Thủ tướng yêu cầu sớm ổn định hoạt động sau khi sáp nhập Thái Bình, Hưng Yên
Sáng 12/5, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình 4 tháng đầu năm 2025 và nhiệm kỳ 2020 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến; thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Thái Bình chưa phát huy hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; kinh tế chưa có bước phát triển bứt phá, đột phá - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phân tích thêm một số khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế của tỉnh, Thủ tướng cho rằng Thái Bình chưa phát huy hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; kinh tế chưa có bước phát triển bứt phá, đột phá. Quy mô nền kinh tế nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Tổng mức bán lẻ và doanh thu tiêu dùng dịch vụ tuy tăng cao nhưng có xu hướng giảm với kết quả 4 tháng các năm 2023, 2024, 2025 lần lượt là 17,9%, 16,5% và 16,1%).
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, cần đánh giá hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Thái Bình, từ đó có giải pháp phù hợp, đột phá, mang tính điểm tựa, đòn bẩy để tăng trưởng trong năm 2025 đạt 2 con số và phát triển bứt phá trong 5 năm tới.
Thủ tướng chỉ ra một số tiềm năng, lợi thế nổi bật của tỉnh như: Truyền thống lịch sử - văn hóa phong phú, nhân dân cần cù, đất hẹp người đông, lực lượng lao động lớn, điều kiện tự nhiên, đặc biệt là biển và khả năng lấn biển, khai thác hiệu quả quỹ đất.
Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần lấn biển để có không gian mới cho khu kinh tế, hạ tầng, công nghiệp để phát triển bứt phá. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chỉ rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu thứ nhất, cần chủ động, quyết liệt triển khai tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, trên cơ sở bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội.
Nhấn mạnh việc Thái Bình sáp nhập cùng Hưng Yên sẽ tạo không gian, động lực phát triển mới, Thủ tướng yêu cầu sớm ổn định hoạt động các cơ quan, lưu ý bảo đảm thực hiện thông suốt, hiệu quả dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, chú trọng xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công, chuyển từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ.
Thứ hai, quyết tâm, quyết liệt thực hiện tăng trưởng 2 con số. Tỉnh có nhiều điều kiện để thực hiện điều này nhờ chính trị ổn định, nông nghiệp là một thế mạnh, xây dựng các khu công nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, xã hội; lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội để phát triển, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng lưu ý tỉnh đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì cho các sản phẩm, nghiên cứu, khai thác những mặt hàng thế mạnh, đặc sản như bánh cáy, xôi kê…
Thứ ba, tập trung nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm các Nghị quyết của Bộ Chính trị về "bộ tứ chiến lược": Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66), phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68).
Thứ tư, kết nối nền kinh tế Thái Bình với vùng Đồng bằng sông Hồng, với miền Trung, qua Hải Phòng – Quảng Ninh kết nối với Trung Quốc, kết nối khu vực, kết nối quốc tế.
Thứ năm, trong điều kiện đất hẹp, người đông, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lấn biển để phát triển khu kinh tế, phát triển công nghiệp, bến cảng, hạ tầng; dành phần đất phía trong để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
9 nhiệm vụ cụ thể
Chỉ đạo 9 nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu nào hoàn thành thì phải cố gắng hoàn thành tốt hơn, mục tiêu nào chưa hoàn thành thì phải có giải pháp, cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đạt được trong năm 2025.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng với đó, chủ động, quyết liệt triển khai các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; chuẩn bị tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Nghiên cứu, khai thác hiệu quả đất đai; phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình phải xong trong năm 2026.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; chăm lo y tế, giáo dục, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quyết tâm về đích sớm trong phong trào "Cả nước xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025"; triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất.
Thủ tướng cơ bản đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, trong đó có nội dung liên quan phát triển khu kinh tế Thái Bình, yêu cầu xây dựng đề án, dự án cụ thể để triển khai.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất với quy mô 10 làn từ khu vực TP. Hưng Yên tới khu vực TP. Thái Bình, từ đó kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng.
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương và đề nghị triển khai nhanh dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa 1.500 giường và đề án phát triển Đại học Y Dược Thái Bình thành trường Đại học Y Dược hàng đầu của Việt Nam và tiến tới trình độ tiên tiến khu vực, đạt chuẩn quốc tế. Với yêu cầu triển khai nhanh trong khoảng 2 năm, định hướng là bệnh viện thông minh, đại học thông minh, Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án này trong tổng thể triển khai Nghị quyết 57.
Thời gian qua, kinh tế của tỉnh Thái Bình tiếp tục phát triển. GRDP quý I/2025 tăng 9,04%, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020-2025 và cao hơn mức tăng GDP cả nước (6,93%). Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Năm 2024, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 15; Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) xếp thứ 21; Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong tốp 30 cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có gần 12,5 nghìn doanh nghiệp, gấp hơn 2 lần so với năm 2020. Trong 4 tháng năm 2025, vốn FDI đăng ký đạt trên 585 triệu USD, gấp gần 4 lần cùng kỳ, nâng tổng vốn FDI đăng ký giai đoạn 2020-2025 lên trên 5,4 tỷ USD, gấp 14,5 lần giai đoạn trước. Tỉ lệ giải ngân 4 tháng ước đạt 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân cả nước (15,6%). Tỉnh đã quan tâm, tổ chức triển khai phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trong năm 2025", phấn đấu hoàn thành trước 20/6/2025. |