14/04/2025 17:51
Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

14/04/2025 17:51

Dược liệu Quảng Nam đần trở thành sinh kế thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp chế biến dược liệu quy mô lớn.
Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao

Dược liệu dưới tán rừng đang trở thành sinh kế thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp chế biến dược liệu quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Từ lợi thế tự nhiên đến hành lang chính sách

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh có gần 682.000 ha đất rừng. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên đạt hơn 461.000 ha, là vùng đất lý tưởng để phát triển cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích tím, sa nhân, lan kim tuyến, hà thủ ô…

Diện tích trồng cây dược liệu hiện có hơn 9.800 ha. Các vùng trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn – nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc Cơ Tu, Xê Đăng, Bh’noong, vốn có truyền thống sử dụng và bảo tồn dược liệu quý. Đáng chú ý, sâm Ngọc Linh – được mệnh danh là “quốc bảo” – hiện đã có diện tích trồng khoảng 1.243ha.

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao
Tỉnh Quảng Nam đã có hơn 1.200 ha sâm Ngọc Linh

Xác định phát triển dược liệu là trụ cột của kinh tế rừng, là hướng đi bền vững gắn với sinh kế đồng bào miền núi, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đưa phát triển dược liệu thành nhiệm vụ trọng tâm của chương trình kinh tế rừng và đã mở ra hướng đi bền vững cho các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Tại Nghị quyết này đã quy định cụ thể nhiều cơ chế hỗ trợ và bảo tồn phát triển cây dược liệu như về hỗ trợ bảo tồn, sản xuất cây giống; hỗ trợ phát triển trồng mới; hỗ trợ phát triển sản xuất.

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao

Trước Nghị quyết 09, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định bảo tồn và phát triển bền vững một số loài cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; từng bước xây dựng các vùng cây dược liệu phát triển ổn định, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; đưa ngành nghề trồng cây dược liệu tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tham gia bảo tồn, phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Ở tầm quốc gia, cây dược liệu cũng được xác định là lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030, nhằm hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo tồn nguồn gen và phát triển ngành hàng dược liệu bền vững.

Đây là những lợi thế cũng là tiền đề để Quảng Nam phát triển ngành công nghiệp dược liệu và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Đồng bào thiểu số làm kinh tế từ dược liệu: Từ hộ nghèo thành chủ vườn, chủ HTX

Nhờ những chính sách hỗ trợ, những năm gần đây nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam đã từng bước thoát nghèo và vươn lên nhờ trồng cây dược liệu.

Tại xã ATiêng (huyện Tây Giang), anh Nguyễn Văn Sao là một trong những người đầu tiên chuyển đổi từ trồng keo sang ba kích tím. Sau khi vay 150 triệu đồng đầu tư hơn 10.000 cây giống trên 1ha đất rừng, anh dự kiến sẽ thu về khoảng 2 tỷ đồng trong vòng 4 năm tới. “Ba kích tím dễ trồng, hợp khí hậu địa phương, thương lái đến tận vườn mua với giá 500.000–600.000 đồng/kg,” anh Sao nói và cho biết thêm, thời gian tới, gia đình anh dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng ba kích tím, bên cạnh đó sẽ trồng thêm một số cây dược liệu khác như cây râu hùm, sâm bảy lá một hoa. “Chúng tôi mong muốn có sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ một phần vốn, kỹ thuật, phân bón khi mở rộng diện tích trồng”, anh Sao bày tỏ.

Cũng ở Tây Giang, vợ chồng anh Bling Miêng đã phát triển hơn 15ha ba kích dưới tán rừng, kết hợp với mô hình homestay du lịch cộng đồng. “Chỉ có rừng và dược liệu mới cho nguồn thu nhập ổn định ở vùng biên này. Bà con nay không còn trồng sắn, keo mà chuyển sang quế và các cây dược liệu khác,” anh nói.

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao

Tại huyện Nam Trà My – “thủ phủ” sâm Ngọc Linh, số hộ trồng sâm đã tăng gấp hơn 10 lần sau 10 năm. Từ 110 hộ với 65ha vào năm 2014, đến nay đã có hơn 1.500 hộ trồng hơn 1.650ha sâm. Mỗi năm, riêng xã Trà Linh trồng mới hơn 323.000 cây sâm. “Sâm đã thực sự trở thành sinh kế cho người dân, đưa nhiều hộ thoát nghèo và giàu lên nhờ sâm,” ông Hồ Văn Dang – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Các hợp tác xã trồng sâm như Trà Linh, Trà Nam cũng dần hình thành mô hình sản xuất, bảo tồn nguồn gen và gắn kết cộng đồng.

“Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, đến nay huyện Nam Trà My đã thu hút được 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký hơn 341,7ha”, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng thông tin.

Theo UBND huyện Tây Giang, năm 2021, HĐND huyện Tây Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển đến năm 2030.

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao

Trong đó, huyện đã xác định 2 cây dược liệu chủ lực gồm: Ba kích, Đảng sâm, bên cạnh đó một số cây dược liệu cũng đang ưu tiên phát triển (sâm 7 lá 1 hoa, quế, sả hương Tây Giang, sa nhân tím,…) và huyện ưu tiên các nguồn lực từ các 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và có khoảng 10 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với khoảng trên 1.000 hộ dân từ khâu sản xuất, bao tiêu đầu ra, chế biến sản phẩm. Hiện nay thu nhập bình quân các hộ dân có trồng dược liệu quý tại một số xã ước khoảng 40 triệu đồng/người/năm (nguồn thu từ cây dược liệu chiếm khoảng 50% tổng thu nhập).

Đến nay, toàn huyện Tây Giang 1.100 ha diện tích Đảng Sâm, Ba kích, 7 sản phẩm từ dược liệu được công nhận 3 đến 4 sao OCOP; 2 giống cây dược liệu trên cũng đã được Cục Trồng trọt công nhận giống lưu hành đặc cách, đây là điều kiện để bảo tồn, phát triển, kinh doanh giống.

Huyện cũng đã đầu tư 2 vườn ươm giống dược liệu tại 2 xã (Atiêng, Axan) để đảm bảo nguồn giống phục vụ tại chỗ và các địa phương bên ngoài có nhu cầu. Thời gian tới, huyện Tây Giang tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia liên kết; đồng thời, kêu gọi một số doanh nghiệp có tiềm năng tham gia liên kết với các hợp tác xã bên trong để nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chế biến sâu, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Kỳ vọng trung tâm công nghiệp chế biến dược liệu quốc gia

Dù có nhiều khởi sắc, phát triển dược liệu ở Quảng Nam vẫn còn không ít điểm nghẽn. Liên kết giữa vùng nguyên liệu – cơ sở chế biến – thị trường tiêu thụ còn thiếu chặt chẽ. Nhiều nơi trồng dược liệu tự phát, chưa có quy hoạch vùng, thiếu hợp đồng bao tiêu và đầu ra chưa ổn định. Tình trạng khai thác dược liệu tự nhiên vẫn diễn ra, đe dọa nguồn gen quý hiếm.

Nhằm tháo gỡ những tồn tại và tạo cú hích đột phá, ngày 28/2/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 463/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển vùng nguyên liệu dược liệu bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số". Đề án xác định Quảng Nam là trung tâm phát triển dược liệu vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị khép kín, từ trồng – bảo tồn – chế biến – thương mại hóa sản phẩm.

Quyết định 463 cũng đề xuất hình thành các Trung tâm nghiên cứu, ươm tạo, chế biến dược liệu quốc gia tại Quảng Nam, gắn với các vùng trồng như Tây Giang, Nam Trà My, Đông Giang. Địa phương được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ Chương trình phục hồi kinh tế, Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và các dự án ODA, NGO trong lĩnh vực bảo tồn và y học cổ truyền.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, với cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 tiếp tục mở ra hướng sinh kế gắn với bảo vệ rừng cho người dân miền núi, khu vực biên giới. “Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản, dược liệu từ rừng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao

Quảng Nam là trung tâm công nghiệp dược liệu trọng điểm.

Quảng Nam: Quế Trà My vào vụ chính, giá bán ổn định

Bài và ảnh: Vũ Lê

Vũ Lê

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam phá sản

Công ty cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam phá sản

Nợ hơn 150 tỷ đồng kéo dài, Công ty cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam) thực hiện thủ tục phá sản trong năm 2025.
VCAMart:

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

Từ bản làng tới bàn ăn thành thị, VCAMart đang mở đường cho nông sản đồng bào dân tộc thiểu số miền núi “bắt sóng” số hóa, gia nhập sân chơi thương mại điện tử.
Đà Nẵng chuẩn bị nhà công vụ cho cán bộ sau sáp nhập tỉnh

Đà Nẵng chuẩn bị nhà công vụ cho cán bộ sau sáp nhập tỉnh

Thành phố Đà Nẵng đã tổng rà soát nhà ở xã hội, sẵn sàng bố trí cho cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam ra làm việc sau sáp nhập tỉnh (nếu có).