Ai sẽ hưởng lợi khi cổ xuý trào lưu xuyên tạc ‘điện mặt trời 0 đồng’?
Mấy ngày nay, dư luận bàn tán rất sôi nổi về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Sự việc thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, không chỉ bởi các chính sách liên quan tới điện sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi sát sườn của người dân, doanh nghiệp, mà còn bởi những mẩu tin chỉ vài dòng được cắt ghép một cách có chủ đích nhằm câu like, câu view, kích thích sự tò mò của người đọc.
Những mẩu tin kiểu “mua điện với giá 0 đồng để ngăn chặn… trục lợi”, “Bộ Công Thương đòi mua điện của người dân với giá 0 đồng rồi bán lại thu lợi”…
Điện mặt trời phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết và thiếu ổn định. |
Câu “mua điện với giá 0 đồng” nghe rất không phù hợp với quy luật thị trường. Ban đầu, tôi cũng cảm thấy như vậy, nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, nghe những chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước phân tích, tôi thấy mình thật sai lầm bởi sự thiếu hiểu biết này.
Mọi việc, thực sự không như ban đầu tôi nghĩ!
Để giải thích cặn kẽ công tác quản lý điện dưới góc độ kỹ thuật và các quy định, cũng như điểm mới tại dự thảo nghị định nói trên cần hiểu một cách có hệ thống.
Thế nên, để dễ hình dung hơn, chúng ta hãy tưởng tượng hệ thống mạch điện như một mạng lưới đường giao thông, để vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ.
Nhưng có một sự khác biệt là hàng hoá ở đây là điện - một loại hàng hoá đặc biệt có tính chất đặc thù, là mặt hàng kinh doanh có điều kiện không giống với các hàng hoá thông thường khác như rau, củ, quả, thịt, cá có thể dễ dàng bảo quản, cấp đông, khi cần sẽ lấy ra sử dụng.
Theo phân cấp công trình giao thông, chúng ta có đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, đường liên xã, đường trong đô thị… Mỗi một công trình giao thông sẽ có thiết kế khác nhau, tiêu chí khác nhau. Và, mạng lưới truyền tải điện của chúng ta cũng gần giống như vậy.
Hằng ngày, hằng giờ, 24/7, điện sẽ được truyền tải ổn định từ các nhà máy điện đến khách hàng sử dụng điện năng để vận hành các thiết bị máy móc phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguồn phát điện này chủ yếu từ điện than, điện khí, thuỷ điện chúng ta có thể điều tiết được sản lượng. Chẳng hạn như thuỷ điện, khi muốn tăng công suất phát, thì mở thêm van xả nước, khi muốn giảm huy động thì đóng bớt lại.
Trong khi điện mặt trời phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết. Trời nắng càng to, sản lượng điện sản xuất ra càng nhiều, trời râm mát thì sản lượng điện sụt giảm.
Và hiện nay, chúng ta chưa có/chưa đầu tư hệ thống lưu trữ điện mặt trời để có thể tích trữ được lượng điện dư thừa, bảo đảm khi sản lượng điện sụt giảm sẽ lấy điện tích trữ ra sử dụng.
Thế nên, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trong dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến đều xác định rõ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu; tức ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu, trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.
Bởi đây là nguồn điện thiếu ổn định, nếu người dân đầu tư tràn lan, cứ dư là phát lên lưới bán cho nhà nước, khi thiếu lại lấy điện lưới sử dụng sẽ mất đi tính ổn định và nguy cơ “rã lưới”, gây mất an toàn hệ thống điện quốc gia, ảnh hưởng tới hoạt động của chính người dân và doanh nghiệp.
Bởi vậy, chính sách đưa ra đã rất đúng đắn khi khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái để bảo đảm sử dụng và không đấu nối lên lưới; trường hợp đấu nối lên lưới cần giới hạn. Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao Bộ Công Thương lại chỉ ghi nhận sản lượng điện dư thừa đưa lên lưới với giá 0 đồng, hay nói một cách dân dã có yếu tố thị trường là “mua điện với giá 0 đồng”.
Còn vấn đề ngăn chặn trục lợi chính sách, phải nhắc tới những ưu đãi rất lớn khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo dự thảo nghị định, khi phát triển loại hình này, tổ chức nhận được rất nhiều ưu đãi, như: Miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; ưu tiên giải quyết các hồ sơ, thủ tục…
Trong khi, nếu phát triển điện mặt trời mái nhà không phải tự sản, tự tiêu mà kinh doanh, mua bán thì phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Xây dựng… và một số quy định pháp luật chuyên ngành khác.
Vì vậy, nếu không có giải pháp sẽ dẫn tới tình trạng phát triển điện mặt trời một cách ồ ạt, phá vỡ quy hoạch. Và người trục lợi chính sách ở đây rất có thể không phải người dân lắp đặt thiết bị điện mặt trời để thừa thì cấp lên lưới, mà là những nhà sản xuất, kinh doanh, cung cấp các sản phẩm thiết bị điện mặt trời sẽ có thêm thị trường khổng lồ với hàng triệu khách hàng.
Chưa biết chừng, họ lại chính là “tác giả” đứng sau những dòng tin được cắt cúp, thiếu chính xác, xuyên tạc bản chất một chủ trương đúng đắn, một chính sách hướng tới những giá trị tốt đẹp, bền vững, vì lợi ích chung của toàn xã hội.