Điện Biên bứt phá tiêu thụ nông sản: ‘Bệ phóng’ từ hạ tầng thương mại mới Kết nối cung cầu tạo đà đưa nông sản Huế vươn xa Sơn La: Gieo hạt liên kết, gặt mùa tiêu thụ |
Ở những miền đất gập ghềnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi khí hậu khắc nghiệt lại ban tặng cho bà con dân tộc thiểu số những sản vật đặc hữu,… nhưng câu chuyện tiêu thụ nông sản lâu nay vẫn là bài toán đầy thách thức.
Trong cái khó ấy, một lối đi mới đang dần được định hình, đó là việc kết hợp nông nghiệp đặc sản với phát triển du lịch trải nghiệm. Trong cuộc trò chuyện với Báo Công Thương, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế đã chia sẻ nhiều góc nhìn chiến lược để nâng tầm thương hiệu, cũng như thúc đẩy tiêu thụ nông sản miền núi, không chỉ gói gọn trong bữa ăn mà còn ghi dấu trong hành trình ký ức của mỗi du khách.
Hình thành chuỗi sản phẩm du lịch mang tính “ký ức”
- Từ góc độ du lịch trải nghiệm, ông đánh giá thế nào về tiềm năng gắn kết giữa nông sản miền núi và các sản phẩm du lịch?
TS. Nguyễn Minh Phong: Khi còn làm ở nhóm tư vấn kinh tế cho Hà Nội, chúng tôi đã từng đề xuất phát triển mô hình kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, hình thành các vùng nông nghiệp du lịch sinh thái. Ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đặc sản, hoàn toàn có thể xây dựng các quần thể bao gồm: hộ gia đình, trang trại trồng các loại cây đặc sản, vừa để sản xuất, vừa để du khách tham quan, trải nghiệm. Quan trọng là họ không chỉ ăn thử, mua về mà còn có thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất: trồng cây, triết cành, đặt tên cho cây… tạo nên mối gắn bó mang tính cá nhân.
![]() |
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng |
Chuỗi sản phẩm du lịch kiểu đó không chỉ thỏa mãn nhu cầu chiêm ngưỡng, trải nghiệm mà còn hình thành kết nối tình cảm như một sợi dây kỷ niệm giữa khách du lịch và vùng đặc sản. Từ đó, họ có thể quay lại nhiều lần, thậm chí coi nơi đó như “ngôi nhà thứ hai” nơi mình có một gốc cây để chăm sóc, một ký ức để trở về.
Tất nhiên, để làm được điều đó, đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất cao từ phía các cơ quan quản lý địa phương và tổ chức làm du lịch. Phải nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, xây dựng chuỗi sản phẩm vừa phù hợp với thực tế địa phương, vừa có tính mới mẻ và hấp dẫn.
Tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử, mạng xã hội
- Ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, mô hình “chợ quê du lịch”, “tour nông sản” đã rất thành công. Việt Nam có thể học hỏi gì và cần điều chỉnh ra sao để phù hợp với điều kiện miền núi, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Phong: Việt Nam có rất nhiều đặc sản, đó là điều không phải bàn cãi, nhờ sự đa dạng khí hậu và thổ nhưỡng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xây dựng được chuỗi sản phẩm xuyên vùng miền. Trên thực tế, du lịch Việt Nam đã có những mô hình liên kết theo các chuỗi di sản văn hóa vật thể, phi vật thể… Vậy tại sao chúng ta không xây dựng thêm các chuỗi sản phẩm du lịch gắn với đặc sản vùng miền, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa?
Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách bài bản. Nên lập các nhóm chuyên gia, các tổ chức doanh nghiệp có kinh nghiệm để xây dựng chuỗi sản phẩm kiểu “chợ quê du lịch”, kết hợp giữa văn hóa, đặc sản, trải nghiệm. Phải tạo ra điểm đến có tính bản địa rõ ràng, có sản phẩm gắn liền với đất, với người, với câu chuyện riêng.
Ngoài ra, thương mại điện tử, mạng xã hội và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản gắn với du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi mà chúng ta nên tận dụng triệt để.
![]() |
Việc kết hợp giữa phát triển du lịch và quảng bá sản phẩm đặc sản đang là hướng đi mới, bền vững cho bà con dân tộc thiểu số, miền núi. Ảnh: Tuấn Ngọc |
Nông sản miền núi không chỉ để ăn mà để nhớ
- Theo ông, làm thế nào để xây dựng “thương hiệu du lịch nông sản miền núi” đủ mạnh để du khách không chỉ ăn mà còn mua đem về, kể lại cho người khác?
TS. Nguyễn Minh Phong: Đây là hướng đi rất đúng cho phát triển đặc sản, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Đầu tiên, ở những nơi đã có lợi thế như Sa Pa hay các vùng trồng cây đặc sản có tiếng, cần quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với hệ thống hạ tầng phụ trợ: có vườn, có nhà ở, lán trại, khu vực nghỉ tạm, nơi thưởng ngoạn đủ điều kiện để phục vụ các đoàn du khách, nhóm gia đình, tour trải nghiệm.
Quan trọng là phải xây dựng được tiêu chí phục vụ: Thân thiện nhất, chuyên nghiệp nhất, gần gũi nhất. Khi khách đến, họ không chỉ ăn mà còn có mối liên hệ cá nhân, có địa chỉ cụ thể, có người dân địa phương giới thiệu sản phẩm. Từ đó, họ có thể truyền miệng cho bạn bè, người thân,… hình thành kênh truyền thông hiệu quả nhất là “truyền thông từ trải nghiệm cá nhân”.
Tôi tin rằng với truyền thống hiếu khách, mô hình du lịch kết hợp homestay, ăn - ngủ - sinh hoạt cùng người bản địa sẽ rất hấp dẫn. Quan trọng nhất vẫn là phải giữ được bản sắc: Nhà người dân tộc không thể giống nhà phố, bữa ăn vùng cao không thể giống cơm hộp văn phòng. Mất bản sắc là mất luôn động lực quay trở lại.
Đừng biến du lịch thành “chợ rong cao cấp”
- Có ý kiến cho rằng, nếu không quy hoạch bài bản, việc kết hợp du lịch với tiêu thụ nông sản sẽ trở thành “bán hàng rong cao cấp”. Ông nghĩ sao?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi hoàn toàn đồng tình với cảnh báo này. Tôi đã từng đến nhiều địa điểm du lịch ở nhiều vùng miền và rất tiếc khi thấy một số nơi biến điểm du lịch thành nơi bán hàng rong có cả hàng Trung Quốc, hàng trôi nổi… chứ không còn là sản phẩm của địa phương, không còn là không gian văn hóa nguyên bản.
Khi để mất bản sắc, khi không kiểm soát được sản phẩm bán ra thì sẽ biến du lịch thành “chợ rong cao cấp”. Như thế, du khách chắc chắn không quay lại lần thứ hai.
Vì vậy, điều kiện tiên quyết khi phát triển du lịch gắn với tiêu thụ nông sản là phải bảo tồn được văn hóa bản địa. Ăn, mặc, ở, sinh hoạt,… tất cả phải giữ được hồn cốt của vùng miền. Sản phẩm bày bán phải là đặc sản địa phương, do chính người dân bản địa sản xuất. Chỉ có như vậy, trải nghiệm của du khách mới đủ sâu sắc, đủ chân thực, đủ để họ muốn quay lại, mua thêm và giới thiệu cho người khác.
- Xin cảm ơn ông!
Với những chia sẻ giàu tính thực tiễn và góc nhìn chiến lược, TS. Nguyễn Minh Phong đã mở ra một lối đi mới đầy tiềm năng cho nông sản miền núi: Không đơn thuần là tiêu thụ, mà là trao truyền giá trị, gắn kết cảm xúc, tạo dựng thương hiệu sống động giữa con người và sản vật bản địa. Đó là bài toán không dễ, nhưng một khi giải được, sẽ tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho cả kinh tế và văn hóa của những miền đất vùng cao. |