Thứ hai 23/12/2024 02:11

Xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi: Câu chuyện từ trà Shanam

Sau hơn 5 năm kiên trì xây dựng thương hiệu, bằng chất lượng và câu chuyện về cây trà cổ thụ, trà Shanam đã trở thành sản phẩm được yêu thích.

Định vị thương hiệu bằng chất lượng vượt trội

Năm 2020, ngành trà Việt có một thành tích rất quan trọng - Giải Bạc Châu Á - Thái Bình Dương (không có giải Vàng) tổ chức tại Trung Quốc cho sản phẩm Bạch trà thiên của thương hiệu trà Shanam. Giới nghiện trà trong nước gần như bị rúng động, bởi đây là một giải thưởng rất quan trọng và có uy tín với ban giám khảo toàn là những “ông lớn” về trà của thế giới.

Tiếp ngay sau đó, thương hiệu trà Shanam đã được tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào top 1 dòng trà xanh trên thế giới với số điểm gần như tuyệt đối là 94/100 điểm, tiếp tục khẳng định chất lượng thương hiệu.

Một sản phẩm trà Shanam

Chia sẻ về câu chuyện đưa sản phẩm trà shan tuyết của bà con đồng bào Mông tại Tà Xùa và Sơn La trở thành sản phẩm hàng hoá, bà Phạm Thị Việt Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (TAFOOD) cho biết, đây là câu chuyện chung của rất nhiều làng nghề Việt Nam cũng gặp phải. Do đó, khi quyết định xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trà Shan, TAFOOD đã quyết định chọn cái tên Shanam để giúp cho người tiêu dùng định hình được việc cái tên này sẽ bảo lãnh cho một vùng mà nghe đến đó đã hình dung ra vùng đất của những sản phẩm trà chuẩn và có chất lượng tốt nhất.

“Đối với Shanam - đây là cái tên đã được lựa chọn ngay từ những ngày đầu TAFOOD xây dựng nhà máy tại Tà Xùa. Shanam có nghĩa là trà shan tuyết Việt Nam - cái tên đã giúp hình dung ra cả vùng đất với những cây trà shan cổ thụ” - bà Hà chia sẻ.

Để sản xuất ra trà Shanam, TAFOOF đã làm việc với bà con dân tộc từ những ngày đầu. Những công nhân đầu tiên được mời vào trong nhà máy thậm chí còn không biết chữ, học mấy tháng cũng chỉ biết ký tên. Nhưng đến nay, họ đều đọc thông viết thạo và thậm chí giao tiếp với người Kinh rất giỏi. Hiện nay, công nhân thu mua trà nguyên liệu cũng như công nhân trong nhà máy và thậm chí là nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng của trà Shanam ở xã Tà Xùa, Huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đều là người dân tộc Mông.

Điều thứ hai, TAFOOD đã dạy cho bà con biết yêu cây trà. Yêu rồi mới dạy cho công nhân thu hái làm sao để đúng kỹ thuật. Vì cây trà là cây ăn lá, nếu bà con hái đúng kỹ thuật thì mùa sau cây sẽ lại ra nhiều búp hơn và cứ như vậy sản lượng sẽ tăng lên.

“Những ngày đầu khi dạy bà con thì bà con bảo là hôm nay hơi bận, phải đi đám cưới hoặc bận việc làm nương sẽ không đi hái trà. Nhưng như vậy thì sẽ qua mất ngày tốt. Chính vì vậy, Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đã bắt tay cùng địa phương thành lập Hợp tác xã Trà Tà Xùa. Hợp tác xã là nơi thu mua lá trà, cũng như dạy bà con cách thu hoạch những phần trà tốt, đạt tiêu chuẩn để đưa vào trong nhà máy. Nhà máy cũng cam kết bao tiêu hết vùng nguyên liệu để cho bà con yên tâm gắn bó với công ty” – bà Hà cho biết.

Thời điểm khi TAFOOD mới lên làm việc với bà con, búp trà của cây trà Shan tuyết cổ thụ được bán với giá 20.000 đ/kg, trong khi các cây trồng mới lại đang bán với giá là 40.000 đ/kg. Nguyên nhân là bà con sao trà Shan tuyết bằng lửa từ củi nên không đủ nhiệt để có thể diệt được men của búp trà to (một búp trà cổ thụ rất to), cho nên sẽ không tạo ra được một phẩm trà chuẩn, bà con thường hay gọi là trà đắng. Chính vì thế khi đem bán ra thị trường thì người bán gọi là trà đắng và người mua không mua.

Khi Công ty lên với Tà Xùa, ngay lập tức thu mua búp trà cho bà con 40.000 đ/kg, bằng các phẩm trà mới, đồng thời yêu cầu bà con không cần phải chế biến, cứ hái về đúng kỹ thuật thì thậm chí còn được mua giá cao hơn. Khi đó, bà con nhìn thấy được lợi ích của việc hái bán đúng kỹ thuật nên cũng có ý thức và họ thấy yêu cây trà hơn.

Cho đến hiện nay, công ty còn sẵn sàng trả giá đến 150.000-160.000 đ/kg trà được hái với kỹ thuật cao nhất, còn giá bình quân mua trà tươi tại Tà Xùa là 80.000 đ/kg, có thể nói là cao nhất Việt Nam hiện nay.

Tìm thị trường cho sản phẩm

Có được sản phẩm đã khó, tìm thị trường cho sản phẩm trà còn khó hơn. Khi thương hiệu Shanam ra mắt thương hiệu vào tháng 12/2017, khi tham gia các hội chợ, triển lãm, thậm chí những người làm trà còn phải cầm ảnh để kể cho khách hàng biết là trà này được sản xuất từ cây cổ thụ như thế nào? Thậm chí còn phải truyền thông về cây trà trước, sau đó cho khách hàng uống thử rồi mới truyền thông đến sản phẩm.

Cây trà shan tuyết cổ thụ ở Sơn La

Thế nhưng đến nay, được sự cộng hưởng của truyền thông và của chính quyền địa phương, Shanam đã định vị thương hiệu là dòng trà Shan chất lượng phù hợp với rất nhiều đối tượng, thị trường. Ví dụ như những sản phẩm để cho người già tránh mất ngủ; những sản phẩm cho các bố, các mẹ và cho các bé hoặc là cho các bà…

Đặc biệt, bên cạnh trà truyền thống, TAFOOD còn tiên phong sản xuất trà ép bánh Shanam, dòng sản phẩm mới lạ, độc đáo mang lại nhiều giá trị về văn hóa cũng như kinh tế cho địa phương trong vài năm trở lại đây. Thương hiệu trà Shanam cũng đã được nhiều người yêu trà trên toàn quốc biết đến như là một thương hiệu tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triên các dòng sản phẩm trà lên men, trà ép bánh của Việt Nam.

Kiên trì như vậy, đến nay, sau hơn 5 năm, bà Phạm Thị Thu Hà chia sẻ, sản phẩm đã chinh phục tốt người tiêu dùng, giúp đời sống của bà con làm trà thay đổi rất nhiều. Nếu như những ngày đầu đặt công ty ở đây, xã Tà Xùa là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn cấp độ 3 thì đến nay, đời sống của bà con đã có nhiều đổi khác. Nhiều gia đình đã có xe máy, tivi, cái đói cái nghèo đã lùi xa.

“Thương hiệu trà Shanam định hướng mục tiêu chinh phục thị trường trong nước trong 5 năm đầu tiên và đến nay đã được người tiêu dùng trong nước khá yêu mến. Có được điều này là do người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm trà Việt, mang hương vị Việt và truy xuất nguồn gốc rõ ràng” - bà Hà khẳng định.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Xây dựng thương hiệu

Tin cùng chuyên mục

Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Tuyên Quang: Đẩy mạnh kết nối cung- cầu hàng hóa nông sản với các địa phương

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc

Huyện Bắc Yên – Sơn La: bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ nguồn vốn chính sách giảm nghèo

Huyện Thuận Châu – Sơn La Chương trình 1719 giúp thay đổi đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện miền núi A Lưới

Lâm Đồng: Những gương điển hình trong phát triển kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số