Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh: Hiện thực hóa Nghị quyết 11 bằng hành động cụ thể
Ánh sáng từ Nghị quyết
Giữa trập trùng núi rừng Phương Tiến (Vị Xuyên, Hà Giang), bản Xà Phìn hiện ra như một khúc hát dịu dàng của đất trời cực Bắc. Một vùng đất mà nơi đó, từng mái nhà, từng rặng núi, từng con suối đều mang vẻ đẹp nguyên sơ, bình yên mà sâu thẳm. Nhưng ít ai biết, để có được bình yên ấy, là hành trình thầm lặng của cả một chính sách lớn đã “chạm” đến từng nếp nhà, từng nhịp sống của người dân nơi đây.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là một dấu mốc quan trọng. Lần đầu tiên, vùng đất địa đầu Tổ quốc cùng 13 tỉnh trong khu vực được đặt trong tầm nhìn chiến lược tổng thể, với các mục tiêu rõ ràng: khai thác tiềm năng kinh tế bản địa, bảo tồn văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Ảnh: Thanh Thảo |
Chia sẻ với Báo Công Thương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh cho biết: “Nghị quyết 11 là kim chỉ nam quan trọng, đã chỉ ra rất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội đặc thù, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới. Trong đó, tỉnh Hà Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số và là vùng biên giới, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, địa hình chia cắt. Nhưng từ những yếu tố đó đã tạo ra những giá trị riêng có, những lợi thế so sánh: phát triển những sản phẩm nông, lâm nghiệp, kinh tế biên mậu. Đó là những nét đặc thù giúp Hà Giang định hình chiến lược phát triển dựa trên thế mạnh riêng có của từng địa phương, từng dân tộc. Từ đó, chúng tôi chủ động triển khai các chính sách theo hướng khai thác cái riêng để tạo nên giá trị chung”.
Một người dân bản Xà Phìn đang trong công đoạn làm chè Shan tuyết. Ảnh: Thanh Thảo |
Xà Phìn - nơi giấc mơ xanh đâm chồi từ những gốc chè cổ thụ
Ở bản Xà Phìn, những gốc chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi nằm nép mình bên những ngôi nhà người Dao cổ kính. Mùi chè non thơm ngọt hoà trong sương sớm, len lỏi qua từng nếp áo, từng phiên chợ. Cũng chính nơi đây, ánh sáng từ Nghị quyết 11 đã được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể: hỗ trợ phát triển HTX chè bản địa, chuyển giao kỹ thuật canh tác sạch, đào tạo kỹ năng kinh doanh, thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
“Ngày trước, chè chủ yếu mang bán ở chợ phiên. Giờ đây, chúng tôi có bao bì đẹp, có mã QR, có sàn thương mại điện tử để bán hàng, được đào tạo để biết giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội… Kinh tế gia đình đã thay đổi hơn trước nhiều lắm rồi” - bà Đặng Thị Bé (dân tộc Dao), người dân bản Xà Phìn chia sẻ.
Bà Đặng Thị Bé, dân tộc Dao, người dân bản Xà Phìn - xã Phương Tiến, Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Thanh Thảo |
Theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh, từ khi Nghị quyết 11 đi vào cuộc sống, Hà Giang không chỉ dừng lại ở danh mục sản phẩm OCOP mà còn thúc đẩy chuỗi giá trị.
“Chúng tôi hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, phát triển HTX, liên kết doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Mỗi sản phẩm của Hà Giang như chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, cam sành Bắc Quang, dệt lanh Lùng Tám… đều là tinh hoa bản địa và cũng là con đường để người dân vùng cao vươn tới cuộc sống no ấm, tự chủ và bền vững” - Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh cho hay.
Từ chính sách đến trái tim
Không chỉ ở Xà Phìn, mà từ những sườn núi sương giăng của Hoàng Su Phì đến dải đá tai mèo Đồng Văn, Hà Giang đang từng ngày chuyển mình. Những bản làng xưa kia quanh năm mây phủ, giờ đã sáng đèn điện, có mạng Internet, trẻ em đến trường học chữ, người lớn học thương mại điện tử, đưa sản phẩm quê nhà vào hệ sinh thái kinh tế hiện đại.
“Về góc độ quản lý nhà nước và thiết kế chính sách, trước hết là góc độ quản lý nhà nước, vừa qua đã thiết kế lại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành Sở Nông nghiệp và Môi trường. Đây là một mô hình mới thực hiện từ Nghị quyết 18, cũng tích hợp được cả hai lĩnh vực sản xuất và đất đai, thì rào cản về mặt thủ tục hành chính và công tác phối hợp sẽ nhẹ nhàng hơn", Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh chia sẻ.
Những búp chè mang đến sinh kế và sự phát triển cho người dân Hà Giang. Ảnh: Thanh Thảo |
Đồng thời ông cũng nhấn mạnh: "Về mặt quy hoạch, ngành nông nghiệp sẽ chủ trì phối hợp với các địa phương để quy hoạch lại vùng, tạo ra các sản phẩm OCOP của người dân. Trên cơ sở đó đề xuất các chính sách và Tỉnh ủy sẽ cho ý kiến trình HĐND ban hành các chính sách để bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, xây dựng các mô hình cho bà con nhân dân.
Tôi nghĩ rằng với các giải pháp như vậy sẽ căn cơ và đầy đủ hơn. Về vấn đề này đã được tổng kết và đánh giá, tới đây sẽ đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ triển khai cụ thể thành các Nghị quyết chuyên đề, các kế hoạch cụ thể, để triển khai theo từng năm có mục tiêu rõ ràng. Đấy là các giải pháp hiện nay mà tỉnh Hà Giang đang tập trung triển khai” - Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh chia sẻ.
Điều đáng quý hơn cả, là chính sách không dừng lại ở văn bản hay hội trường mà đã chạm đến trái tim, đến từng gia đình mỗi người dân bản để thắp lên niềm tin. Người dân vùng cao không còn là người thụ hưởng một cách thụ động mà đã trở thành chủ thể kiến tạo phát triển.
Một ngôi nhà mái phủ rêu xanh - hình ảnh biểu trưng của bản Xà Phìn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Thanh Thảo |
Xà Phìn chỉ là một trong những câu chuyện về sự thay đổi đã và đang trên đà phát triển của một bản nhỏ giữa đại ngàn Hà Giang. Và cũng như những nơi khác - nơi đây đang từng ngày chuyển mình bằng tình yêu đất, yêu nghề, và tình yêu Tổ quốc thấm trong từng nhịp thở.
Đúng vậy, ở một nơi tưởng chừng như xa xôi của Tổ quốc, ánh sáng của mỗi Nghị quyết đúng đắn sẽ lại thắp sáng lên một niềm tin giản dị: Mỗi búp chè, mỗi hạt gạo, mỗi tấm vải lanh, hay mỗi người dân vùng cao, đều có thể chạm tới một tương lai tươi sáng, vững bền.