Năm 2024: Thái Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 10,9% |
Hàng loạt tập đoàn lớn của Hàn Quốc mở rộng, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh Thái Bình |
Đa dạng giải pháp kết nối cung cầu
Theo thống kê của Sở Công Thương Thái Bình, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 69.212 tỷ đồng, tăng 15,3%. Đây là mức tăng cao hơn trung bình cả nước (9,3%), cho thấy ngành Công Thương Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp thành công để kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Ký kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình |
Theo Sở Công Thương Thái Bình, thời gian qua, để kết nối cung cầu tiêu dùng nội địa, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Thái Bình tổ chức thành công các Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh; Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo; tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thái Bình với siêu thị Tứ Sơn - thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; kết nối, cung cấp thông tin về sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh và làm cầu nối giữa các nhà bán buôn, siêu thị, hệ thống phân phối chuỗi để đưa sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh đến tay người tiêu dùng…
Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thái Bình với siêu thị Tứ Sơn - thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang |
Các hội nghị đã tập trung giới thiệu, kết nối các kênh phân phối trong tỉnh với các tập đoàn phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại siêu thị, chợ đầu mối, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với trên 500 doanh nghiệp tham gia đã góp phần làm rõ các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có tính đồng bộ gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm, liên kết vùng, từ đó thúc đẩy xây dựng thương hiệu hàng hóa của tỉnh.
Đồng chí Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công Thương tặng hoa chúc mừng cơ sở kinh doanh Phú Sơn Mart - đơn vị được lựa chọn là điểm bán hàng Việt Nam thứ 7 trên toàn tỉnh. |
Sở Công Thương cùng các sở, ban, ngành cũng đã đẩy mạnh nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hướng dẫn tư vấn về sở hữu công nghiệp, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, sở đã làm việc với các nhà phân phối, doanh nghiệp đầu mối, sàn thương mại điện tử, triển khai các biên bản hợp tác đã ký kết, liên kết đăng tải quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin, website, sàn thương mại điện tử trên cả nước. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp còn được hướng dẫn, hỗ trợ để quảng bá sản phẩm trên website, ứng dụng các phần mềm vào quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối,...
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện xây dựng gian hàng, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên các nền tảng trực tuyến và các sàn thương mại điện tử lớn thành thạo, bài bản, mang đến nhiều kết quả tích cực. Một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh như trà túi lọc thìa canh Thái Hưng, kẹo dồi Trường Thuận, trứng vịt biển Đông Xuyên, Bánh đa Quỳnh Côi, bánh cáy … đã phân phối thành công được người tiêu dùng trên toàn quốc đánh giá cao thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Voso, Postmart, Shopee, Tiki,..
Qua các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, các sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được biết đến trên giá kệ của chuỗi các siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối bán lẻ trong nước và nước ngoài, cũng như tiêu thụ tốt qua một số sàn thương mại điện tử.
Một số sản phẩm có doanh số khá tốt, tăng từ 20 đến 30%/năm như ngao trắng, gạo, bún khô, phở khô, nước mắm, bánh kẹo, trà thảo dược, sản phẩm dệt đũi, đồ gốm sứ...
Năm 2024, tăng cường các giải pháp phát triển thương mại nội địa
Năm 2024, Sở Công Thương Thái Bình xác định đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp về phát triển thương mại nội địa. Theo đó, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại: Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 23/6/2021 về triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các Chương trình khuyến mại, giảm giá, tri ân khách hàng nhằm kích cầu tiêu dùng… Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh kết nối tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước…
Thêm nữa, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhằm hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường khu vực, thị trường trong nước và quốc tế.
Sở Công Thương Thái Bình xác định sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại… để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp.