Đà Nẵng: Nhân rộng livestream bán hàng tại các chợ truyền thống Nông sản Đắk Lắk: Từ đất đỏ bazan vươn tầm thế giới Hương hồi Bình Liêu: Từ chợ quê lên kệ hàng thành phố |
Từ mạng xã hội đến siêu thị: Đường đi mới của nông sản miền núi
Từ xã Hồng Thượng (huyện A Lưới, thành phố Huế), chị Hồ Thị Nga (Kăn Ary, dân tộc Cơ Tu, huyện A Lưới) đã đưa chuối rừng, măng khô, các loại gia vị bản địa đến hệ thống siêu thị ở trung tâm thành phố Huế – điều mà cách đây vài năm chị chưa từng nghĩ đến.
Năm 2018, chị Nga thành lập Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch A Lưới với ước mong “làm hàng quê mà có đầu ra như phố”. Nhưng làm gì cũng khó, sản phẩm chưa ai biết, khách hàng chủ yếu là người quen, doanh thu loanh quanh chỉ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng.
Bước ngoặt đến khi chị tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi số do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới tổ chức. Biết sử dụng smartphone để chụp ảnh, quay clip, livestream giới thiệu sản phẩm, chị Nga mở trang Facebook riêng cho hợp tác xã, đồng thời đẩy mạnh bán hàng qua Zalo, Tiktok.
![]() |
chị Lê Thị Lai (thôn Agrồng, xã Atiêng, huyện Tây Giang) livestream bán hàng thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Bình An |
“Trước đây, bà con bán hàng kiểu tự phát, không biết quảng bá. Giờ ai cũng biết chụp ảnh, quay video, tương tác online. Bán hàng trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp chúng tôi nắm bắt thị hiếu khách hàng, điều chỉnh sản phẩm kịp thời”, chị Nga chia sẻ và cho biết, thông qua việc quảng bá hình ảnh qua mạng xã hội, qua các clip về quy trình sản xuất sản phẩm, đến nay, nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại 22 cửa hàng rau sạch, siêu thị ở Huế. Ngoài ra, hợp tác xã còn ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho trường học bán trú, nhà hàng, chợ đầu mối… với sản lượng lên đến 15 tấn mỗi tháng, doanh thu đạt gần 900 triệu đồng.
Tại huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), phụ nữ dân tộc Cơ Tu cũng đang mạnh dạn đưa nông đặc sản miền núi vượt ra khỏi bản làng, đến mới nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước thông qua các nền tảng số.
Chị Hôih Blúi (thôn Agrồng, xã Atiêng, huyện Tây Giang) cho biết, năm 2020, chị bắt đầu bán hàng để cải thiện thu nhập. Với chiếc điện thoại thông minh, chị livestream, quay clip giới thiệu sản phẩm ngay tại vườn hoặc nhà bếp.
Không chỉ có các loại nông sản tươi như rau rừng, quả dại, dược liệu, chị Blúi còn giới thiệu cơm lam, thịt gác bếp, cháo bắp, ốc nấu sắn – những món ăn truyền thống vốn chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội nay đã trở thành sản phẩm có thể đặt mua qua mạng. “Mình quay quy trình làm, thu mua tận nơi để khách tin tưởng. Đăng bài đều đặn thì người mua ngày càng nhiều”, chị nói.
![]() |
Chị Hôih Blúi chuẩn bị sản phẩm là các nông đặc sản của huyện Tây Giang để đăng bài bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh: Bình An |
Nhiều chị phụ nữ của huyện Tây Giang còn livestream để quảng bá gạp nếp than, đảng sâm, cam và sản phẩm từ thổ cẩm đến rộng rãi người xem mạng xã hội. "Ban đầu livestream hầu như không có người xem, nhưng sau khi học hỏi cách dẫn dắt, hình ảnh đẹp thì tương tác tăng dần và bắt đầu có người mua sản phẩm", chị Lê Thị Lai (thôn Agrồng, xã Atiêng, huyện Tây Giang) chia sẻ.
Tương tự, chị Alăng Oanh – Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi heo đen (xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, Quảng Nam), cũng đang thay đổi cách bán hàng nhờ chuyển đổi số. Với hơn 10 thành viên, tổ hợp tác từng chỉ bán heo đen quanh vùng. Nhưng từ khi chị Oanh biết dùng Facebook, Zalo làm “kênh bán hàng chính”, đơn hàng đã đến từ cả Đông Giang, Tây Giang, Hội An và thành phố Đà Nẵng.
“Có người nhắn tin đặt mua cả tháng, có nhà hàng đặt 3-5 con/lần. Họ thấy mình đăng bài thường xuyên, có quy trình nuôi sạch, nên rất tin tưởng”, chị Alăng Oanh thông tin.
Cần trợ lực để nông sản miền núi đi xa
Không riêng tổ hợp tác của chị Alăng Oanh, gần như 100% xã, thị trấn của huyện Nam Giang nay đã phủ sóng 4G, wifi giúp bà con dễ dàng tiếp cận công nghệ. Hội Phụ nữ huyện cũng thành lập gần 100 nhóm Zalo, Facebook với hơn 3.730 thành viên tham gia để trao đổi kinh nghiệm, mua bán sản phẩm, kết nối cung cầu.
“Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng thu nhập, mà còn là cách để chị em khẳng định vị trí trong gia đình và xã hội. Trước đây gùi hàng đi chợ, giờ chỉ cần đưa lên mạng là có người đặt mua”, bà A Rất Thị Hoa – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nam Giang nói.
Theo bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang, để hỗ trợ người dân làm quen với phương thức bán hàng trực tuyến, trong đó có bán hàng qua kênh livestream, hội đã tổ chức Ngày hội phụ nữ livestream trực tuyến tại xã Bhalêê, thu hút hàng trăm lượt tương tác. “Việc bán hàng qua các nền tảng số như thương mại điện tử, livestream, bán qua mạng xã hội… giúp chị em không chỉ tiêu thụ được nông sản, mà còn quảng bá văn hóa, giữ gìn nghề truyền thống”, bà Bríu Thị Nem cho hay.
![]() |
Cần có sự đồng hành cùng phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại để đưa nông đặc sản miền núi vươn xa. Ảnh: Bình An |
Dù đã mở được thị trường tiêu thụ, phần lớn sản phẩm của phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn gặp rào cản lớn khi đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu chứng nhận an toàn thực phẩm, bao bì còn sơ sài, sản phẩm chưa có truy xuất nguồn gốc hay mã QR.
Theo bà A Rất Thị Hoa, để sản phẩm vùng cao thật sự đứng vững trên thị trường, vào được các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi…., cần có những hỗ trợ bước đầu cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số như: Hướng dẫn đóng gói đúng chuẩn, hỗ trợ đăng ký mã QR, mã vạch, xây dựng thương hiệu, đăng ký OCOP hoặc tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. “Nhiều sản phẩm rất chất lượng, nhưng thiếu bước cuối cùng để vào siêu thị. Nếu được đồng hành kỹ thuật, chắc chắn sẽ làm được”, bà A Rất Thị Hoa nhận định.
Bên cạnh đó, hỗ trợ trong khâu vận chuyển hàng hóa từ miền núi đến điểm tiêu thụ; đẩy mạnh các chương trình kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản miền núi Quảng Nam với các đơn vị bán lẻ, chuỗi cửa hàng nông sản sạch. “Chúng tôi hướng tới mô hình ‘mỗi xã một sản phẩm có gương mặt phụ nữ làm chủ’. Bà con không chỉ làm nông, mà còn làm thương hiệu, làm thị trường. Đó là cách phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên bằng nội lực, giữ gìn bản sắc nhưng hội nhập hiện đại”, bà Bríu Thị Nem nói.
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, Huế đang tận dụng mạng xã hội, livestream để quảng bá và bán nông sản, từng bước đưa sản phẩm vào siêu thị, nhà hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản về bao bì, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng. Cần có sự đồng hành hỗ trợ người dân cả trong khâu sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để nông sản miền núi vươn xa. |