Vụ việc Quang Linh Vlogs là hồi chuông cảnh tỉnh nghệ sĩ Bộ Công an: Xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật Loạn quảng cáo lố của loạt trang ‘lang y online’ Nguyễn Bá Nho |
Sáng 10/5 tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Phải buộc người nổi tiếng chịu trách nhiệm khi quảng cáo sai
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng trở thành kênh truyền thông chủ lực, những người nổi tiếng, người làm nội dung số (YouTuber, TikToker, Facebooker, KOL...) có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội. Họ không chỉ là người dẫn dắt xu hướng tiêu dùng mà còn là nhân tố chính trong các chiến dịch tiếp thị, quảng cáo.
![]() |
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc góp ý tại nghị trường |
“Với khả năng định hướng dư luận và tạo dựng niềm tin nhờ sự gần gũi và quan điểm cá nhân, các nội dung do họ truyền tải dù tích cực hay sai lệch, đều tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng, thậm chí sức khỏe và tính mạng người dân”- Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.
Theo đại biểu, thực tế, tình trạng quảng cáo sai sự thật, đặc biệt với thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu và cả xa xỉ phẩm... đã nhiều lần được đặt ra tại các phiên chất vấn của Quốc hội khóa XV. Điều này cho thấy đây là vấn đề nhức nhối, kéo dài và đang ảnh hưởng tiêu cực tới an toàn cộng đồng.
Vị nữ đại biểu đề nghị: Trong Luật sửa đổi lần này, cần siết chặt trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, đơn vị dịch vụ quảng cáo và đặc biệt là những người có ảnh hưởng truyền tải nội dung quảng cáo.
Phải tăng cường chế tài xử phạt nghiêm khắc, xử lý mạnh tay với hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là những hành vi dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân.
![]() |
Sáng 10/5 Quốc hội thảo luận tại hội trường |
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, tăng mức phạt để đủ sức răn đe. Đồng thời, rà soát bổ sung các quy định về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý với người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo. Những người nổi tiếng, đặc biệt khi thuộc cơ quan, tổ chức, phải chịu sự quản lý rõ ràng, có quy chế riêng, chế tài cụ thể khi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quảng cáo trong việc giám sát, kiểm soát nội dung quảng bá. Việc quảng cáo trên mạng xã hội và quảng cáo xuyên biên giới tuy là xu thế tất yếu, nhưng không thể nằm ngoài pháp luật. Cần bổ sung quy định buộc các nền tảng, tổ chức và cá nhân tham gia phải chịu trách nhiệm gỡ bỏ, ngăn chặn nội dung vi phạm.
Riêng với các sản phẩm, hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng như thuốc, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm..., phải có danh mục quản lý riêng do Chính phủ quy định cụ thể. Không thể để các “kẽ hở” pháp lý bị lợi dụng để thao túng thị trường và đánh lừa người tiêu dùng. Phải siết lại toàn bộ quy trình quảng cáo – từ nội dung, phương thức thực hiện, cho đến chế tài xử phạt – để đảm bảo an toàn xã hội và bảo vệ cộng đồng một cách thực chất.
Đề nghị bỏ nội dung làm “vùng trắng” quản lý ghi nhãn hàng hóa
Trong khi đó Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn Thái Bình khẳng định, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được tiếp thu khá toàn diện sau kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, cần bổ sung nhiều nội dung thiết yếu nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, đặc biệt trong bối cảnh quảng cáo trên mạng xã hội và truyền thông số ngày càng phổ biến.
![]() |
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn Thái Bình |
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định kiểm soát quảng cáo trên tất cả các nền tảng truyền hình trực tuyến, trang tin điện tử.
Các đơn vị đăng tải quảng cáo cần chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung thay vì hoàn toàn dựa vào hệ thống quảng cáo tự động.
Đặc biệt, phải có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, từ phía các trang thông tin cho đến các nhân vật có sức ảnh hưởng, bao gồm: Nghệ sĩ, KOL, người nổi tiếng… khi họ tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, một số sản phẩm như sữa giả, thực phẩm chức năng giả được phát hiện có đầy đủ giấy tờ kiểm định nhưng vẫn là hàng kém chất lượng.
Đại biểu đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm của người quảng cáo ở đâu? Liệu việc yêu cầu ca sĩ, diễn viên kiểm tra toàn bộ hồ sơ sản phẩm có khả thi không? Việc buộc người nổi tiếng phải thông báo trước khi quảng cáo. Ví dụ “đăng lên Facebook mời bà con theo dõi tôi chuẩn bị PR cho thương hiệu X” là điều rất hình thức và không phù hợp với thực tiễn. Tôi đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng linh hoạt và thực tế hơn.
Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị về trách nhiệm pháp lý, cần làm rõ cơ chế liên đới bồi thường của người quảng cáo – nhất là người nổi tiếng – khi xảy ra vi phạm. Nếu người chuyển tải đã thực hiện thẩm định hợp lý thì trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nghệ sĩ cố tình tiếp tay cho sản phẩm gian dối thì không thể “vô can”. |