Nâng cao năng lực phát triển, quản lý chợ tại Gia Lai
Sáng 24/4, Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực quản lý trong công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh cho đối tượng là những người làm công tác quản lý thương mại tại các địa phương, người quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm hiểu rõ hơn về mục tiêu, định hướng trong chương trình phát triển thương mại trong nước.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai - phát biểu khai mạc hội nghị |
Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện gồm 98 chợ với 1 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 78 chợ hạng III và 7 chợ tạm. Mạng lưới siêu thị có 28 siêu thị, trong đó 2 siêu thị hạng II, 26 siêu thị hạng III; phân theo loại hình kinh doanh có 13 siêu thị chuyên doanh và 15 siêu thị tổng hợp; 1 trung tâm thương mại; 236 cửa hàng tiện lợi; 1.085 cửa hàng chuyên doanh; 8.844 cửa hàng tạp hóa, thực phẩm truyền thống.
Thời gian qua, tình hình phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; công tác quy hoạch, phát triển, quản lý chợ tiếp tục được rà soát, bảo đảm việc xây dựng và quản lý mạng lưới chợ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác chợ. Cùng với đó, việc áp dụng Nghị định số 60/2024/NĐ-CP để triển khai thực hiện vẫn còn có sự chồng chéo, chưa được thống nhất như: Giao cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ, xây dựng các quy định về phát triển và quản lý chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ...
"Hội nghị nhằm tập trung đẩy mạnh phát triển toàn bộ cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, khai thác hệ thống chợ, chợ đầu mối nông sản, trung tâm thương mại tại đô thị và khu vực nông thôn theo quy hoạch. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh. Đồng thời, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP tại địa phương" - bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Xuân Hương - Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại trình bày tại hội nghị |
Tại hội nghị, bà Bùi Thị Xuân Hương - Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại đã trình bày, giới thiệu cho các học viên về quy định phát triển và quản lý chợ tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và các quy định có liên quan; quy định về xây dựng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ; việc quản lý khai thác tài sản chợ...
Các học viên cũng đã có những thắc mắc và đã được giảng viên trao đổi, giải đáp thắc mắc kịp thời. Anh Nguyễn Hữu Thọ - Ban Quản lý chợ Đức Cơ chia sẻ: "Đức Cơ là huyện biên giới với hạ tầng chợ được đầu tư phát triển theo từng năm. Trước đây, chợ là nơi giao thương, buôn bán chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, các chợ mạng phát triển, chợ truyền thống đã bị tụt hậu và lượng mua sắm tại đây cũng giảm. Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra là chợ truyền thống cần làm gì để phát triển và tương lai không bị chợ mạng lấn át".
Còn anh Đỗ Xuân Hồi - Ban Quản lý chợ Ia Grai cho rằng: "Nghị định số 60/2024/NĐ-CP có nhiều điểm nổi bật, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý và phát triển các chợ, đồng thời đảm bảo an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần chợ trên địa bàn huyện Ia Grai là nơi kinh doanh của người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Thông qua hội nghị này, chúng tôi mong muốn được hiểu rõ hơn về Nghị định số 60/2024/NĐ-CP để thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn".
Sau một buổi làm việc, đa phần các đại biểu cho rằng nội dung hội nghị rất thiết thực, đặc biệt đối với những người làm công tác quản lý thương mại tại các địa phương, người quản lý chợ. "Hội nghị đã cung cấp cho chúng tôi những kiến thức hữu ích, góp phần giải quyết nhiều vướng mắc trong thực tiễn quản lý, kinh doanh, đặc biệt trong việc áp dụng Nghị định số 60/2024/NĐ-CP vào thực tiễn" - chị Nguyễn Thị Minh An chia sẻ.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi nhận tại hội nghị sáng nay:
Quang cảnh Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực quản lý trong công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Gia Lai |
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Bà Bùi Thị Xuân Hương (áo hồng) - Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại (Bộ Công Thương) |
Đại diện Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương Gia Lai |
Đối tượng tham gia hội nghị là những người làm công tác quản lý thương mại tại các địa phương, người quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, nhằm hiểu rõ hơn về mục tiêu, định hướng trong Chương trình Phát triển thương mại trong nước. |
Tại hội nghị, bà Bùi Thị Xuân Hương đã trình bày, giới thiệu cho các học viên về quy định phát triển và quản lý chợ tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP |
Đại diện các ban quản lý chợ chia sẻ tại hội nghị |
Hội nghị cũng giúp giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP tại địa phương. |
Ngày 5/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Nghị định này đặt ra các quy định chi tiết về phân loại chợ, quản lý và tổ chức hoạt động chợ, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, theo đó, có nhiều điểm mới thay đổi so với các quy định trước đây. Nghị định số 60/2024/NĐ-CP đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý và phát triển các chợ, đồng thời đảm bảo an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp. |