Tầm nhìn vượt thời đại
Ngày 13/10/1945, chỉ hơn một tháng sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi giới Công Thương, nhấn mạnh: “Giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.
Với tầm nhìn vượt thời đại, Bác khẳng định tầm quan trọng của phát triển kinh tế cùng vai trò của giới Công Thương cả trước mắt và lâu dài trong công cuộc gìn giữ độc lập dân tộc: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
![]() |
Bác Hồ thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ năm 1954. |
80 năm qua, tinh thần bức thư vẫn nguyên giá trị. Bối cảnh ra đời của bức thư Bác gửi cho giới Công Thương cả nước thật đặc biệt nhưng thông điệp như đã được thời gian minh chứng là bất hủ.
Thời gian cũng đã nói với chúng ta rằng, bức thư không chỉ là lời kêu gọi hành động mà còn là di sản tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của ngành Công Thương trong sự nghiệp xây dựng đất nước dù phải kinh qua thử thách nào, bối cảnh nào.
Một trong những điểm quan trọng nhất của bức thư đó là đặt nền móng khai sinh, mở lối phát triển cho ngành Công Thương - cơ quan quản lý hoàn toàn mới cho những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước.
Điều đó đến sau đó 6 năm, vào ngày 14/5/1951, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, đánh dấu sự ra đời của ngành Công Thương Việt Nam.
Vượt qua thử thách, vươn tới đỉnh cao
Sự ra đời của Bộ Công Thương ngay giữa khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp đã cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thực hiện song hành hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.
Tầm nhìn ấy của vị lãnh tụ cũng chính là kim chỉ nam cho hành trình lịch sử 74 năm ngành Công Thương đồng hành, cùng phát triển với lịch sử đất nước. Đó vừa là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là nhiệm vụ vẻ vang của ngành Công Thương.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương thăm, thị sát Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất (tháng 7/2024) |
Giai đoạn từ 1951 - 1975 có thể coi là giai đoạn Công Thương trong lửa đạn chiến tranh. Ngành Công Thương đã xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu; duy trì sản xuất công nghiệp phục vụ tiền tuyến và hình thành các xí nghiệp quốc doanh đầu tiên.
Đến giai đoạn từ 1975 - 1986 là giai đoạn ngành Công Thương vượt qua thách thức thời bao cấp. Tuy phải đối mặt với khó khăn từ cơ chế tập trung quan liêu, song toàn ngành từng bước khôi phục sản xuất sau chiến tranh và duy trì hệ thống phân phối trong điều kiện khan hiếm.
Giai đoạn từ 1986 đến nay chính là giai đoạn toàn ngành Công Thương bứt phá cùng công cuộc đổi mới khi nền công nghiệp đi từ sản xuất thủ công đến công nghiệp hiện đại với giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 300 lần. Điểm ý nghĩa ở đây là đã hình thành các trung tâm công nghiệp lớn.
Thương mại của chúng ta không chỉ bảo đảm nhu cầu trong nước mà còn thực sự vươn ra toàn cầu với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 5 tỷ USD (năm 1990) lên 730 tỷ USD (năm 2024). Việt Nam đã ký kết 17 FTA, trong đó có các hiệp định lớn như CPTPP, EVFTA. Công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định với giá trị gia tăng ngành công nghiệp bình quân khoảng 7%/năm, đóng góp trên 25% GDP.
Thúc đẩy chuyển đổi số ấn tượng với sự phát triển thương mại điện tử. Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đó còn là nỗ lực trong ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, kiểm soát tốt giá cả, hàng hóa thiết yếu, phòng chống buôn lậu, hiện đại hóa phân phối, nâng cao chất lượng tiêu dùng.
Những điểm nhìn tương lai
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhìn nhận giới Công Thương là lực lượng kinh tế, mà còn là thành phần quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay, tinh thần “gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn” được hiểu là trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước, không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì lợi ích xã hội, cộng đồng.
Doanh nhân Công Thương cần đẩy mạnh trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thực hành đạo đức kinh doanh, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và tiên phong trong các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ vùng khó khăn, góp phần vào ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Ngành Công Thương cần hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thông minh, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa chuỗi cung ứng.
Chính phủ và Bộ Công Thương phải đóng vai trò kiến tạo, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng xanh, quỹ đổi mới sáng tạo. Đây là cách để thực hiện lời Bác dạy về “kiến quốc”, tức xây dựng nền công nghiệp và thương mại độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập.
Cùng với đó là xây dựng và nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ứng dụng chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn quốc tế, vững vị trí trong các chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành, cần có những chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thị trường, công nghệ, vốn và kỹ năng quản trị. Đây là lực lượng chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp nhưng còn thiếu sức bật nếu không được hỗ trợ kịp thời.
80 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương, việc thực hiện lời Bác không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là niềm vinh dự thiêng liêng của toàn ngành Công Thương. |