Thứ bảy 10/05/2025 00:46

Người dân xã đạt chuẩn nông thôn mới ở huyện miền núi Quảng Nam: Còn nhiều tâm tư

Lên nông thôn mới, nhưng người dân xã Tabhing (huyện Nam Giang, Quảng Nam) lại có nhiều tâm tư, vướng mắc.

Lương giảm, cơ chế chính sách bị cắt

Đến thời điểm hiện tại, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) vẫn là huyện “trắng” nông thôn mới. Là một trong những huyện biên giới (giáp Lào) với địa hình phức tạp nên cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Sau nhiều năm nỗ lực, đã có 2 xã của huyện Nam Giang hoàn thành 19/19 tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới đó là xã Tà Bhing và xã La Dêê. Nhưng niềm vui chưa kịp đến thì những khó khăn, vướng mắc đã xuất hiện.

Sau 10 năm phấn đấu, xã Tà Bhing (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đã cán đích nông thôn mới

Theo bà A Viết Xinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Bhing, việc xã đạt chuẩn để nâng lên thành xã nông thôn mới mới chỉ có quyết định chưa công bố nhưng những chính sách liên quan đã ảnh hưởng tới người dân cũng như cán bộ của xã.

Ảnh hưởng đầu tiên là những hỗ trợ chính sách về chế độ ăn bán trú của học sinh sẽ bị cắt. “Trước đây, mỗi học sinh miền núi khó khăn sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khi đạt chuẩn nông thôn mới, những chế độ này cũng bị cắt khiến cho gia đình của nhiều học sinh gặp khó khăn. Vì không có tiền ăn bán trú nên buộc các em học sinh phải sáng đi học, trưa về nhà; chiều đến trường và tối ba mẹ lại đón về. Chính vì vậy, cuộc sống của người dân có nhiều đảo lộn”, bà Xinh nói.

Trong hơn 1 tuần vừa qua, cha mẹ của các em học sinh phải đưa đón thường xuyên do các em không ở lại buổi trưa (thay vì sáng đưa đi, chiều đón về). “Mình có 2 đứa con đang đi học, mà 2 điểm trường cách xa nhau hơn 10km (điểm trường mầm non và điểm trường THCS) nên mỗi lần đưa đón rất khổ. Đường thì xấu, bụi mù trời, lại phải chia người ra đưa đón các cháu nên không có thời gian để làm rẫy”, chị A Rất Bôn (32 tuổi, xã Tà Bhing) chia sẻ.

Cũng theo chị Bôn, việc cắt hỗ trợ tiền ăn bán trú đối với các gia đình như nhà chị gặp nhiều khó khăn. “Giờ muốn các em được bán trú thì phải đóng tiền vào. Mỗi cháu trên 300 nghìn/tháng. Mình có 2 cháu đang đi học là hơn 600 nghìn/tháng. Với người đồng bào ở trên này, đó là cả một số tiền lớn”, chị Bôn nói thêm.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách của các cán bộ, giáo viên tại xã cũng bị giảm mạnh. “Lương của cán bộ, giáo viên nơi đây sẽ bị giảm đi một nửa so với trước do các chế độ liên quan như: phụ cấp xã khó khăn, phụ cấp lâu năm, phụ cấp vùng miền sẽ bị cắt”, bà Xinh cho biết.

Xã Tà Bhing (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đủ điều kiện lên nông thôn mới nhưng người dân có nhiều tâm tư

Tìm cách tháo gỡ

Xã Tà Bhing có diện tích tự nhiên 15.886,45ha, chia làm 3 thôn được bố trí dọc tuyến đường 14D (dài 12km), người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Tu, chiếm tỷ lệ 87,79%, dân tộc khác chiếm tỷ lệ 12,21% dân số. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã là 46,61 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đánh giá nông thôn mới năm 2024 của xã là 12,84%, cụ thể: tổng số hộ nghèo, cận nghèo: 105 hộ (trong đó: hộ nghèo: 85 hộ; hộ cận nghèo 20).

Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - cho biết: Lãnh đạo huyện đã ghi nhận những phản ánh này từ xã. Do đây là 2 xã đầu tiên của huyện được công nhận là xã nông thôn mới nên vẫn có nhiều vấn đề vẫn chưa thể giải quyết ngay. "Thật ra, câu chuyện này đối với các xã nông thôn mới ở khu vực miền núi, biên giới nói chung đã từng gặp phải và chính quyền các cấp đã có cách giải quyết. Cái khó ở đây là huyện Nam Giang mới lần đầu tiên về đích 2 xã nông thôn mới nên cần phải có ý kiến xin hướng dẫn, chỉ đạo về các vấn đề liên quan từ UBND, HĐND tỉnh”, ông Chương nói.

Đại diện UBND huyện Nam Giang cũng cho biết, huyện đang xin ý kiến, hướng dẫn của tỉnh và các sở, ngành để trả lời, hướng dẫn giải thích các chế độ, chính sách còn tiếp tục thực hiện và các chế độ, chính sách dừng thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các xã nông thôn mới và người dân thuộc các xã nông thôn mới để tổ chức làm việc, tuyên truyền cho người dân được biết và hiểu.

Cụ thể là hướng dẫn thực hiện các chính sách dành cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động (kể cả viên chức sự nghiệp giáo dục, y tế) hiện đang công tác tại các xã thuộc khu vực II, III, nay được công nhận xã nông thôn mới; người dân, học sinh, sinh viên đang sinh sống tại các xã thuộc khu vực II, III nay được công nhận xã nông thôn mới; các mô hình trường bán trú tại các xã nông thôn mới.

Nông thôn mới là đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước để từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời xoá bỏ đi tâm lý thụ động, ỷ lại của nhiều người dân chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, bước đầu, với sự thay đổi các chính sách khiến người dân còn tâm tư, thiết nghĩ nên có những giải pháp làm bước chuyển để người dân thích ứng và tạo sự đồng thuận cao khi các xã miền núi lên nông thôn mới.

Xã Tabhing (huyện Nam Giang, Quảng Nam) vừa đạt 19/19 tiêu chuẩn để được công nhận là xã nông thôn mới. Tuy nhiên, việc chuyển từ một xã nghèo theo diện chính sách hỗ trợ lên xã nông thôn mới (các chính sách hỗ trợ giảm mạnh) khiến người dân còn nhiều tâm tư.
Nguyễn Dương
Bài viết cùng chủ đề: nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

‘Bắc cầu’ thị trường cho nông sản vùng cao: Khơi thông từ chính sách tới hành động

Long nhãn Sơn La - 'vàng ngọt' của núi rừng Tây Bắc

Chè Shan tuyết - ‘vàng xanh’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Mật ong Cao Bằng: ‘Gieo’ thương hiệu, ‘gặt’ đầu ra bền vững

Tập livestream bán hàng, phụ nữ Cơ Tu đưa thẳng hàng lên kệ siêu thị