Thứ tư 23/04/2025 00:38

Viện trưởng AIT: Du lịch phiên bản 2025 ‘Một chuyến đi – nghìn đơn hàng’

Du lịch cộng đồng hiện nay không chỉ đơn thuần là khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hoá mà còn là kênh thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa vùng dân tộc thiểu số bền vững.

Hoạt động du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đang trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa vùng dân tộc thiểu số hữu hiệu. Từ lợi ích của "làn gió" du lịch mang lại cho đời sống kinh tế, nhiều địa phương đã quan tâm, đầu tư thúc đẩy nhằm tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, cũng như giữ gìn được những giá trị bản sắc văn hoá truyền thống. Ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.

Khách du lịch tìm hiểu hàng hóa của bà con dân tộc. Ảnh: Hoa Quỳnh

"Cầu nối" tiêu thụ hàng hóa bền vững

- Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến các mô hình du lịch cộng đồng phát triển rất ấn tượng, đặc biệt mô hình này đã góp phần mở thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ông có thể chia sẻ rõ hơn tác động tích cực từ cầu nối du lịch đối với phát triển thị trường hàng hóa của vùng dân tộc thiểu số?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung, thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương như phong cảnh, văn hoá…

Đây cũng là loại hình du lịch tạo cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau. Khi du khách trải nghiệm các truyền thống văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán của cộng đồng, họ không chỉ hiểu rõ hơn về nền văn hóa đó mà còn có trách nhiệm bảo tồn và phát triển nó. Điều này thúc đẩy sự tự tin của cộng đồng trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa của họ.

Không chỉ vậy, thời gian qua, việc phát triển du lịch cộng đồng tại nhiều vùng dân tộc thiểu số thật sự đã góp phần khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương. Đặc biệt, việc thực hiện mô hình du lịch bền vững còn góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững.

Như chúng ta thấy, du lịch phát triển, các nghề truyền thống của cộng đồng được “hồi sinh”, duy trì, sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú đáp ứng cho hoạt động du lịch tại địa phương. Việc kết hợp du lịch với các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm không chỉ mang lại lợi nhuận ngắn hạn mà còn giúp tạo dựng thị trường ổn định lâu dài cho hàng hoá của đồng bào.

Và, du khách không chỉ tiêu thụ hàng hóa một lần mà còn có thể trở thành khách hàng trung thành, giới thiệu sản phẩm cho người khác. Bên cạnh đó, du lịch cũng là cầu nối giúp các sản phẩm của dân tộc thiểu số tìm được những nhà phân phối, các kênh bán lẻ chuyên nghiệp, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Khi có thị trường tiêu thụ, bà con dân tộc thiểu số sẽ tích cực hơn trong việc giữ gìn văn hóa bản địa và phát huy tốt nhất giá trị văn hoá của mỗi vùng đất, mỗi địa phương. Mặt khác, khi sản phẩm đưa vào phục vụ thị trường khách du lịch, bà con cũng dần thay đổi nhận thức về chuẩn hóa sản phẩm để tiếp cận các thị trường lâu dài.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI)

- Thực tế hiện nay, với sự thay đổi nhận thức về kinh tế du lịch, cộng đồng bà con đã đầu tư và sản xuất sản phẩm chất lượng để phục vụ du khách. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như tăng cơ hội tiêu thụ hàng hóa của bà con dân tộc thiểu số, theo ông còn những hạn chế nào?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Hiện nay, hàng hóa và sản phẩm do đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất đều mang đậm bản sắc văn hóa và chất lượng đang dần cải thiện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của du khách, các sản phẩm cần đa dạng hơn về mẫu mã. Đơn cử, một số sản phẩm như trang sức thủ công, đồ dệt, và thực phẩm truyền thống đã thu hút được sự quan tâm của du khách, nhưng vẫn cần cải tiến hơn nữa để phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường hiện nay.

Ngoài ra, như tôi đã chia sẻ ở trên chúng ta cần chuẩn hóa mọi sản phẩm, các sản phẩm này từ yếu tố văn hóa và bản địa nhưng nó phải được chăm sóc, sản xuất hay hoàn thiện theo những quy định chung vừa tạo sự uy tín và bảo vệ tốt nhất cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để gia tăng sức tiêu thụ hàng hóa của bà con qua du lịch, chính quyền địa phương cần hỗ trợ cung cấp các khóa đào tạo về sản xuất, thiết kế và tiếp thị sản phẩm cho bà con; cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các hộ sản xuất để họ có thể đầu tư cải tiến sản phẩm, thúc đẩy sản xuất đáp ứng nhu cầu của hoạt động du lịch, đồng thời phát triển thương hiệu trên thị trường.

Tăng liên kết giữa doanh nghiệp và cộng đồng

- Một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ đó là tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng với doanh nghiệp để cải thiện chất lượng sản phẩm, cũng như tạo đầu ra bền vững cho hàng hóa của vùng dân tộc thiểu số. Ông chia sẻ gì về ý kiến này?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Bởi, liên kết giữa doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất địa phương đóng vai trò quan trọng vì nó tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp có thể cung cấp các nguồn lực như tài chính, kỹ thuật, và hệ thống tiếp thị, trong khi cộng đồng cung cấp các sản phẩm độc đáo mang bản sắc văn hóa. Mô hình này không chỉ giúp bà con tiêu thụ hàng hóa mà còn thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã bắt đầu quan tâm đến việc phát triển mô hình liên kết này nhưng mức độ thực hiện còn hạn chế. Đã có những chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và doanh nghiệp về lợi ích của việc liên kết. Cung cấp một số hình thức hỗ trợ như tài chính hoặc công nghệ cho doanh nghiệp hợp tác với cộng đồng.

Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp có thể hợp tác lập chuỗi cung ứng với những đơn vị sản xuất nông sản, thủ công mỹ nghệ địa phương để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cao. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà xưởng sản xuất hoặc công nghệ chế biến cho bà con để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể giúp quảng bá sản phẩm địa phương thông qua các sự kiện, hội chợ và tour du lịch, qua đó giới thiệu sản phẩm của bà con đến khách hàng.

Du lịch đang là kênh kết nối tiêu thụ hàng hóa vùng dân tộc thiểu số quan trọng. Ảnh: Nam Nguyễn

Cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối

- Hiện, việc sáp nhập tỉnh đang được kỳ vọng sẽ mở không gian, mạng lưới phân phối, tiêu thụ cho hàng hóa vùng dân tộc thiểu số. Để tận dụng cơ hội này, theo ông cần thúc đẩy các biện pháp gì?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Việc sáp nhập tỉnh là một bước đi quan trọng trong quá trình cải cách hành chính và phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, sáp nhập tỉnh có thể mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, giúp các sản phẩm đặc sản của các dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận với các thị trường mới; góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu cho các sản phẩm dân tộc thiểu số trên thị trường rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, việc này cũng có thể gây ra sự xáo trộn trong các kênh tiêu thụ truyền thống, ảnh hưởng đến việc duy trì thị trường ổn định cho các sản phẩm đặc trưng. Theo đó, cần sớm thiết lập các ban điều hành liên kết giữa các sở ngành thuộc tỉnh với các cộng đồng sản xuất để thường xuyên theo dõi và điều chỉnh các chính sách phát triển sản xuất cho bà còn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm, chú trọng hơn đến xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho vùng dân tộc thiểu số, để đảm bảo rằng sản phẩm của bà con có thể tiếp cận thị trường một cách hiệu quả. Ngoài ra, để tiêu thụ hàng hóa vùng dân tộc thiểu số khi sáp nhập tỉnh trở nên hiệu quả, việc xây dựng các kênh phân phối bền vững là điều quan trọng. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển các kênh thương mại điện tử, giúp sản phẩm của các vùng dân tộc thiểu số tiếp cận thị trường rộng rãi.

Ngoài ra, chính quyền địa phương và các tổ chức, du lịch du lịch cần phối hợp tạo ra các điểm bán sản phẩm tại các khu du lịch, các chợ phiên hoặc các sự kiện văn hóa. Tăng cường đào tạo và nâng cao kỹ năng sản xuất cho bà con, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường và cách thức tiếp cận khách hàng qua các kênh phân phối hiện đại, cũng như qua các hoạt động, sự kiện văn hoá, du lịch.

Xin cảm ơn ông!

Cộng đồng bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần sự đồng hành của chính quyền, các tổ chức du lịch và các doanh nghiệp để xây dựng một mô hình phát triển bền vững trong tiêu thụ hàng hóa, tạo dựng thương hiệu sản phẩm.
Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới

Gia Lai tăng giá trị cho cà phê đặc sản

Gia Lai phát triển chợ vùng sâu, mở lối sinh kế bền vững

Từ chợ bản đến chuỗi siêu thị: Hành trình vươn xa của sản phẩm vùng dân tộc Bắc Giang

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

‘Bắc cầu’ thị trường cho nông sản vùng cao: Khơi thông từ chính sách tới hành động

Long nhãn Sơn La - 'vàng ngọt' của núi rừng Tây Bắc

Chè Shan tuyết - ‘vàng xanh’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Hàng hóa của bà con đồng bào dân tộc ‘đắt khách’ tại Hội chợ VITM Hà Nội

Mật ong Cao Bằng: ‘Gieo’ thương hiệu, ‘gặt’ đầu ra bền vững

Đào tiên Ngân Sơn: Trái ngọt đổi thay vùng đất khó

Tập livestream bán hàng, phụ nữ Cơ Tu đưa thẳng hàng lên kệ siêu thị

Bà con nông dân Gia Lai đổi đời nhờ cây mía

Nông sản Đắk Lắk: Từ đất đỏ bazan vươn tầm thế giới

Hương hồi Bình Liêu: Từ chợ quê lên kệ hàng thành phố

Yên Bái ‘mở lối’ cho hàng hóa vùng cao vươn xa