Longform
05/05/2025 16:53
Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

05/05/2025 16:53

Chợ miền núi không chỉ là nơi giao thương buôn bán, mà là không gian sinh hoạt văn hóa, bản sắc của các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ Nghị định về phát triển và quản lý chợ: ''Chìa khóa'' gỡ vướng trong đầu tư Gia Lai phát triển chợ vùng sâu, mở lối sinh kế bền vững

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Chợ miền núi không chỉ là nơi giao thương buôn bán, mà là không gian sinh hoạt văn hóa, bản sắc của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Việc phát triển chợ cần được nhìn nhận dưới góc độ chính sách chiến lược, linh hoạt, bởi liên quan mật thiết đến an sinh xã hội và phát triển bền vững vùng cao.

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Chợ Nà Phặc, thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, từng là điểm hẹn giao thương quan trọng nơi vùng cao. Nhưng hiện nay, nơi từng nhộn nhịp ấy lại ít nhiều trở nên im lặng. Những mái tôn hoen gỉ, nền chợ lầy lội vào mùa mưa, nhà vệ sinh tạm bợ. Dãy quầy sạp bỏ trống nằm xếp lớp như những dấu lặng dài, kể về một thực tế buồn: chợ không còn nhiều hấp dẫn với người dân lẫn tiểu thương.

Báo cáo của Sở Công Thương Bắc Kạn cho thấy, toàn tỉnh có 64 chợ nhưng phần lớn đã được xây dựng từ hàng chục năm trước, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu thương mại và dân sinh. Hầu hết các chợ đều do Nhà nước đầu tư, việc thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia quản lý gần như bằng không.

“Chợ vùng cao không chỉ để mua bán, mà là để gặp gỡ, để kể nhau nghe câu chuyện mới của bản, của người thương...” – ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn chia sẻ rất thật với phóng viên Báo Công Thương. Với đồng bào dân tộc, chợ là nơi gắn bó với bao lớp ký ức, là không gian của ngôn ngữ dân tộc, của sắc phục truyền thống, của những món hàng tự tay người dân làm ra.

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Chợ là nơi tiêu thụ nông sản, hàng hóa thiết yếu, là nơi tạo ra sự luân chuyển dòng tiền nhỏ nhưng liên tục. Đây là thứ giúp duy trì sức sống cho vùng khó. Nhưng chợ không chỉ là kinh tế, mà còn là sinh kế, văn hóa, an sinh.

TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Công Thương - Bộ Công Thương, chỉ rõ, chính sách hiện nay chủ yếu mang tính định hướng. Đơn cử, Nghị định 60/2024/NĐ-CP đã đặt nền tảng quản lý chợ nhưng còn thiếu hướng dẫn cụ thể cho chợ miền núi – nơi có những đặc thù hoàn toàn khác về địa hình, dân cư và mô hình tổ chức kinh doanh.

Theo đó, việc thiếu tiêu chí phân loại chợ khiến chính quyền địa phương lúng túng trong triển khai đầu tư. Chưa kể, các quy hoạch chợ chưa gắn với mạng lưới sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu, tuyến giao thông huyết mạch. Có nơi xây xong chợ lại “đắp chiếu” vì sai địa điểm, sai tập quán, sai cả nhu cầu thực tế.

“Quan trọng hơn, việc phân bổ nguồn lực đầu tư còn dàn trải, manh mún, thiếu tính ưu tiên”, TS. Trịnh Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chợ miền núi muốn sống được, phải có vốn đầu tư đủ mạnh để tái thiết hạ tầng căn bản: từ mái che, nền bê tông, cho tới vệ sinh, điện nước, phòng cháy chữa cháy. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: ai sẽ đầu tư? Doanh nghiệp không dám mạo hiểm vì lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm. Địa phương không có đủ năng lực tài chính, còn Trung ương thì khó bao cấp dài hạn.

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

TS. Dương Văn Chiến, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp HTX phát triển và quản lý chợ Việt Nam nhìn thẳng: “Nếu không có chính sách tài chính đặc thù, thì phát triển chợ miền núi sẽ không thể mang lại hiệu quả. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào chợ miền núi, kể cả vùng sâu vùng xa, miễn là có chính sách”.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Chợ Việt Nam thẳng thắn: Chính sách phải rõ ràng: Khi đầu tư, Nhà nước được gì, người dân được gì, doanh nghiệp được gì? Đồng thời, ông đề xuất: nên có quỹ hỗ trợ đầu tư chợ tại vùng đặc thù, với thủ tục rút gọn, lãi suất ưu đãi, đồng thời khuyến khích mô hình HTX quản lý chợ – nơi chính người dân tham gia và hưởng lợi từ hệ thống họ tạo ra.

“HTX quản lý chợ không chỉ giảm tải cho ngân sách mà còn đưa người dân vào vị trí chủ thể – đúng như tinh thần của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, TS. Dương Văn Chiến nói.

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đưa ra một góc nhìn khác: “Chợ không phải là thứ gì đó cũ kỹ, lạc hậu như nhiều người vẫn nghĩ. Chợ chính là ‘hạ tầng mềm’ – nơi vận hành những giá trị bản sắc, sinh kế, văn hóa, và gắn kết cộng đồng.”

Theo ông, phát triển chợ miền núi phải bắt đầu từ quy hoạch tích hợp: gắn chợ với các điểm du lịch sinh thái, điểm bán sản phẩm OCOP, vùng sản xuất nông nghiệp sạch. “Đừng để chợ trở thành ‘vật trang trí’, nơi dựng lên rồi để đó. Cần các mô hình chợ sống – nơi có dòng hàng, dòng người và dòng vốn thường xuyên.”

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh: Chính sách phải tạo “không gian thể chế mở” – tức cho phép địa phương linh hoạt thí điểm mô hình phù hợp, không áp khuôn mẫu đô thị xuống miền núi. Có thể thí điểm “chợ số” – nơi người dân dùng điện thoại để biết giá, để quảng bá sản phẩm, để gọi vốn cộng đồng... Không phải là công nghệ hóa chợ, mà là đưa chợ vào dòng chảy số hóa để không bị bỏ lại phía sau.

Các chuyên gia đều thống nhất rằng: chợ miền núi không thể phát triển nếu thiếu một khung chính sách riêng – nơi có sự phân vai rõ ràng: Trung ương ban hành luật, địa phương chủ động triển khai, người dân và tổ chức xã hội giám sát, doanh nghiệp đồng hành. “Không ai làm thay ai, nhưng mỗi người đều có vai trò không thể thiếu”, TS. Dương Văn Chiến nói.

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù
“Trong phát triển chợ miền núi, không ai làm thay ai, nhưng mỗi người đều có vai trò không thể thiếu”, TS. Dương Văn Chiến nói.

Chính sách cũng cần xác định rõ những địa bàn ưu tiên – nơi có thể trở thành hạt nhân phát triển mô hình chợ mẫu: kết nối được với sản xuất, gắn với văn hóa, có khả năng lan tỏa. Như lời TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: “Hãy bắt đầu từ những chợ thực sự sống – rồi từ đó nhân lên thành mạng lưới sống.”

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cũng tại Bắc Kạn, năm 2017, Chợ Đức Xuân tại thành phố Bắc Kạn là một trong bốn chợ trên toàn quốc được Bộ Công Thương hỗ trợ cải tạo để được công nhận là “Mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm” vào năm 2017.​ Theo đó, Bộ Công Thương đã hỗ trợ toàn diện cho các hộ kinh doanh tại chợ được tham gia tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ miễn phí, và được cung cấp biển hiệu, tủ kính, thùng rác để đảm bảo vệ sinh trong kinh doanh.​

Chỉ sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các quầy hàng trở nên khang trang, sạch sẽ, thu hút đông đảo khách hàng. Tiểu thương cũng nâng cao ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.​ Sự thành công của mô hình đã tạo động lực cho các hộ kinh doanh khác trong chợ quan tâm hơn đến việc đảm bảo vệ sinh khu vực kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường mua bán an toàn, thuận tiện cho người dân địa phương.​

Ngoài ra, tại tỉnh Bắc Kạn, các chợ như chợ Bắc Kạn (thành phố Bắc Kạn) và chợ Bằng Lũng (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) cũng đã được xây dựng theo mô hình chợ an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chợ và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.​

Thành công này cho thấy, hoàn toàn có nhiều giải pháp để “hồi sinh” chợ truyền thống khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng khang trang, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm cũng như tạo dựng bộ mặt mới cho chợ miền núi.

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển chợ khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, Bộ đã có những bước tiến trong việc thương mại hóa và đưa sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu. Bộ cũng hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm miền núi, vùng đồng bào dân tộc thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu .​

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Bộ Công Thương nhận định việc phát triển chợ ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ giúp đẩy mạnh giao thương mà còn lan tỏa văn hóa vùng miền. Bộ đã hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm và nhân rộng ra các khu chợ khác, đồng thời sử dụng ngân sách địa phương để phát triển các mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân.

Chợ truyền thống, đặc biệt là chợ khu vực dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là không gian đặc sắc nơi giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống lâu đời của cộng đồng. Là những "hạt nhân" của đời sống kinh tế xã hội, chợ truyền thống còn là một phần không thể thiếu trong việc gìn giữ những nét đặc trưng của mỗi vùng miền. Mỗi mặt hàng bày bán, mỗi tiếng rao, mỗi cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân tại chợ đều là minh chứng sinh động cho sự kết nối giữa thương mại và văn hóa.

Bên cạnh việc là nơi diễn ra các hoạt động mua bán sôi động, chợ còn là "di sản sống", nơi duy trì những giá trị văn hóa đặc trưng, từ những món ăn dân dã đậm đà bản sắc cho đến những lễ hội truyền thống, những nét sinh hoạt dân gian mang đậm dấu ấn của cộng đồng. Chợ là không gian giao lưu, nơi mà người dân không chỉ tìm kiếm hàng hóa thiết yếu mà còn giao thoa văn hóa, chia sẻ những phong tục, tập quán, kể lại câu chuyện của đất và người qua từng gian hàng.

Chợ là nơi mà các thế hệ người dân không chỉ trao đổi sản phẩm mà còn trao đổi các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, từ các lễ hội vùng miền đến các hoạt động giao lưu nghệ thuật, từ đó giúp duy trì sự gắn kết cộng đồng và củng cố các mối quan hệ xã hội bền chặt.

Nhờ sự kết hợp giữa giao thương và văn hóa, chợ truyền thống trở thành một biểu tượng của sự phong phú trong đời sống cộng đồng, vừa phục vụ nhu cầu vật chất, vừa nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân. Chính vì vậy, khi chúng ta nghĩ về chợ, không chỉ là nơi tìm thấy hàng hóa, mà còn là không gian đong đầy các giá trị tinh thần không thể thiếu trong xã hội.

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Song, muốn phát triển chợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trước tiên phải thay đổi tư duy: chợ không phải là nơi tạm bợ, mà là một thiết chế kinh tế – văn hóa đặc thù. Từ tư duy đó, mới dẫn tới hành động đúng: quy hoạch đúng, đầu tư đúng, vận hành đúng và chính sách đúng.

Chợ miền núi đang cần một cuộc “làm mới” từ gốc rễ chính sách. Điều đó chỉ có thể bắt đầu nếu chúng ta nghiêm túc coi chợ là một phần của chiến lược phát triển vùng, không đứng ngoài mà phải đứng giữa trung tâm.

Phương Lan

Đồ họa: Ngọc Lan

Bảo Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Chợ miền núi Bắc Kạn:

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Không chỉ là nơi mua bán, chợ miền núi ở Bắc Kạn là không gian văn hóa cộng đồng, nhưng việc thiếu vốn và khó hút đầu tư đang khiến nhiều chợ xuống cấp.
Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Đắk Lắk đang chủ động mở rộng đầu ra cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế bền vững.