Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ
Nhiều năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã không ngừng nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc, từng bước đưa diện mạo nông thôn chuyển mình mạnh mẽ. Những ngôi làng khang trang, những cánh đồng xanh tốt, những khu dân cư tràn ngập tiếng cười trẻ thơ... đang trở thành hình ảnh quen thuộc nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính sách đi vào cuộc sống
Kon Tum có trên 55% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 20 thành phần dân tộc khác nhau sinh sống. Đây cũng là địa phương có địa hình đồi núi phức tạp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên việc phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào luôn là một bài toán khó. Thấu hiểu điều đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xác định việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Huyện Ngọc Hồi từng bước thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Huyện Ngọc Hồi có trên 57% dân số là người dân tộc thiểu số. Vì thế, việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đây, gia đình chị Y Hiếu (37 tuổi, dân tộc Xơ Đăng, ở thôn Long Đôn, xã Đăk Ang) thuộc diện khó khăn. Đầu năm 2023, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, chị được xã Đăk Ang hỗ trợ 2 cặp bò để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài cấp bò giống, địa phương còn hỗ trợ gia đình chị Y Hiếu về giống cỏ trồng và kỹ thuật chăm sóc bò. Được tiếp sức để phát triển sinh kế, chị học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn, nỗ lực chăm sóc cho bò sinh trưởng tốt. Đầu năm nay, con bò giống đã sinh sản, giúp chị có thêm nguồn lực kinh tế.
đồng bào dân tộc thiểu số |
Gia đình chị Y Hiền (41 tuổi, dân tộc Gié - Triêng, ở thôn Nông Nhầy 2, xã Đăk Nông) chưa hết phấn khởi khi được ở trong căn nhà mới, kiên cố. Chị Y Hiền chia sẻ: “Sau khi lập gia đình, tôi được cha mẹ cho đất làm nhà tạm để ở. Không có đất canh tác, vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn. Căn nhà gỗ dựng tạm cũng đã xuống cấp trầm trọng. Trong năm 2021 và 2022, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, mỗi lần vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau một năm, thu nhập của gia đình tăng lên, cuộc sống ổn định. Nhờ đó, gia đình tôi mới có thể làm căn nhà mơ ước. Chỗ ở ổn định, gia đình tôi phấn khởi, yên tâm, cố gắng làm ăn để cải thiện cuộc sống hơn nữa”.
Theo ông Đinh Thế Hồi - Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ngọc Hồi, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm đúng mức. Các chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư có trọng điểm vào các lĩnh vực quan trọng, thiết thực, đảm bảo phục vụ hiệu quả sản xuất và đời sống của người dân, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
Kinh tế khởi sắc, đời sống nâng cao
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc ở Kon Tum đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân không còn dựa vào phương thức canh tác lạc hậu mà từng bước tiếp cận các mô hình sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, bơ, sầu riêng, măng cụt... được mở rộng diện tích, nâng cao năng suất. Nhiều mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới được hình thành, mở ra hướng phát triển bền vững cho vùng đồng bào.
Nhờ các chính sách hỗ trợ, người dân vươn lên phát triển kinh tế |
Thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Sa Thầy đã triển khai đầu tư 2 dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở các xã đặc biệt khó khăn cho 370 hộ dân; chuyển đổi nghề cho 658 lượt hộ; hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 57 lượt hộ; cấp nước sinh hoạt cho 897 lượt hộ; xây dựng 6 điểm truy cập internet và xây dựng 80 công trình cơ sở hạ tầng các loại phục vụ giao thông, sản xuất, sinh hoạt.
Những chính sách hiệu quả của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương đã giúp huyện Sa Thầy vươn mình khởi sắc. Toàn huyện hiện có 100% xã, thị trấn có trục đường chính đến trung tâm huyện đã được cứng hóa, đảm bảo đi lại 2 mùa; 100% thôn, làng có trục đường chính đến trung tâm xã và hệ thống đường nội thôn, làng được cứng hóa; các trục đường đi khu sản xuất đa số đã được đầu tư phục vụ vận chuyển nông sản cho người dân.
Diện tích đất canh tác được tưới tiêu của các xã cơ bản đáp ứng nhu cầu; 100% thôn, làng và 100% người dân đã được sử dụng điện lưới; 100% xã, thị trấn có Trạm y tế đạt chuẩn y tế và có bác sỹ, y tá khám, chữa bệnh. Địa phương có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1.025 hộ, chiếm 6,99%.
Xác định xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, vươn lên tự chủ, tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ trong thời gian tới. Trong đó, tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng trong việc dẫn dắt, hướng dẫn bà con thực hiện các chủ trương, chính sách mới.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 65/498 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 12,45% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số, bình quân giảm từ 3-4%/năm. |