150 tư liệu quý tái hiện hồi ức thống nhất non sông
Sáng nay (22/4/2025), tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia long trọng khai mạc trưng bày chuyên đề đặc biệt mang tên “Non sông liền một dải”, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Gần 150 tài liệu, hiện vật quý hiếm được giới thiệu lần này không chỉ kể lại hành trình đấu tranh vì độc lập, thống nhất dân tộc, mà còn khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt về một thời kỳ bi tráng và hào hùng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Trưng bày đặc biệt “Non sông liền một dải" thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Khát vọng thống nhất – Tình yêu nước vượt mọi giới tuyến
Chuyên đề trưng bày được chia thành ba phần, mở đầu bằng chủ đề “Khát vọng thống nhất” – giai đoạn từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đến đầu thập niên 1960. Những hình ảnh đầu tiên tại không gian trưng bày là cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải – biểu tượng của chia cắt đất nước suốt hơn 20 năm.
Hình ảnh người dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc năm 1955, hay nhân dân Sài Gòn – Gia Định xuống đường đòi thống nhất đất nước vào ngày 1/5/1956 được tái hiện sinh động qua các tư liệu báo chí, ảnh đen trắng và hiện vật gốc.
Gần 150 tài liệu, hiện vật quý hiếm được giới thiệu kể lại hành trình đấu tranh vì độc lập – thống nhất dân tộc. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Không gian trưng bày làm người xem không khỏi xúc động khi tận mắt nhìn thấy những hiện vật từng là chứng nhân thời gian, đó là chiếc loa phát thanh, tờ truyền đơn, hay chiếc xe đạp thồ hàng chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Đặc biệt xúc động là những lá đơn tình nguyện, những quyết tâm thư viết bằng máu của các chiến sĩ giải phóng quân Nguyễn Phú Tuấn và Nguyễn Văn Nhẫn, gửi năm 1969, xin được tái ngũ, tiếp tục hành quân vào Nam chiến đấu.
Cùng với đó là quyết tâm thư của sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội – những trí thức trẻ thời chiến, sẵn sàng rời giảng đường, tình nguyện nhận bất cứ nhiệm vụ nào, đến bất cứ nơi đâu mà Tổ quốc cần, miễn là được góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.
Quyết tâm thư viết bằng máu của các chiến sĩ giải phóng quân, và của sinh viên y khoa tình nguyện sẵn sàng nhận bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Trong dòng ký ức ấy, không ai có thể cầm lòng trước những dòng chữ nghẹn ngào của sinh viên y khoa Hà Nội: “Nghĩ đến đồng bào miền Nam đang đau khổ đã vùng dậy giáng cho bọn đế quốc và tay sai những đòn chí tử. Tự hào trước truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc, lòng yêu nước của chúng tôi đã được khơi dậy…”. “Chúng tôi đã sẵn sàng, có lệnh là đi, và đã đi là quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”…
Những lời lẽ chân thành, không trau chuốt, nhưng chan chứa khí phách và lý tưởng sống cao đẹp. Từ giấy mực đơn sơ, máu đỏ của người lính, từng dòng chữ như biết nói, như truyền lửa cho hôm nay – rằng có những thế hệ đã sống và chiến đấu không chỉ bằng súng đạn, mà bằng tất cả lòng yêu nước cháy bỏng đến tận cùng.
Mũ của anh Vũ Xuân Hoà - công nhân nhà máy Điện Yên Phụ đội khi làm nhiệm vụ bắn máy bay bảo vệ dòng điện. Anh đã hy sinh khi máy bay đánh phá Nhà máy ngày 21/12/1972. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Một dân tộc – Một khát vọng – Một chiến thắng lịch sử
Phần hai của trưng bày mang tên “Nước Việt Nam là một – Dân tộc Việt Nam là một”, tái hiện giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua những dấu mốc trọng đại: Đại hội Đảng lần thứ III (1960), thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (1960), các phong trào đấu tranh đô thị, kháng chiến ở Củ Chi, Tây Ninh, và sự chi viện thần tốc từ miền Bắc qua đường Trường Sơn.
Không gian trưng bày còn có chiếc ống nghe điện thoại tại Đồn Biên phòng số 27 – nơi từng dùng để liên lạc với Trung ương Cục miền Nam. Những hiện vật bình dị ấy mang trong mình sức nặng lịch sử, khiến người xem trầm lặng chiêm nghiệm. Từng đoàn xe ngày đêm vượt Trường Sơn chở hàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Một điểm nhấn đặc biệt trong phần trưng bày là những hình ảnh ủng hộ của quốc tế dành cho Việt Nam: Nhân dân Campuchia viết khẩu hiệu phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, tháng 8/1964; Nhân dân Liên Xô mít tinh ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước, Mátxcơva ngày 08/02/1965; Chủ tịch Cuba Fidel Castro và phái đoàn thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị tháng 9/1973; Các cựu chiến binh cùng nhân dân Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Đây là minh chứng sinh động cho sức mạnh của lẽ phải, của một cuộc đấu tranh không đơn độc mà nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Búp bê và hình bao gạo 'Vì hoà bình của Việt Nam' của Hội phụ nữ Dân chủ Bỉ bán lấy tiền ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Ngày toàn thắng: Non sông liền một dải
Phần thứ ba – “Non sông liền một dải” – là cao trào của triển lãm, với hình ảnh đoàn quân thần tốc vượt dãy Trường Sơn tiến về giải phóng Sài Gòn, kết thúc bằng khoảnh khắc lịch sử 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 – lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Người xem như sống lại thời khắc hào hùng của dân tộc – nơi máu và nước mắt kết thành vinh quang, nơi hòa bình được đánh đổi bằng lòng quả cảm của cả một thế hệ.
Mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" được truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam, ngày 7/4/1975. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Bên cạnh đó là những khoảnh khắc tràn ngập niềm vui của ngày thống nhất – khi nhân dân miền Nam – Bắc sum họp, đoàn tụ, Hội nghị hiệp thương toàn quốc, và phiên họp đầu tiên của Quốc hội Thống nhất vào tháng 6/1976. Mỗi hình ảnh, mỗi thước phim tư liệu đều chất chứa trong đó những tiếng cười, giọt nước mắt, và niềm tin sắt đá về tương lai.
Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài Phát thanh Sài Gòn, trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Có mặt tại trưng bày, pháo thủ số 1 xe tăng T59, số hiệu 390 Ngô Sỹ Nguyên - cựu binh từng cùng những đồng đội trên xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, chứng kiến lá cờ giải phóng tung bay và nội các Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30/4/1975 khiến cho rất nhiều tham dự rất phấn khởi, vinh dự được gặp nhân chứng lịch sử của 50 năm trước trong không khí kỷ niệm đầy xúc động.
Cựu binh xe tăng 390 Ngô Sỹ Nguyên chia sẻ tại trưng bày. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Nhắc lại quãng thời gian chiến đấu tiến về giải phóng Sài Gòn, khuôn mặt ông Ngô Sỹ Nguyên rạng rỡ. Bày tỏ 50 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí, ông chia sẻ đây là thời khắc đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Ông tự hào đã cùng đồng đội góp sức nhỏ vào thành công lớn của dân tộc.
"Mẹ gặp con" của tác giả Lâm Hồng Long. Tác phẩm ghi lại khoảng khắc anh Lê Văn Thức - tử tù Côn Đảo gặp lại mẹ là bà Trần Thị Bính ra đón lúc 9 giờ, 45 phút ngày 5/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, bạn trẻ Lê Thảo Linh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ là lần đầu tiên được cảm nhận rõ đến thế không khí hào hùng của đại thắng mùa xuân 1975. Bầu không khí khiến em tự hào và biết ơn trước những hy sinh của các thế hệ cha anh.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hoá, Xã hội của Quốc hội chia sẻ với Báo Công Thương, ông thực sự xúc động khi tham dự trưng bày "Non sông liền một dải" - một triển lãm được tổ chức đúng vào thời điểm có ý nghĩa thiêng liêng – kỷ niệm 50 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là dịp đặc biệt để tri ân quá khứ hào hùng của dân tộc và thức tỉnh trong mỗi người Việt Nam ý thức sâu sắc về trách nhiệm với hiện tại và tương lai.
"Từng hiện vật, từng tư liệu, từng bức ảnh tại triển lãm như đưa người xem trở về với một thời kỳ kháng chiến gian khổ nhưng oanh liệt, khi cả dân tộc đồng lòng viết nên bản anh hùng ca của thế kỷ XX. Không gian ấy không đơn thuần là nơi lưu giữ lịch sử, mà là nơi khơi dậy cảm xúc, khơi dậy lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc một cách chân thành và sâu sắc"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Triển lãm gây xúc động mạnh đối với người dân và du khách. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - ông Nguyễn Văn Đoàn cũng nhấn mạnh, trưng bày giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về khát vọng hoà bình, ý chí thống nhất, tình đoàn kết gắn bó keo sơn không thể chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc trong lịch sử, ngày hôm nay cũng như mãi mãi về sau.
Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự lực tự cường, tạo động lực tích cực cho mỗi người dân Việt Nam thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Chúng tôi mong muốn thông qua trưng bày, đặc biệt là với thế hệ trẻ hôm nay, có thể hiểu rõ hơn về khát vọng hòa bình, về sự gắn bó keo sơn không thể chia cắt giữa hai miền. Đó là niềm tự hào dân tộc, là động lực để mỗi người dân ngày nay nhận rõ hơn trách nhiệm gìn giữ và phát triển đất nước trong thời đại mới".
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Đây là kết quả của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ 21 năm đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta - một bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. |