Điểm nóng 24h ngày 13/9: Nhân chứng kể lại giây phút thoát nạn kỳ diệu trong cơn lũ quét Làng Nủ
Vụ lũ quét Làng Nủ: Tìm thấy 11 người, người đàn ông kể lại giây phút thoát chết kinh hoàng
Trong vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến gần 100 người chết và mất tích tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, kỳ tích xảy ra khi 3 gia đình kịp thoát nạn.
Ông Hoàng Văn Tiện và Hoàng Văn Duân (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Lào Cai) |
Sáng 13/9, 2 gia đình thoát nạn được xác định là ông Hoàng Văn Tiện và ông Hoàng Văn Duân (là 2 anh em ruột) có nhà bị lũ quét san phẳng. Chính quyền địa phương và người dân nghĩ 2 trường hợp này đã mất tích trong bùn lũ. Đến sáng 13/9, gia đình 2 anh em ông Tiện và ông Duân đã tới cơ quan chức năng trình báo vẫn an toàn.
Theo lời ông Hoàng Văn Duân kể lại, từ hôm trước xảy ra lũ quét, bố đẻ của ông bị ốm nên vợ con ông đã sang thăm và chăm sóc rồi ngủ lại ở đó, chỉ còn mình ông ngủ ở nhà.
Sáng hôm sau, ông Duân dậy từ 5h sáng, đi kiểm tra đồng ruộng rồi đến nhà bố mình để gọi vợ con về nhà. Trên đường về gần tới nhà, ông nghe thấy tiếng nổ lớn từ trên núi, sau đó là đất đá ầm ập đổ xuống. Ông vội vàng hô vợ con chạy. Và chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, họ nhìn lại phía sau thì thấy đất đá khổng lồ đã đổ ập xuống thôn Làng Nủ.
Còn với ông Tiện, nhà ở gần suối, sáng sớm hôm xảy ra lũ quét ông Tiện bị đánh thức sớm bởi tiếng đá suối va vào nhau do nước chảy mạnh. Ông dậy từ 5h sáng, đi ra suối xem tiếng lục cục phát ra là do đâu, rồi về nhà đánh thức vợ con dậy để đi sang xem khu vực taluy nhà ông nội bị sạt lở.
Vừa đi được một đoạn, ông Tiện nghe thấy tiếng nổ rất lớn từ trên núi con Voi, một lượng đất đá khổng lồ bị hất tung lên bầu trời, sau đó đổ ụp về phía thôn Làng Nủ. Cả nhà ông hô hào nhau bỏ chạy. Trong tích tắc cả thôn đã bị sang phẳng, không nhìn thấy ngôi nhà nào cả.
"Tôi liền đi sang xem thế nào, lúc vừa quay gần tới nhà về thì nghe nổ bùm một cái, nhìn lên thấy nước và đất bắn tung lên trời cao đến 200-300 m. Tôi chỉ kịp hô vợ con chạy thoát thân. Khoảng 3 phút sau nhìn lại thì cả làng đã bị nước, bùn đất san phẳng, chẳng còn gì"- ông Tiện bàng hoàng nhớ lại.
Cũng theo ông Tiện, lúc đó 2 anh em ông đã dậy sớm cùng lúc nên đã kịp chạy thoát thân, còn những người hàng xóm cạnh nhà, những ai còn chưa dậy đều bị bùn đất san phẳng, hiện nhiều người vẫn chưa được tìm thấy.
Một lúc sau, khi đã định thần lại, ông Tiện quay trở lại hiện trường, thấy một cháu bé mắc kẹt trong đất đá, ông kéo được cháu ra và cứu thoát cháu bé này (những người khác trong gia đình cháu bé hiện nay vẫn mất tích). Sau đó, ông còn kéo được hai cháu bé thoát khỏi bùn lũ là Hoàng Gia Bảo và Nguyễn Thị Tuynh, năm nay đều 7 tuổi, đang học lớp 2.
Tính đến 16 giờ 15 phút ngày 13/9 đã có thêm 3 người dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) may mắn thoát chết trong lũ dữ do đi làm ăn xa. Như vậy, trong ngày hôm nay, Làng Nủ có 11 trường hợp nghi mất tích đã trở về.
Cụ thể, đây là 3 người trong một gia đình có mẹ là Nguyễn Thị Hồng (sinh 1991); hai con là Hoàng Thị Hiểm (sinh 2008), Hoàng Trung Huyên (sinh năm 2010) đi làm ăn ở Yên Bái, bị lũ cô lập mất liên lạc, nay đã trở về an toàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Làng Nủ có 36 người được xác định mất tích; 48 người chết và 17 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện. Số người an toàn đến thời điểm hiện tại là 57 người. Các lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tích cực tìm kiếm nạn nhân bị mất tích.
Lào Cai: Quyết định sinh tử của trưởng thôn 9x cứu 115 người dân thoát sạt lở
Mới đây, lực lượng chức năng tìm thấy 70 người chạy lên núi lánh nạn tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai. Trả lời với báo chí, ông Nguyễn Quốc Nghi - Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà cho biết, thôn Kho Vàng được sáp nhập từ 2 thôn Bản Vàng và Kho Lạc. Những người dân chạy lên núi tránh sạt lở là những người thuộc thôn Bản Vàng trước đây.
“Chính xác là họ có 115 khẩu, hiện đều đã lên khu vực an toàn để tránh sạt lở”, ông Nghi nói.
Trước đó, ngày 10/9, chính quyền xã Cốc Lầu nhận được thông tin thôn Kho Vàng xảy ra sạt lở khiến nhiều người mất tích, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu, tìm mọi cách để liên hệ với trưởng thôn Kho Vàng nhưng không liên lạc được. Chính quyền địa phương cứ tưởng trưởng thôn và nhiều người dân đã bị cuốn theo lũ quét mất tích. Nhưng may mắn, trước khi xảy ra sạt lở một ngày, 115 người trong thôn Kho Vàng đã kịp thời sơ tán lên núi theo lệnh di dân "thần tốc" của trưởng thôn Ma Seo Chứ.
Chính quyền, công an vui mừng khi tất cả 115 người dân thôn Kho Vàng vẫn an toàn (Ảnh: Lê Hương) |
Anh Ma Seo Chứ (33 tuổi) hiện là trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà. Vào ngày 9/9 anh cùng 7 người trong thôn đã kiểm tra quanh quả đồi trên làng và phát hiện một vết nứt rộng 20cm dài 30cm. Ngay lập tức, anh Chứ nhận thấy nguy cơ sạt lở cao và đã trở về thôn vận động mọi người rời đi.
Ngay trong sáng 9/9, toàn bộ 17 hộ dân với 115 nhân khẩu của thôn Kho Vàng dưới sự chỉ huy của Trưởng thôn Vàng Seo Chứ đã di tản lên núi. Tại đây, Trưởng thôn Chứ cùng thanh niên trong thôn dựng 14 chiếc lán bằng bạt. Anh Chứ cũng cho biết, phía dưới khu dân cư anh ở khoảng 4km, là một khu dân cư khác cùng thôn. Tuy nhiên, khu này lại nằm sát bờ sông Chảy, đường đi bị sạt lở nghiêm trọng, điện thoại lại không có sóng, nên anh không thể tiếp cận và thông báo về kế hoạch di dời của mình cho bà con.
Tới trưa 11/9, chính quyền địa phương vượt 15km và đã tìm thấy 17 hộ với 115 người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) ở trên núi cách thôn 1km. Chính quyền xã đã cử lực lượng chức năng vận chuyển lương thực lên hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Hơn 203.700 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng sau mưa lũ
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến sáng 13/9, bão và mưa lũ đã khiến hơn 74.500 hộ/130.246 người dân phải di dời, sơ tán, với khoảng 203.700 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng.
Bão số 3 và mưa lũ trong gần 1 tuần qua đã khiến hơn 136.700 nhà ở các tỉnh phía Bắc bị hư hỏng. Trong đó, Quảng Ninh hơn 70.600 nhà; Hải Phòng 40.000 nhà; Bắc Ninh có 3.470 nhà, Lạng Sơn gần 3.000 nhà; Bắc Giang gần 3.290 nhà; Yên Bái gần 1.380 nhà..
Ngoài ra, còn có hơn 67.000 ngôi nhà bị ngập, tập trung nhiều nhất ở Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội…. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị thiệt hại.
Về nông nghiệp, thống kê cho thấy có hơn 202.004 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại tại các tỉnh, thành phố, tập trung ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang...
Ngoài ra, có hơn 39.000 ha hoa màu bị ngập úng; gần 22.290 ha cây ăn quả bị hư hại; gần 1.850 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 4.600 con gia súc, gần 1,8 triệu con gia cầm bị chết...
Từ 15h chiều nay (13/9), cầu Long Biên và cầu Đuống chính thức mở lưu thông trở lại
Chiều ngày 13/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội chính thức thông báo dỡ bỏ lệnh cấm người và phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên và cầu Đuống sau khi nước sông rút và tình hình giao thông đã an toàn trở lại. Bắt đầu từ 15h cùng ngày, các phương tiện như xe máy, xe đạp, phương tiện thô sơ và tàu hỏa có thể lưu thông bình thường trên cả hai cầu. Đây là tín hiệu tích cực, đánh dấu sự khôi phục giao thông quan trọng sau những ngày bão lũ ảnh hưởng do cơn bão số 3.
Cầu Long Biên và cầu Đuống chính thức mở lưu thông trở lại. (Ảnh MH) |
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải, trên cầu Long Biên và cầu Đuống, người đi bộ, xe thô sơ và các phương tiện hai bánh được phép lưu thông theo cả hai chiều. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các phương tiện tải trọng trên 13 tấn vẫn bị cấm lưu thông qua cầu Đuống. Đồng thời, Sở đã chỉ đạo thu hồi các biển báo cấm tại hai đầu cầu để đảm bảo giao thông thông suốt.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định rằng việc khôi phục giao thông sẽ được giám sát chặt chẽ. Các lực lượng chức năng cũng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình mực nước sông Hồng và sông Đuống, đồng thời điều chỉnh khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Hà Nội cũng được yêu cầu tăng cường lực lượng để giám sát, xử lý vi phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường qua hai cầu này. Việc dỡ bỏ lệnh cấm đã giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn sau những ngày bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
This browser does not support the video element.