Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ chính trị theo Kết luận số 127- KL/TW của Trung ương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành Công văn số 806/UBND-KT ngày 8/3/2025, về việc tăng cường công tác chấp hành quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập, phê duyệt/điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, quản lý trật tự xây dựng, không để xảy ra tình trạng tranh thủ, lợi dụng thời điểm sắp xếp để thực hiện các hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép…
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự xây dựng; sử dụng đất đúng mục đích và bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đất cây xanh được "hô biến" thành nhà xưởng
Mặc dù Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt nêu trên, nhưng tại Khu công nghiệp (KCN) Thạch Thất - Quốc Oai (TP. Hà Nội), tình hình vi phạm đất đai, xây dựng, sử dụng đất sai mục đích vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân và các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp.
Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, khu đất cây xanh được xác định thuộc vị trí lô đất có ký hiệu CX7, KCN Thạch Thất - Quốc Oai đang bị Công ty Cô phần Bao bì Tâm Đức Phát (Công ty Tâm Đức Phát) và Công ty Cổ phần Điện và chiếu sáng Phương Đông (Công ty Phương Đông) sử dụng sai mục đích, để xây dựng nhà xưởng trái phép và đưa vào hoạt động từ nhiều năm nay.
![]() |
Khu đất được quy hoạch làm đất cây xanh biến thành nhà xưởng của Công ty Cổ phần Điện và chiếu sáng Phương Đông. |
Hồ sơ cho thấy, về lịch sử vị trí lô CX7, ngày 30/11/2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 2266/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (vị trí lô CX7 hiện nay), trước đây thuộc một phần lô CN11 (đất công nghiệp) và giao cho Công ty TNHH Ajurental Việt Nam (Công ty Ajurental Việt Nam) với diện tích là 10.001,3m2 quản lý.
Khi thực hiện Dự án đường trục Bắc - Nam khu đô thị Quốc Oai có chồng lấn giữa Dự án đường trục Bắc - Nam với dự án Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, trong đó có 1.348m2 phần diện tích đất tại lô CN11 của Công ty Ajurental Việt Nam được giao quản lý và sử dụng.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch (tại Quyết định số 8792/QĐ-UBND ngày 20/12/2017), phần diện tích đất của Công ty Ajurental Việt Nam còn lại (diện tích đất bị thu hồi do chồng lấn trên) được điều chỉnh thành đất cây xanh (ký hiệu CX7) có diện tích là 4.588m2. Toàn bộ phần diện tích lô đất CX7 được bàn giao về Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hà Tây (chủ đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai) chịu trách nhiệm quản lý.
![]() |
Khu nhà làm việc của Công ty Cổ phần Điện và chiếu sáng Phương Đông trên đất cây xanh. |
Khi tiếp nhận lại lô CX7, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hà Tây (Công ty Hà Tây) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Phương Đông để trồng cây xanh. Thế nhưng, đến nay, toàn bộ khu đất này đã không được sử dụng đúng công năng theo như hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Doanh nghiệp không phối hợp để kiểm tra, xử lý
Trước sự việc trên, ngày 26/3/2025, Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hiện trạng việc sử dụng đất và công trình trên đất tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP. Hà Nội cho biết, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra nhận thấy Công ty Tâm Đức Phát đang có hoạt động sản xuất còn Công ty Phương Đông đóng cổng, không nhận thấy có cán bộ, nhân viên hoạt động sản xuất, kinh doanh bên trong. Ngoài ra, 2 đơn vị này không phối hợp để cho đoàn vào kiểm tra và đo đạc hiện trạng.
"Sau khi tiếp nhận lại lô CX7 từ Công ty Ajurental Việt Nam, Công ty Hà Tây có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Phương Đông để trồng cây xanh. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với Công ty Phương Đông, Công ty Hà Tây chưa sát sao theo dõi theo hợp đồng đã ký dẫn đến những tồn tại, thiếu sót", Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP. Hà Nội thông tin.
![]() |
Nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 của Công ty Cổ phần Bao bì Tâm Đức Phát nằm trên đất cây xanh. |
Cũng theo Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP. Hà Nội, việc quản lý và sử dụng đất tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai là trách nhiệm của Công ty Hà Tây. Vì vậy, Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP. Hà Nội yêu cầu Công ty Hà Tây khẩn trương thực hiện việc rà soát, quản lý toàn bộ phần diện tích đất cây xanh trong khu công nghiệp để thực hiện theo đúng chức năng lô đất và quy hoạch khu công nghiệp được duyệt.
Ngoài ra, Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP. Hà Nội cũng đề nghị UBND huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trong khu công nghiệp để kịp thời ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo đúng thẩm quyền.
![]() |
Phần diện tích đất cây xanh giáp ranh giữa Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai và xã Sài Sơn cũng bị Công ty Cổ phần Điện và chiếu sáng Phương Đông biến thành các nhà xưởng. |
Liên quan đến sự việc này, đại diện UBND huyện Quốc Oai cho biết, đối với lô đất CX7 thuộc khu vực giáp ranh hai xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất). Tuy nhiên, hiện chưa xác định được địa giới hành chính nằm trên địa bàn xã Sài Sơn hay xã Phùng Xá. Vì vậy, UBND huyện Quốc Oai sẽ cho kiểm tra, rà soát lại địa giới hành chính tại lô CX7 và phần diện tích đất thuộc huyện Quốc Oai để có hướng xử lý.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, không chỉ lô CX7 bị biến thành các nhà xưởng sản xuất trái phép, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn xã Sài Sơn còn nhiều tồn tại, bất cập. Ngoài ra, phần diện tích đất cây xanh giáp ranh giữa Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai và xã Sài Sơn cũng bị Công ty Phương Đông biến thành các nhà xưởng và xây dựng trạm thu phát sóng cho thấy công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương này khá lỏng lẻo. |