Tin Công Thương 9/5: Phê duyệt khung giá nhập khẩu điện Tin Công Thương 8/5: Chuẩn hóa chất lượng để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả Tin Công Thương 7/5: Hoàn thiện quy định về xuất xứ hàng hóa |
Lĩnh vực năng lượng
Tạp chí Kinh tế - Tài chính hôm nay, ngày 12/5, đăng tải thông tin: "Chuyên gia kinh tế nói gì về quyết định tăng giá điện của EVN?"
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế - Tài chính về tác động của việc tăng giá điện thêm 4,8% từ ngày 10/5/2025, TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp – thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, điện cần cho mọi ngành kinh tế cũng như cuộc sống của nhân dân. Do đó việc tăng giá điện sẽ có tác động đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Giá điện tăng sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ (theo tính toán của Bộ Tài chính, giá điện tăng 5% sẽ kéo CPI tăng 0,17%).
Theo TS. Lê Quốc Phương, để có thể giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết song cần có lộ trình hợp lý, tránh tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân cần triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện. Ngành điện lực thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, như giảm chi phí thường xuyên, chi phí sửa chữa, vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, huy động tối đa nguồn điện giá rẻ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá chặt chẽ, tránh hiện tượng "té nước theo mưa" trong việc tăng giá điện. Đặc biệt, công tác thông tin truyền thông phải đảm bảo thông tin một cách hiệu quả, rõ ràng về các chỉ đạo điều hành của Chính phủ. "Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ chính sách", TS. Phương nói.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Báo Gia Lai đưa tin: "Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng 45%"
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 4/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 26.590 tấn hồ tiêu, trị giá hơn 184 triệu USD (tăng 1,3% về lượng và tăng 58% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó, hồ tiêu đen đạt 23.271 tấn, hồ tiêu trắng đạt 3.319 tấn.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Báo Kinh tế đô thị đăng tải thông tin: "Hàng Việt bứt tốc nhờ làn sóng mở chuỗi bán lẻ hiện đại"
Không chỉ phát triển ở thành thị, các “ông lớn” bán lẻ như WinCommerce, Thế giới Di động, Saigon Co.op… đang tăng tốc mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi về tận xã, huyện, thôn, xóm. Cuộc đua này không chỉ nhằm chiếm lĩnh thị phần bán lẻ, mà còn là cơ hội lớn để hàng Việt phủ sóng thị trường nội địa sâu rộng hơn bao giờ hết.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) mới chỉ chiếm được hơn 22% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Còn lại phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, đại lý bán lẻ... chiếm đến 78% thị phần trong cơ cấu bán lẻ của hàng Việt Nam. Nhằm khai thác thị trường này các công ty, tập đoàn bán lẻ quy mô lớn của Việt Nam như Co.op Mart, Satra Foods, Vinmart+…đang đầu tư khai thác.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các nhà bán lẻ đưa vào hoạt động nhiều điểm bán hàng tiện lợi sẽ làm “nóng” lên sức mua của thị trường nội địa. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, hệ thống cửa hàng tiện lợi là cầu nối cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt. Vì vậy trong thời gian tới ngành công thương Hà Nội sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp bán lẻ trong việc phát triển hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; Chú trọng kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, vận hành, phát triển hệ thống bán lẻ.
![]() |
Người tiêu dùng mua sắm hàng tiêu dùng tại cửa hàng tiện lợi Winmart. Ảnh: Hoài Nam |
Lĩnh vực công nghiệp
Trang tin tổng hợp stockbiz.vn đưa tin: "Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự rút gọn"
Bộ Công Thương vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch khoáng sản theo trình tự rút gọn sau khi 46/63 tỉnh, thành phố đồng loạt phản ánh gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Những mâu thuẫn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác theo Bộ Công Thương đã khiến nhiều dự án, công trình triển khai gặp khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Sự mâu thuẫn giữa Quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch cấp quốc gia như quy hoạch sử dụng đất, lâm nghiệp, năng lượng... Do tổng chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội và Chính phủ phân bổ cụ thể, nên khi Quy hoạch khoáng sản lấn sang các loại đất khác, địa phương không thể triển khai dự án theo đúng pháp luật. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 54a Luật Quy hoạch năm 2017, bổ sung bởi Luật 57/2024/QH15, nhằm tiết kiệm thời gian và phù hợp với tính chất kỹ thuật của quy hoạch ngành quốc gia.
Lĩnh vực phòng vệ thương mại
Tạp chí điện tử vietq.vn đăng tin: "Tăng cường phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng hóa xuất khẩu"
Trước làn sóng điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng và phức tạp từ các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, đồng thời tăng cường hợp tác với cơ quan chức năng để bảo vệ lợi ích xuất khẩu. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa và từng bước áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế. Đây là những yếu tố then chốt để chứng minh tính hợp lệ trước các cuộc điều tra.