Đưa nông sản miền núi lên sàn thương mại điện tử: Kinh nghiệm từ trái vải thiều Bắc Giang
Doanh nghiệp thành công nhờ chính sách tốt
Ông Phạm Công Toản – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, thời gian qua, bài toán tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và các địa phương của tỉnh Bắc Giang nói chung, đặc biệt là những sản phẩm mang tính chất mùa vụ cao và sản lượng lớn đã tạo nên áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Từ giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, cùng với yêu cầu đa dạng hoá kênh tiêu thụ nông sản, những năm qua, Bắc Giang đã triển khai ứng dụng thương mại điện tử, mang lại hiệu quả rất cao.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang cũng đã hỗ trợ nhiều chính sách để xây dựng phát triển thương hiệu nông sản, tạo ra những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng, có những lợi thế cạnh tranh riêng. Hiện Bắc Giang đã có 54 sản phẩm chủ lực đặc trưng và 180 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm của Bắc Giang đều được áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như Global GAP, VietGAP và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Nhờ đó đã tạo được thương hiệu riêng và có được niềm tin của khách hàng.
Đơn cử, vải thiều của Bắc Giang đã được xuất khẩu đi rất nhiều nước. HTX Nông nghiệp Sản xuất và Kinh doanh Dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân là một trong những HTX có lô hàng vải thiều đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Nga. Đây cũng chính là HTX đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được chứng nhận Global GAP.
Tiêu thụ vải thiều trên sàn thương mại điện tử Postmart |
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân chia sẻ, tiềm năng của các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi mở rộng thị trường tiêu thụ trên các kênh thương mại điện tử là rất lớn. Hiện nay, HTX Hồng Xuân đang cung cấp mặt hàng vải thiều vào các hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail, Winmart và các hệ thống siêu thị khác.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, HTX đã bước đầu cung cấp trên hệ thống sàn thương mại điện tử và duy trì hoạt động đến nay. Hoạt động này đã gặp thuận lợi ngay từ ban đầu nhờ được sự quan tâm của UBND tỉnh. Sở Công Thương và UBND huyện Lục Ngạn cũng mời các sàn giao dịch điện tử về tập huấn hỗ trợ người dân cách bán hàng online.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương và UBND huyện Lục Ngạn đã có hỗ trợ một phần kinh phí trong gian hàng điện tử để HTX đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử như Postmart.vn.
“Nhờ đó, ngay năm đầu, dù rất bỡ ngỡ nhưng chúng tôi lại rất thành công khi bán được trên trăm tấn vải trên sàn. Lúc đầu tôi nghĩ là khó bán bởi vì cách tiếp cận công nghệ của mình còn hạn chế, song sàn thương mại hỗ trợ từ khâu làm việc với khách hàng, chốt đơn, vận chuyển và bảo quản. Ban đầu chúng tôi nghĩ sàn thương mại điện tử chỉ để quảng bá sản phẩm nhưng sau đó lại mang lại thu nhập tốt” – anh Dũng chia sẻ.
Song để đưa được lên các sàn như vậy thì phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đều phải được các cấp giấy chứng nhận VietGAP và Global GAP. Ngoài ra, HTX cũng phải nêu các nhật ký chăm sóc, tiến tới chúng tôi sẽ chuyển sang dần sang chăm sóc nhật ký điện tử, khách hàng khi truy cập vào mã của chúng tôi có thể khách hàng sẽ biết được quy trình chăm sóc các sản phẩm như thế nào.
Bên cạnh đó, với đặc trưng là một HTX nông nghiệp ở vùng cao, khi tiếp cận với công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, các thành viên HTX chỉ sản xuất đơn thuần nên khi tiếp cận với kênh thương mại điện tử cũng gặp những khó khăn nhất định.
Đối với các gian hàng ở trên sàn thương mại điện tử, bước đầu, số lượng đặt hàng ít nên việc bảo quản để vận chuyển hàng hoá đến khách hàng cũng khó khăn. Bởi vì vải thiều cần quy trình đóng gói kỹ thuật và quy trình mà vận chuyển thì phải trong xe chuyên dụng, xe lạnh nên khi khách hàng đặt nhỏ lẻ thì khó khăn về phương thức vận chuyển tới khách hàng. Chưa kể, các HTX còn thiếu kỹ thuật viên trực khi các khách hàng online.
Tìm giải pháp tiêu thụ bền vững
Từ quá trình tiêu thụ sản phẩm, ông Dũng cho rằng, thương mại điện tử là phương thức tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng. Vì ngoài hỗ trợ doanh nghiệp bán được hàng, sàn thương mại điện tử còn giúp kết nối người bán với khách hàng, giúp quảng bá sản phẩm trên sàn.
Để tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử, thời gian tới, HTX Hồng Xuân xác định sẽ thay đổi cách bán hàng. Theo đó, ngoài việc bán hàng theo cách truyền thống thì HTX sẽ tiếp tiếp tục đưa lên sàn thương mại điện tử và Youtube để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Vải thiều là sản phẩm thế mạnh của huyện miền núi Lục Ngạn - Bắc Giang |
Bên cạnh đó, HTX sẽ tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức về khoa học kỹ thuật. Đồng thời, mở thêm một số các kho trung chuyển để tập kết hàng.
“Trước đây chúng tôi mới chỉ bán ở miền Bắc, nhưng vụ vải năm 2022, chúng tôi chuyển vào miền Nam thì ngay 2 ngày đầu thì chúng tôi đã nhận được đơn hàng vài chục tấn. Do đó, kho trung chuyển sẽ giúp hàng hoá giữ được chất lượng cho đến khi đưa đến tay người tiêu dùng” – ông Dũng cho hay.
Về phía địa phương, ông Phạm Công Toản chia sẻ, Bắc Giang đã nghiên cứu và xây dựng các chính sách giai đoạn 2021-2025 bằng việc khuyến khích, tạo động lực và không khí mới trong việc ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản.
Ông Toản nhấn mạnh: “Nhiều hợp tác xã đầu tiên cũng không biết làm thế nào, thế nhưng bây giờ bà con cũng đã đầu tư tiền mở gian hàng, đầu tư tiền để xây dựng thương hiệu, đóng gói sản phẩm, tem nhãn sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tôi thấy đây cũng là động lực để thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm”.