Quảng cáo sản phẩm ISUNA sai sự thật, lừa dối người dùng?
Nhiều chiêu trò quảng cáo sai sự thật về sản phẩm ISUNA
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, thời gian gần đây, trên website baovisuckhoe.online/insuna, sản phẩm thực phẩm ISUNA đang được quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Sản phẩm này được Công ty TNHH thương mại và xây lắp Meiko (địa chỉ số 91 Linh Lang, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) công bố, đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
Sản phẩm ISUNA đang được quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật trên website baovisuckhoe.online/insuna. Ảnh chụp màn hình |
Trên website baovisuckhoe.online/insuna, sản phẩm ISUNA đang được quảng cáo có công dụng: "phục hồi tuyến tụy tiết insulin, chặn đứng nguy cơ đột quỵ và tai biến, sau 1 lộ trình" hay "đạt hiệu quả vượt trội hơn trong điều trị bệnh tiểu đường".
Những quảng cáo này rất dễ khiến người dùng lầm tưởng rằng ISUNA là một sản phẩm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và không có tác dụng "chặn đứng nguy cơ đột quỵ" hay "điều trị bệnh tiểu đường" như quảng cáo.
Không chỉ dừng lại ở việc dùng các từ ngữ gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh, trên website baovisuckhoe.online/insuna còn đăng tải hàng loạt hình ảnh, phản hồi của những người được cho là đã sử dụng sản phẩm ISUNA. Tuy nhiên, thông tin về việc những người này có sử dụng sản phẩm ISUNA thật hay không vẫn chưa được kiểm chứng.
Dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhưng sản phẩm ISUNA lại được quảng cáo có công dụng "điều trị tiểu đường", gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh. Ảnh chụp màn hình |
Để tăng lòng tin từ người tiêu dùng, website baovisuckhoe.online/insuna còn đăng tải một loại giấy tờ có tên "Giấy chứng nhận của Bộ Y tế Việt Nam" cho sản phẩm ISUNA. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, đây thực chất chỉ là giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm ISUNA do Cục An toàn thực phẩm cấp.
Việc nói rằng giấy tờ này là "chứng nhận của Bộ Y tế Việt Nam" là sai sự thật. Bởi trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, Bộ Y tế Việt Nam không cấp chứng nhận cho bất kỳ sản phẩm bảo vệ sức khoẻ nào.
Sản phẩm ISUNA quảng cáo được Bộ Y tế "chứng nhận". Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật. Ảnh chụp màn hình |
Từng bị cảnh báo vẫn "ngựa quen đường cũ"
Được biết, vào hồi tháng 4/2024, sản phẩm ISUNA đã từng bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo vì những thông tin quảng cáo sai sự thật về sản phẩm này trên các nền tảng internet.
Cụ thể, theo Cục An toàn thực phẩm, Cục này đã phát hiện, tại các đường link: https://webchinhhang.vn/san-pham/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna-nhat-ban-120-vien/;https://droppii.xyz/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna/;https://www.pharmacity.vn/fujina-insuna-vien-tieu-duong-hop-120v.html thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Nội dung quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna do Công ty TNHH thương mại và xây lắp Meiko (địa chỉ số 91 Linh Lang, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) công bố, đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm, đại diện Công ty TNHH thương mại và xây lắp Meiko khẳng định, Công ty không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna tại các đường link nêu trên.
Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Có thể thấy, dù đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, nhưng tình trạng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm ISUNA vẫn diễn ra trên các nền tảng internet, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Địa chỉ được quảng cáo có bán sản phẩm ISUNA (số 91 Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh chụp màn hình |
Người dùng cẩn thận "tiền mất, tật mang"
Có thể thấy, dù chỉ là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (thực phẩm chức năng) nhưng sản phẩm ISUNA đã được “thổi phồng” công dụng, chất lượng so với thực tế, dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm này với các loại thuốc chữa bệnh. Thậm chí, bằng nhiều chiêu trò quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng rất dễ mắc bẫy khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm này.
Trong khi đó, theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Đối với những thông tin về việc sản phẩm ISUNA quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty Công ty TNHH thương mại và xây lắp Meik có chịu trách nhiệm? Vì sao các sản phẩm ISUNA lại được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh dễ khiến người dùng hiểu nhầm? Những website, fanpage quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm ISUNA có phải do công ty này điều hành? Nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, người tiêu dùng có được bồi thường?
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với việc quảng cáo sản phẩm ISUNA sai sự thật.
Đối với người tiêu dùng, cẩn tỉnh táo, cẩn trọng trước những thông tin sai sự thật về sản phẩm ISUNA, tránh tình trạng "tiền mất, tật mang" khi mua phải sản phẩm kém chất lượng hoặc có chất lượng không đúng như quảng cáo.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin!
Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố thì có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Nếu người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo điều 197 Bộ luật hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |