Thứ bảy 19/04/2025 11:01

Sản phẩm OCOP địa phương mang khát vọng vươn ra thế giới

Từ những sản phẩm mang đậm dấu ấn bản địa thông qua chương trình OCOP, nông sản Gia Lai đang từng bước khẳng định vị thế, tận dụng cơ hội vươn ra thế giới.

Từ những sản vật tưởng chừng bình dị như cà phê, tiêu, mật ong, măng khô qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Gia Lai đang từng bước đưa thương hiệu quê hương vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản quốc tế. Hành trình ấy không chỉ là câu chuyện làm ăn của người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương, mà còn là chiến lược dài hơi để khai mở tiềm năng vùng đất Tây Nguyên.

Khơi dậy giá trị bản địa

Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái… Không chỉ vậy, nơi đây còn là cái nôi của nhiều đặc sản bản địa quý giá như mật ong rừng, măng le khô, rượu cần, thịt bò một nắng – những sản phẩm kết tinh từ bàn tay cần cù và văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chương trình OCOP chính là cú hích quan trọng để tỉnh Gia Lai đánh thức tiềm năng đó. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 430 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao (trong đó có 70 sản phẩm 4 sao và 360 sản phẩm 3 sao).

Các sản phẩm cà phê được chứng nhận OCOP của anh Nguyễn Khắc Quyến (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông)

Anh Nguyễn Khắc Quyến (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) là một trong nhà nông đã tích cực tham gia Chương trình OCOP với tinh thần "tự lực, tự chủ, sáng tạo" và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Quyến chia sẻ: “Tôi tham gia Chương trình OCOP từ năm 2020. Qua 5 năm phát triển, không chỉ được đánh giá cao về chất lượng, các sản phẩm cà phê của chúng tôi cũng được thị trường đón nhận nhờ mẫu mã, bao bì, nhãn mác đẹp. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như có thêm nhiều sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP, hướng đến xuất khẩu trong tương lai gần”.

Đầu năm 2023, anh Nguyễn Vũ Phú Trường (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) xây dựng ý tưởng khởi nghiệp chế biến sản phẩm trà tía tô theo tiêu chuẩn VietGAP. Để có nguồn nguyên liệu cho chế biến, anh Trường liên kết với 6 hộ trồng tía tô trong thôn với diện tích gần 9 sào. Đến cuối năm 2023, sản phẩm trà tía tô với thương hiệu Trường Phú được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

“Sản phẩm trà tía tô của tôi đã nhanh chóng tiếp cận thị trường sau khi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ thành công với sản phẩm trà tía tô, tôi đã nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm trà khác từ thảo mộc. Tất cả sản phẩm trà thảo mộc đều được chế biến thành dạng bột, đóng gói trong túi lọc. Thời gian tới, tôi sẽ hoàn thiện thêm một số sản phẩm trà thảo mộc để tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP. Cùng với đó là xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu bền vững” - anh Trường chia sẻ.

Cuối năm 2023, sản phẩm trà tía tô với thương hiệu Trường Phú được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh

Bà Phan Thị Thu Trang - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Pleiku thông tin: Các sản phẩm OCOP sau khi tham gia đánh giá phân hạng đã có những bước tiến về chất lượng. Các chính sách hỗ trợ của Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần giúp các chủ thể OCOP nâng cao được thu nhập cũng như sức cạnh tranh trên thị trường.

Khát vọng vươn tầm quốc tế

Không chỉ dừng lại ở việc công nhận sao, nhiều sản phẩm OCOP của Gia Lai đã xây dựng được thương hiệu riêng, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Các thương hiệu cà phê Vĩnh Hiệp, mật ong Phương Di đã vượt ra khỏi biên giới tỉnh, tiến vào các hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử, xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản đã tạo thêm nhiều động lực để các thương hiệu khác của tỉnh Gia Lai tiếp nối.

Việc có mặt tại các hội chợ triểm lãm giúp các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi hơn

Để giúp các sản phẩm OCOP mở rộng thị trường, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Thông qua các sự kiện như Triển lãm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố hữu nghị tại Savanakhet lần thứ 5 năm 2025, Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm tiêu biểu tỉnh Gia Lai, các doanh nghiệp Gia Lai có cơ hội kết nối trực tiếp với các nhà phân phối trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, để gia tăng giá trị xuất khẩu, các sản phẩm OCOP cần đầu tư sâu hơn vào khâu chế biến, bao bì và phát triển câu chuyện thương hiệu. Điểm then chốt để sản phẩm OCOP có thể “vươn tầm” chính là đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng quốc tế không chỉ quan tâm đến chất lượng, mà còn muốn biết câu chuyện đằng sau sản phẩm – ai làm ra, từ vùng đất nào, mang nét văn hóa gì?,… Đây là yếu tố tạo sự khác biệt và quyết định đến khả năng cạnh tranh.

Điểm then chốt để sản phẩm OCOP có thể “vươn tầm” chính là đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Ông Rcom Jen - Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai - cho biết: OCOP không chỉ là phong trào, mà là quá trình chuẩn hóa sản phẩm theo hướng thị trường, gắn sản xuất với chế biến, thương mại và xuất khẩu.

"Tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ chế biến, thiết kế bao bì, đăng ký nhãn hiệu và kết nối thị trường quốc tế. Thông qua đó, thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng hàng Việt, dần tiến đến kết nối mạng lưới sản phẩm trên cả nước. Cùng với đó, việc có mặt tại các hội chợ triểm lãm hay điểm bán hàng Việt giúp các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi hơn, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó tạo ra lòng tin cho người tiêu dùng" - ông Rcom Jen nhấn mạnh.

Đối với Chương trình OCOP, năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ triển khai nhiều hoạt động quan trọng như: tuyên truyền, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận hàng năm. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang).
Bài và ảnh: Hiền Mai
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Gia Lai

Tin cùng chuyên mục

Nối nhịp giao thương phiên chợ biên giới Gia Lai – Ratanakiri

Sắp diễn ra diễn đàn và triển lãm quốc tế năng lượng

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Thương hiệu quốc gia là tài sản chiến lược trong tiến trình hội nhập

HCMC FOODEX 2025: Mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

Trung Quốc ủng hộ Việt Nam mở thêm Văn phòng xúc tiến thương mại

Beauty Summit 2025: Cơ hội xúc tiến thương mại ngành làm đẹp

Phát triển chuỗi sản phẩm từ muối Tuyết Diêm, Phú Yên

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Trùng Khánh?

Xúc tiến thương mại, giao thương giữa Việt Nam - Trùng Khánh

Xúc tiến thương mại thực phẩm Việt Nam vào thị trường Singapore

Cá tép dầu sấy khô: Vươn tầm chinh phục thị trường lớn

SaigonTex - SaigonFabric 2025 mở ra cơ hội giao thương cho ngành dệt may

Sắp diễn ra Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025

Doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương

Cơ hội nào cho Việt Nam trên ‘miền đất hứa’ Halal?

Bí quyết đưa mật ong Tam Đảo vươn tầm quốc tế

Giao ban xúc tiến thương mại: Chủ động thích ứng trước biến động

Chuyển đổi xanh và số hóa: Cơ hội vàng cho xuất khẩu

Thương vụ hiến kế doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường Halal

Giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ tháng 3/2025: Cơ hội từ thị trường Halal