người như thế nào.

Ngoài những câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống ngắn ở trên, các bạn có thể đọc thêm những câu chuyện ý nghĩa về các chủ đề khác như tiền bạc, hạnh phúc, tình bạn...

Thưa quý vị, chương trình Podcast - Sách hay 360 của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Cần làm gì để có nước sạch sử dụng sau ngập lụt?

Cần làm gì để có nước sạch sử dụng sau ngập lụt?

Xin kính chào quý vị khán thính giả đã đến với chương trình Podcast của Báo Công Thương, với những bài viết, bài báo được chúng tôi tổng hợp, tìm hiểu và được thể hiện lại qua giọng đọc của BTV Thanh Thảo.

Thưa quý vị! Bài báo với nhan đề “Cần làm gì để có nước sạch sử dụng sau ngập lụt?” được đăng tải trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 21/9/2024 sẽ được chúng tôi chia sẻ trong mục Podcast - Thời sự của Báo Công Thương. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Chị Thanh Mai (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) hỏi: Sau ngập lụt, các nguồn nước đều bị ô nhiễm. Làm thế nào để người dân có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày?

Về vấn đề này, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Sau lũ lụt thường có nguy cơ xảy ra nhiều dịch bệnh do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Để có nước sạch sử dụng, người dân cần làm sạch giếng khoan, giếng đào, sau đó làm trong, khử trùng nước...

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Đối với làm sạch nước bằng phèn chua cần làm theo tỷ lệ: 1g phèn chua cho 20 lít nước. Hòa đều phèn chua với nước cần lọc, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước. Tốt nhất sử dụng vải cotton, thực hiện thao tác lọc nhiều lần cho đến khi nước trong. Sau đó tiến hành khử trùng bằng các hóa chất như Cloramin B hoặc đun sôi. Khử trùng nước bằng Cloramin B: Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong. Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hóa chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt nhưng vẫn phải đun sôi ở nhiệt độ cao thì mới dùng uống được.

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để bảo đảm hiệu quả lọc nước. Lưu ý nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch... để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Xử lý các giếng nước để ăn uống và sinh hoạt: Đối với giếng khơi, dù đã dùng ni lông hoặc nắp bịt miệng giếng, nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và ni lông chỉ ngăn rác, cặn vào giếng, chứ không ngăn được nước bẩn vào giếng. Với công đoạn làm trong nước, người dân có thể dùng phèn chua với liều lượng 50g/1m3 nước. Nếu nước đục nhiều, có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1m3 nước. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu múc nước hay xô nước, tưới đều dung dịch vào trong lòng giếng nước. Thả gàu múc nước chìm sâu xuống giếng, kéo mạnh gàu lên khoảng 10 lần rồi để yên tối thiểu 30 phút cho cặn lắng hết, sau đó tiếp tục tiến hành khử trùng. Với nước giếng khoan, người dân cần bơm hết nước đục và bơm tiếp tục khoảng 15 phút để loại bỏ nước có khả năng bị nhiễm bẩn. Vét sạch bùn trong giếng, chú ý làm vệ sinh sạch sẽ bơm nước và sàn giếng.

Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng và nước giếng trong thì vẫn phải khử khuẩn trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa, nếu không thì có thể tiến hành khử khuẩn ngay nước trong giếng để sử dụng. Đối với các giếng đã bị ngập lụt thì nhất thiết phải thau rửa và khử khuẩn mới được sử dụng.

Thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

    Trước         Sau    
Mobile VerionPhiên bản di động