Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa chuẩn bị đón đại lễ 30/4 Hà Nội ban hành khung giá dịch vụ nhà chung cư Vì sao nhà riêng dưới 8 tỷ đồng ở Hà Nội hút nhà đầu tư? |
Phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP 8% trong năm 2025
Ngày 22/4, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về đẩy mạnh tăng trưởng lĩnh vực kinh tế ngành năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch này được xây dựng dựa trên Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14/02/2025, Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 25/02/2025, Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 28/3/2025 của Chủ tịch UBND Thành phố và Thông báo kết luận số 154/TB-VP ngày 25/3/2025. Mục tiêu chung là tăng tốc, tạo đột phá để phấn đấu GRDP của Hà Nội đạt và vượt 8% trong năm 2025.
![]() |
Hà Nội giao nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh minh họa |
Kế hoạch đặt ra mục tiêu tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tập trung hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực kinh tế ngành, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt và vượt 8% trong năm 2025.
Trong đó, nhiệm vụ và giải pháp được xác định rõ ràng, đồng thời phân công cụ thể cho tập thể, cá nhân có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện theo nguyên tắc “rõ người, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”. Cùng với đó, kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể kèm theo phân công thực hiện rõ ràng.
Chú trọng các ngành trọng điểm và hạ tầng công nghiệp
Theo Kế hoạch, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên theo đúng lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách. Đồng thời, cần nghiêm túc triển khai hiệu quả Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14/2/2025 của UBND Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2025; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 28/3/2025 của Chủ tịch UBND Thành phố về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên trong năm 2025.
Công tác chỉ đạo, điều hành cần được đổi mới theo hướng sâu sát thực tế cơ sở, linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực kinh tế ngành. Cần phản ứng nhanh nhạy về cơ chế, chính sách, đảm bảo tính kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời hài hòa giữa xử lý tình huống trước mắt và định hướng phát triển trung, dài hạn. Các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan Trung ương; nâng cao quyết tâm, tinh thần trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là vai trò người đứng đầu.
Cùng với đó, thành phố tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về quy hoạch, đầu tư, tài chính, tín dụng; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, thương mại, điện lực, du lịch, nông nghiệp...; hoàn thiện cơ chế chính sách kinh tế ngành, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Về chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế ngành, Kế hoạch phân công rõ ràng cho các sở, ngành thực hiện 29 nhóm chỉ tiêu liên quan đô thị, nông thôn, môi trường và 7 nhóm chỉ tiêu kinh tế, gồm: tăng trưởng GRDP, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Về các giải pháp cụ thể, các sở, ngành được phân công chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai theo đúng tiến độ từng nội dung. Trong đó, tập trung đẩy nhanh việc phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ cao sinh học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề theo tiêu chí “sáng – xanh – sạch – đẹp”. Thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng công nghiệp đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 11 cụm công nghiệp còn lại để hoàn thành chỉ tiêu 43 cụm công nghiệp đã được thành lập giai đoạn 2018–2020; hoàn thành xây dựng hạ tầng 30 cụm công nghiệp đã khởi công trong giai đoạn 2021–2024; thành lập, mở rộng từ 15–20 cụm công nghiệp, hoàn thành trong năm 2025.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án trung tâm thương mại, chợ; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh sản phẩm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục để rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định hiện hành, hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số thành phần PCI và PGI. Mục tiêu đặt ra là đưa Chỉ số PCI của Hà Nội vào nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước trong năm 2025.
Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường số lượng, chất lượng, quy mô các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời, triển khai các giải pháp kết nối sản xuất với thị trường, đưa sản phẩm đặc sản và sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng thông qua nền tảng thương mại điện tử. Phấn đấu trong năm 2025 có ít nhất 2.000 sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các địa phương được đưa lên các sàn thương mại điện tử và website bán hàng trực tuyến. |