Thanh long Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
"Cải tổ" thị trường Trung Quốc, mở thêm thị trường mới
Theo ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thanh long, thời gian tới Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình.
Từ đó, phối hợp với các đơn vị liên quan có thông báo, khuyến cáo đến doanh nghiệp, HTX và các đơn vị liên quan về tình hình xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, cũng như phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắc hàng hóa khi thu hoạch rộ.
Về lâu dài, để xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc, theo ông Tài, Sở Công Thương sẽ vận động doanh nghiệp chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ chủ hàng để đàm phán, chuyển dần sang hình thức xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển, đáp ứng các quy định như: Tem nhãn; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; chỉ dẫn vùng trồng; kiểm nghiệm, kiểm dịch; quy cách đóng gói; chất lượng, chủng loại… Từ đó, cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố phía đông của thị trường Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Chiết Giang, Hồ Bắc… và các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương Bình Thuận cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 3049 ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh về phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021 – 2025.
Theo kế hoạch này, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường các nước, song vẫn chú trọng củng cố và mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch đạt 50 - 60 triệu USD/năm và nâng dần tỉ lệ tiêu thụ nội địa lên mức 22 - 25%.
Để đạt mục tiêu trên, Bình Thuận đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài để phát triển và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu thanh long. Cụ thể, tổ chức các đoàn khảo sát, giao thương để tìm hiểu, mở thêm thị trường mới, tiềm năng cho việc xuất khẩu thanh long nhằm hạn chế rủi ro và giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong đó, chú trọng thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Hỗ trợ Hiệp hội Thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm chuyên ngành về trái cây, rau quả có uy tín được tổ chức hàng năm trong khu vực và trên thế giới để quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm đối tác bán hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Song song đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Big C (Thái Lan)... để thông qua đó tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Đối với thị trường trong nước, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, Bình Thuận sẽ thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở thêm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, trọng tâm là thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, kế tiếp là thị trường TP. HCM và các tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên...
Cùng với giải phép trên, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thanh long “sạch”, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu.
Xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ thanh long để phát triển bền vững. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị cho thanh long Bình Thuận, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, trong khu vực và tạo thị phần ổn định trên thị trường.
Gấp rút mở rộng thị trường Nhật Bản và Ấn Độ
Tháng 10/2021, Nhật Bản đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Như vậy, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ, thanh long Bình Thuận là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, việc thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường cho việc xuất khẩu thanh long Bình Thuận đến các thị trường khác.
Đối với Ấn Độ với số dân gần 1,4 tỷ người, đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn. Trong đó trái thanh long nằm trong top 10 trái cây tươi được tiêu thụ nhiều ở nước này với mức tăng trưởng 27% hàng năm.
Về thị trường này, theo ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương), Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức đoàn công tác đi Ấn Độ tổ chức hội thảo xúc tiến tiêu thụ thanh long tại thủ đô New Delhi để quảng bá, giới thiệu thanh long Bình Thuận. Cùng với đó, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bình Thuận với doanh nghiệp Ấn Độ để xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường này.
Từ đó, kết quả thu về rất khả quan, cụ thể nếu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu thanh long Bình Thuận sang Ấn Độ chỉ đạt 316.400 USD, thì năm 2018 lên đến 452.100 USD và năm 2019 đã tăng lên 842.800 USD (tăng bình quân 64%/năm).
Trong năm 2020, nhằm giúp doanh nghiệp củng cố và phát triển mở rộng thêm thị trường Ấn Độ và Pakistan, Sở Công thương Bình Thuận đã làm việc với Cục Xúc tiến thương mại thống nhất việc phối hợp tổ chức đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận đi khảo sát thị trường, xúc tiến tiêu thụ thanh long. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên chương trình không thực hiện được và đã chuyển sang hình thức kết nối trực tuyến.
“Nhật Bản và Ấn Độ là 2 thị trường tiềm năng còn rất lớn. Vì vậy thời gian tới, bên cạnh các thị trường khác, Sở Công thương Bình Thuận sẽ quan tâm, tập trung phát triển và mở rộng 2 thị trường này để tiêu thụ thanh long”, ông Tài chia sẻ và cho biết thêm, để mở rộng vào 2 thị trường này, Sở Công thương Bình Thuận sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Ấn Độ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thông tin kịp thời về tình hình thị trường cũng như các chủ trương, chính sách xuất nhập khẩu mới của Nhật Bản và Ấn Độ để phổ biến đến doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thanh long Bình Thuận lâu dài, góp phần giải quyết khó khăn về đầu ra, giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.