
Năm 2025, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) tiếp tục khẳng định là một trong những đặc sản miền núi hàng đầu của Việt Nam. Không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước, sản phẩm còn chinh phục nhiều thị trường quốc tế khó tính. Với sản lượng dự kiến đạt khoảng 165.000 tấn, địa phương này đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. |

Khi những đợt nắng đầu hạ bắt đầu lan tỏa khắp miền Bắc, cũng là lúc vùng đất Lục Ngạn - huyện miền núi trù phú của tỉnh Bắc Giang bừng tỉnh trong sắc xanh ửng hồng của những chùm vải trĩu nặng chờ ngày chín đỏ. Là nơi sinh sống của hàng chục ngàn hộ dân, trong đó có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa, Cao Lan… Lục Ngạn bước vào mùa thu hoạch với khí thế của một lễ hội mùa màng lớn nhất trong năm. Lục Ngạn - Bắc Giang là thủ phủ vải thiều của cả nước. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang, năm 2025, diện tích vải thiều toàn tỉnh được duy trì ổn định ở mức 29.700 ha, bao gồm 8.000 ha vải sớm và 21.700 ha vải chính vụ. Thời gian thu hoạch vải sớm sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 15/6, trong khi vải chính vụ bắt đầu từ 10/6 và kéo dài đến 20/7/2025. Sản lượng năm 2025 dự kiến đạt 165.000 tấn, trong đó, diện tích vải sớm 8 nghìn ha, chiếm 27%, sản lượng hơn 60,6 nghìn tấn; vải chính vụ 21,7 nghìn ha, chiếm 73%, sản lượng hơn 104,3 nghìn tấn. |
![]() |
Hiện tại, tỉnh có 16.000 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, 204 ha đạt GlobalGAP và 10 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Giá trị sản xuất vải thiều năm 2025 được kỳ vọng đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ vải thiều ra hoa, đậu quả đạt cao, dự kiến được mùa, thời gian thu hoạch vải chín sớm bắt đầu vào khoảng từ sau ngày 20/5/2025. Tuy nhiên do đặc thù năm nay ít mưa, vải thiều có nguy cơ gặp hạn hán. Theo lãnh đạo xã Phúc Hòa (Tân Yên), những năm trước thường có nhiều đợt mưa xuân nên ở giai đoạn đậu quả non, cánh hoa tàn đều rơi xuống đất song năm nay do ít mưa nên phần lớn cánh hoa đọng lại trên cây, nguy cơ gây nấm bệnh. Bất chấp khắc nghiệt thời tiết, vải thiều Bắc Giang vẫn cho chất lượng tốt. Tại Hội nghị kết nối, thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều năm 2025 diễn ra ngày 23/4, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Chất lượng vải thiều Bắc Giang năm nay cao hơn năm trước và có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay". |
![]() |
"Hiện tại, tỉnh có 16.000 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, 204 ha đạt GlobalGAP và 10 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. |

Năm 2025, huyện Lục Ngạn dự kiến xuất khẩu khoảng 43.300 tấn vải thiều, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn (85 - 90%). Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Lục Ngạn đã chủ động tiếp cận và duy trì các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU và Mỹ. Sản phẩm vải thiều tươi và sấy khô được xuất khẩu thông qua cả đường chính ngạch lẫn các đối tác logistics lớn. UBND huyện đã làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Theo đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có hơn 400 mã số vùng trồng đã được cấp cho mục đích xuất khẩu, cùng hơn 300 cơ sở sơ chế và đóng gói đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quốc tế. Về thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Bắc Giang nhiều nhiều năm nay. Trung Quốc chiếm hơn 90% lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh trong năm 2024. |
![]() |
Trong vụ mùa năm 2025, bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, Bắc Giang chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan và Canada. Sản phẩm xuất khẩu bao gồm cả vải tươi và vải chế biến, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị gia tăng. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đang tích cực đổi mới phương thức tiêu thụ vải thiều bằng cách kết hợp giữa hình thức bán hàng truyền thống và thương mại điện tử. Sản phẩm vải thiều đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, đồng thời được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo và YouTube. Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ đầu mối cũng được khuyến khích mở rộng mạng lưới thu mua và ưu tiên phân phối vải thiều, nhằm đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm tươi ngon nhất. Mới đây, lãnh đạo Bắc Giang cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Central Retail nhằm tăng cường hợp tác tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang năm 2025 và những năm tiếp theo. Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail đánh giá vải thiều của Bắc Giang là sản phẩm nông sản tiềm năng, có giá trị cao tại thị trường trong nước. Trái vải thiều của Bắc Giang được thu hoạch vào dịp người dân Việt Nam có nhiều lễ, tết gắn với văn hóa truyền thống của cả nước nên ngoài nhu cầu thưởng thức thường ngày, người dân trong nước mua hoa quả, trái cây phục vụ lễ truyền thống tại các hệ thống siêu thị rất lớn. |
![]() |
Đối với thị trường nước ngoài, trái vải thiều Bắc Giang được đánh giá cao. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này muốn trái vải lấn sâu hơn vào thị trường quốc tế, tỉnh Bắc Giang cần tập trung hơn nữa trong việc cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao kỹ thuật bảo quản sản phẩm… Tập đoàn Central Retail mong muốn tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đồng thời mong được hợp tác và phát triển nhiều hơn nữa trong tiêu thụ vải thiều và nông sản khác của tỉnh. Tập đoàn cam kết sẽ đồng hành cùng với tỉnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều, nông sản và một số sản phẩm OCOP khác. Ngày 23/4, tại Hội nghị kết nối, thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2025 đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ và hợp đồng giữa các đơn vị sản xuất, cung ứng dịch vụ và phân phối. Tại hội nghị, các đơn vị như Hợp tác xã Hồng Xuân, Viettel Post, Công ty vận tải đường sắt RATRACO, sàn thương mại điện tử Nongsan.buudien.vn và Tập đoàn MM Mega Market thảo luận để làm rõ các khâu sản xuất, logistics, phân phối vải thiều năm 2025. Hợp tác xã Hồng Xuân chia sẻ thành tựu đạt chứng nhận GlobalGAP và khó khăn về hạ tầng, hạn hán. MM Mega Market cam kết tiêu thụ 2.000 tấn vải, trong đó 60 tấn xuất khẩu, qua chương trình khuyến mãi tháng 5-6. Tại đây, các đơn vị đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiểu như; các Hợp tác xã (Thanh Hải, Phì Điền, Lục Ngạn Xanh, Hồng Xuân) ký kết với Viettel Post, Central Retail, MM Mega Market, sàn thương mại điện tử Nongsan.buudien.vn và RATRACO, bảo đảm cung ứng vải thiều cho siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử, và thị trường xuất khẩu. |

Ở thị trường trong nước, Lục Ngạn dự kiến tiêu thụ hơn 35.000 tấn vải thông qua các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối và đại lý lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng... Các doanh nghiệp phân phối như WinMart, Co.opmart, Bách Hóa Xanh, AEON Việt Nam đã ký hợp đồng thu mua từ đầu vụ, góp phần ổn định giá và giảm áp lực mùa thu hoạch. |
![]() |
Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn năm nay tiếp tục tạo dấu ấn trên các sàn thương mại điện tử. Dự kiến khoảng 7.000 tấn vải được tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử. Các sản phẩm được đóng gói đẹp, vận chuyển nhanh trong 24 - 48 giờ đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc nhằm giữ được chất lượng tốt nhất. Để tránh tình trạng "được mùa mất giá", huyện đã chú trọng đẩy mạnh chế biến sâu và đầu tư công nghệ bảo quản. Năm 2025, khoảng 9.500 tấn vải thiều được chế biến sấy khô, sấy dẻo, làm nước ép, mứt, đóng hộp... Các cơ sở chế biến như Hợp tác xã Phúc Hòa, Công ty TNHH Thương mại Toàn Cầu, HTX Dũng Lạc… đã chuẩn bị sẵn dây chuyền và kho lạnh với tổng công suất lên tới 5.000 tấn/ngày. Nhằm chủ động cho khâu tiêu thụ, ngay từ đầu vụ, Bắc Giang đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại cả trong nước và quốc tế như: Quảng Tây (Trung Quốc), Lào, Nhật Bản, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Đồng thời, huyện Lục Ngạn cũng phát động chương trình "Lục Ngạn mùa vải chín" gắn với quảng bá du lịch, trải nghiệm nông nghiệp sinh thái và các sản phẩm đặc sản địa phương. |
![]() |
Các doanh nghiệp logistics như Viettel Post, Vietnam Post, Lazada Logistics và GrabExpress cũng đã ký cam kết hỗ trợ vận chuyển nhanh, giá ưu đãi và bảo đảm chất lượng trong quá trình giao hàng. Trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ xây dựng hệ thống logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, đồng thời phát triển các chợ nông sản đầu mối. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các trung tâm logistics tại địa phương. Ngoài ra, Bắc Giang sẽ tham gia hội chợ trái cây tại Mỹ Tho (Cần Thơ) vào tháng 5/2025 để quảng bá vải thiều cùng các nông sản và nét văn hóa đặc sắc đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Không chỉ là nông sản, vải thiều Lục Ngạn đang được xây dựng như một sản phẩm du lịch. Huyện tổ chức các tour trải nghiệm thu hái vải, thăm vườn vải cổ, thưởng thức các món ăn địa phương. Bà Nguyễn Thị Uyên, Phó Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng xã Thanh Hải cho biết: "Để đón khách, HTX chúng tôi đã tập trung nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở tham quan như thác Bờ, đồi chè... Chúng tôi cũng đang hoàn thiện các tour, tuyến du lịch kết hợp trải nghiệm hái vải, tham quan làng nghề, khám phá các điểm du lịch sinh thái. Sau khi tham quan, trải nghiệm vườn vải tại xã Thanh Hải, du khách sẽ di chuyển bằng thuyền ra đảo nổi trên hồ Cấm Sơn để ăn nghỉ tại đây với các món ăn dân dã". Đối với phát triển kinh tế gắn với trái vải thiều, huyện Lục Ngạn xác định mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung chất lượng. Việc cấp mã vùng trồng, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đào tạo nông dân về thị trường và kỹ thuật canh tác là những nền tảng cần thiết để vải thiều Lục Ngạn giữ vững thương hiệu trong tương lai. Ông La Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn vải thiều chỉ là câu chuyện ‘mùa vụ’, mà phải là sản phẩm mang tính biểu tượng, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Muốn vậy, phải chuyên nghiệp từ người trồng, người bán đến người quản lý.” Vải thiều Lục Ngạn 2025 không chỉ là câu chuyện về nông sản, mà còn là minh chứng cho cách làm nông nghiệp hiện đại, năng động và hội nhập. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự chủ động của doanh nghiệp và nông dân, cùng hệ thống logistics và truyền thông đồng hành, vụ vải năm nay mở ra kỳ vọng lớn sẽ là một vụ vải bội thu. |
Phương Lan Đồ họa: Ngọc Lan |