Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng chủ trì hội nghị.
![]() |
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBDT và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT; lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, UBND, lãnh đạo Ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc, lãnh đạo một số sở, ban, ngành 52 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Năm 2021, trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thiên tai gây thiệt hại lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán vẫn tiếp diễn ở Đồng bằng sông Cửu Long… với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, UBDT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 đề án; 2 đề án đã trình chờ phê duyệt; 1 đề án đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp để có căn cứ trình Chính phủ. Trong đó, lần đầu tiên có một chương trình lớn dành riêng cho vùng DTTS&MN, đó là Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết định được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho vùng DTTS&MN trong thời gian tới.
Năm 2021 cũng là năm thứ 2 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, UBDT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bằng các thứ tiếng dân tộc; vận động đồng bào phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai các gói cứu trợ của Nhà nước đến những người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ở vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ trực tiếp cho gia đình hộ nghèo, học sinh, sinh viên DTTS bị mắc Covid-19 có đời sống khó khăn.
![]() |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Tại 52 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, Ban Dân tộc và cơ quan dân tộc các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện liên quan để thực hiện chương trình; tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn và cam kết giải ngân vốn đầu tư công theo quy định.
Cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương còn ban hành các chính sách đặc thù riêng của địa phương dành cho đồng bào DTTS nhằm ổn định đời sống người dân, giữ gìn an ninh - trật tự, phát huy bản sắc các dân tộc.
Từ những kết quả đạt được trong năm 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết: năm 2022, UBDT sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, chính sách dân tộc của Việt Nam luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Với hệ thống các chính sách ngày càng phủ kín các lĩnh vực, địa bàn, có tính toàn diện, bám sát thực tiễn… đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội nghị tại Hà Nội |
Để công tác dân tộc và chính sách dân tộc phát huy hiệu quả hơn nữa, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước... Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; cải cách về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBDT và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác dân tộc các cấp. Nghiên cứu, đề xuất tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Năm 2021, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Trong đó: Sơn La là tỉnh có số xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN nhiều nhất cả nước với 202 xã; 3 tỉnh, thành phố có số xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN ít nhất cả nước là: TP. Đà Nẵng 1 xã, tỉnh Tây Ninh 1 xã và tỉnh Bình Dương 1 xã.