Muốn có xe sớm thì…
Không có hóa đơn, không chứng từ, không ràng buộc pháp lý,… nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận trả thêm tiền để mua một chiếc ô tô, tài sản lớn với giá trị lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng là nghịch lý đang tồn tại giữa thị trường ô tô Việt. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mới đây đã chính thức lên tiếng cảnh báo tình trạng phát sinh chi phí không chính thức trong các giao dịch mua bán ô tô, đặc biệt với những dòng xe khan hiếm. Thực tế này dù không phải hiện tượng mới, lại đang lan rộng, tinh vi và khiến niềm tin của người tiêu dùng bị xói mòn từng ngày.
Chị Minh Hằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ lại trải nghiệm mua xe không mấy vui vẻ dịp Tết 2025. Sau gần 2 tháng tìm hiểu, chị chốt mua một mẫu xe Hàn Quốc được ưa chuộng. Nhưng khi liên hệ với đại lý, chị được báo rằng xe đang khan hàng và nếu muốn có xe kịp trước Tết, cần “hỗ trợ thêm” một khoản phí gọi là “giữ chỗ ưu tiên” với số tiền 10 triệu đồng.
“Nhân viên nói, nếu không muốn chờ vài tháng thì thêm phí, trong khi đó tiền thì chuyển vào tài khoản cá nhân. Không có phiếu thu, không hợp đồng. Tôi hỏi, nếu xe không về thì sao? Họ nói cứ yên tâm, nhưng cảm thấy không an toàn nên tôi đã từ chối đóng khoản phí này”, chị Hằng cho hay.
![]() |
Tình trạng phát sinh chi phí không chính thức trong các giao dịch mua bán ô tô không phải là hiện tượng mới. Ảnh minh họa |
Không chỉ có “phí giữ chỗ”, nhiều người tiêu dùng cũng được đề nghị mua thêm phụ kiện, bảo hiểm hoặc dịch vụ chăm sóc xe với giá cao hơn thị trường để được ưu tiên nhận xe sớm. Anh Tuấn Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, tháng 10/2024 anh liên hệ với một đại lý xe ở Cầu Giấy để đặt mua một chiếc xe Mỹ thì được nhân viên tư vấn là phải đặt cọc và đăng ký mua gói phụ kiện khoảng 60 - 80 triệu đồng để được nhận xe trong tháng 12/2024, còn không mua gói phụ kiện thì phải chờ sang năm 2025. Dù không bắt buộc, nhưng “gợi ý đầy ám chỉ” này khiến người tiêu dùng gần như không có lựa chọn nào khác nếu không muốn bị trì hoãn thời gian nhận xe.
Câu chuyện của chị Hằng, anh Hưng không phải cá biệt. Tình trạng này, theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã diễn ra dưới nhiều hình thức: Từ “giao dịch tay đôi” giữa nhân viên và khách, cho đến việc đặt cọc mập mờ không rõ bản chất, khiến người tiêu dùng rơi vào thế bị động và thiếu căn cứ pháp lý để bảo vệ mình.
Dưới góc độ pháp lý, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay, những hành vi kể trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, theo Điểm k, Khoản 1, Điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng là hành vi bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó, Điều 29 của Luật này cũng quy định rõ: Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo đúng quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
“Với các hành vi vi phạm nêu trên, nếu có căn cứ xác định rõ tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh liên quan, cơ quan chức năng có quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, đại diện Ủy ban cho hay.
![]() |
Thị trường ô tô Việt Nam ngày càng tăng trưởng nhanh, mỗi ngày bán ra hàng nghìn xe. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ căn cứ để phản ánh hoặc khiếu nại. Bởi lẽ, việc thực hiện giao dịch trực tiếp với nhân viên không có chứng từ đi kèm khiến người mua rơi vào thế bất lợi hoàn toàn. Không ít trường hợp người tiêu dùng bị chiếm đoạt tiền hoặc rơi vào cảnh chờ đợi kéo dài vì nhân viên cố tình không giải quyết hoàn trả tiền đặt cọc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính và mục tiêu mua sắm của họ.
Quan trọng hơn, khi phát sinh mâu thuẫn hoặc tranh chấp, nếu không có tài liệu, chứng từ xác minh, người tiêu dùng khó lòng đưa sự việc ra cơ quan chức năng hay yêu cầu đại lý chính thức giải quyết. Đại lý hoàn toàn có thể từ chối trách nhiệm, cho rằng giao dịch là giữa cá nhân với cá nhân, nằm ngoài phạm vi quản lý.
Không được ép khách trả phí ngoài hợp đồng
Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro và bất công trong giao dịch, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đưa ra một loạt khuyến nghị cụ thể và thiết thực: Đối với người tiêu dùng, cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định mua xe như: Tra cứu giá niêm yết chính thức từ nhà sản xuất hoặc các kênh thông tin uy tín để tránh bị nâng giá; so sánh chính sách bán hàng, ưu đãi giữa các đại lý nhằm lựa chọn đơn vị minh bạch, rõ ràng nhất; thận trọng với mọi đề nghị giao dịch không có hóa đơn, giấy tờ hợp pháp; đặc biệt là các khoản “phí giữ chỗ” hay “đặt cọc ưu tiên” từ cá nhân nhân viên.
Đồng thời, người tiêu dùng cần yêu cầu bên bán cung cấp bảng giá chi tiết bằng văn bản, bao gồm các khoản phí phát sinh và thời gian dự kiến bàn giao xe trước khi thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào. Cùng với đó là đọc kỹ hợp đồng mua bán, bao gồm cả những điều khoản in nhỏ hoặc dễ bị bỏ qua; hay lưu giữ đầy đủ các tài liệu như hợp đồng, hóa đơn, biên lai, giấy đặt cọc để làm căn cứ khi có tranh chấp.
Đối với doanh nghiệp, đại lý phân phối ô tô, theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trách nhiệm không chỉ là bán được xe mà còn là thực hiện đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi khách hàng và xây dựng uy tín thương hiệu. Theo đó, cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, giá bán, chính sách hậu mãi, phí phát sinh (nếu có). Đặc biệt là cần công khai rõ mối quan hệ giữa đại lý phân phối và nhà sản xuất để người tiêu dùng hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên.
Ngoài ra, doanh nghiệp, đại lý phân phối ô tô cần xây dựng chính sách bán hàng minh bạch, trong đó yêu cầu nhân viên không được phép yêu cầu, dụ dỗ hoặc ép buộc khách thanh toán khoản phí ngoài hợp đồng; đào tạo nhân viên về đạo đức nghề nghiệp và quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; có cơ chế giám sát nội bộ, xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên vi phạm hoặc lợi dụng danh nghĩa đơn vị để trục lợi cá nhân.
“Đặc biệt là triển khai các chương trình khuyến mãi đúng quy định, rõ ràng và minh bạch để tăng giá trị cho người tiêu dùng mà không làm phát sinh chi phí bất hợp lý”, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị.
Từ thực trạng đang diễn ra trên thị trường, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị người tiêu dùng nên thực hiện tiêu dùng thông minh: Nâng cao nhận thức pháp lý, luôn cảnh giác với các giao dịch không minh bạch và chủ động phản ánh hành vi vi phạm đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ rằng, uy tín và tính minh bạch trong giao dịch không chỉ là yếu tố pháp lý mà còn là tài sản thương hiệu dài hạn. Một thị trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch sẽ chỉ được hình thành khi cả người mua và người bán cùng hành động đúng trách nhiệm và quyền hạn của mình. |