Thứ bảy 19/04/2025 17:34

Thắp lửa văn hóa đọc ở nông thôn, gieo mầm tri thức

Ở nông thôn, những tủ sách nhỏ đang mở ra thế giới diệu kỳ cho trẻ em, văn hóa đọc dần bén rễ, nuôi dưỡng ước mơ và gieo mầm tri thức từ trang sách đầu đời.

Không ồn ào như những dự án lớn, không rầm rộ như các chiến dịch truyền thông, hành trình khơi dậy văn hóa đọc ở nông thôn đang lặng lẽ nhưng bền bỉ diễn ra. Từng tủ sách nhỏ, từng buổi đọc truyện cho trẻ em, từng buổi sinh hoạt câu lạc bộ sách… đang thắp lên những ngọn lửa tri thức nơi làng quê.

Đưa "sách về làng"

Trường Tiểu học xã Uar (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) hiện có 611 học sinh, trong đó 76% là học sinh dân tộc thiểu số. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khoảng 30% học sinh thiếu sách giáo khoa vào đầu năm học mới, trong đó đặc biệt là các sách bộ môn.

Thấu hiểu được những khó khăn đó, Huyện Đoàn Krông Pa đã phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình "Sách về làng”. Đây là lần thứ 2 chương trình này đến với vùng khó Krông Pa được triển khai tại Trường Tiểu học xã Đất Bằng năm 2023.

Các em học sinh tham gia đọc sách tại chương trình "Sách về làng"

Đoàn đã trao tặng Trường Tiểu học xã Uar 10 kệ sách với 10.000 đầu sách; trong đó 60% là sách giáo khoa với 400 bộ sách từ lớp 1 tới lớp 5 và 40% là sách truyện tranh, sách khám phá thiên nhiên, môi trường, rèn luyện kỹ năng sống…

Háo hức nhìn từng thùng sách mới tinh được vận chuyển, sắp xếp gọn gàng trên kệ sách trong thư viện và tủ sách tại lớp học, em Ksor Lênin (học sinh lớp 4A) cho biết: “Lần đầu tiên em thấy thư viện có nhiều sách truyện đẹp và hay đến thế. Những quyển sách này rất phù hợp với lứa tuổi chúng em. Những buổi học tới đây, em sẽ tranh thủ đến trường sớm hơn để đọc sách và đọc cả trong giờ ra chơi. Chúng em sẽ giữ gìn sách thật cẩn thận để nhiều bạn cùng được đọc”.

Văn hoá đọc đang dần được hình thành trong các trường học vùng nông thôn

Anh Nguyễn Đức Tâm - Bí thư Huyện Đoàn Krông Pa - cho biết: "Phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi vùng khó là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng. Mặc dù mới được tổ chức mùa thứ 2 nhưng chương trình “Sách về làng” đã mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ hỗ trợ các em học sinh vùng khó có thêm điều kiện đến trường mà còn lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng".

Gieo mầm tri thức bền vững

Vừa qua, nhiều trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tổ chức Chương trình giao lưu “Đọc sách trong nhà trường” nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách cho học sinh, tạo môi trường lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu, học tập và phát triển ngôn ngữ.

Tham gia chương trình tại sân trường, các em học sinh và giáo viên Trường THCS Nguyễn Khuyến (huyện Chư Sê) rất thích thú, say mê và hào hứng với những quyển sách do diễn giả Nguyễn Quốc Vương và các nhà tài trợ đem tới.

Các em chăm chú đọc sách tại thư viện trường

Em Nguyễn Thanh Thủy, học sinh Trường THCS Nguyễn Khuyến (huyện Chư Sê) hồ hởi: “Em rất thích đọc sách vì sách có rất nhiều kiến thức hay, bổ ích. Việc đọc sách giúp em rèn luyện kỹ năng đọc tốt hơn, thông qua những kiến thức có trong sách giúp em có thể biết thêm được nhiều nền văn hóa khác nhau trong đất nước cũng như trên thế giới”.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Giám đốc Thư viện tỉnh Gia Lai - chia sẻ: "Từng trang sách được mở ra, từng thói quen đọc hình thành - đó là những bước đi tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trên hành trình xây dựng xã hội học tập ở nông thôn. Giữa những đổi thay nhanh chóng của thời đại, văn hóa đọc vẫn là nền tảng vững chắc, là cội nguồn để tri thức bén rễ, nảy mầm và lan tỏa".

Với thông điệp “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 4/2025 đang diễn ra đến hết ngày 2/5.

Buổi đọc sách của các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (huyện Đức Cơ)

Nằm trong chuỗi hoạt động có các sự kiện như: Quyên góp sách tặng cho các trường học khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách với các nội dung, chủ đề, lĩnh vực phù hợp với mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân tại địa phương.

Sự kiện được diễn ra với mục đích tuyên truyền về vai trò, vị trí của sách đối với đời sống xã hội, tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong phong trào đọc sách, quảng bá sách, lưu giữ sách đến với cộng đồng. Cùng với đó là khuyến khích thành lập các câu lạc bộ về sách, nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách cơ quan, trường học, tủ sách cộng đồng; đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng.

Tại cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” tỉnh Gia Lai năm 2024, từ 21.129 bài dự thi của 161 trường học trên địa bàn tỉnh, Ban tổ chức đã trao giải cho 5 tập thể và 53 cá nhân xuất sắc đạt giải.

Trong đó, giải thưởng dành cho trường có nhiều thí sinh tham gia nhất thuộc về các trường ở TP. Pleiku gồm: Tiểu học Lê Quý Đôn, THCS Phạm Hồng Thái và THPT Pleiku.

Giải trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất thuộc về Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Ia Grai) và Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku).

Bài và ảnh: Hiền Mai
Bài viết cùng chủ đề: Nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục

Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới

Gia Lai tăng giá trị cho cà phê đặc sản

Gia Lai phát triển chợ vùng sâu, mở lối sinh kế bền vững

Từ chợ bản đến chuỗi siêu thị: Hành trình vươn xa của sản phẩm vùng dân tộc Bắc Giang

Hàng hóa của bà con đồng bào dân tộc ‘đắt khách’ tại Hội chợ VITM Hà Nội

Đào tiên Ngân Sơn: Trái ngọt đổi thay vùng đất khó

Nhiều phần quà ý nghĩa đến với bà con đồng bào thiểu số tỉnh Thanh Hóa

Chân dung cô gái 9X giúp bà con vùng cao đổi đời

Lễ hội Chrôi Rum Chếk tỉnh Sóc Trăng diễn ra khi nào?

Nông sản Mộc Châu đắt khách nhờ sức hút du lịch

Chung tay tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng dân tộc

Người Jrai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng ở Gia Lai

'Tiếp sức' cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hà Nội: Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 có gì đặc sắc?

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống