Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân Chủ tịch nước Tô Lâm: Trà Vinh cần chú trọng công tác dân tộc, tôn giáo, tránh bị lợi dụng kích động |
Là tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 277 km, tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh - nơi sinh sống của hơn 90 vạn dân với 19 dân tộc, trong đó 87,7% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số hình ảnh phản ánh những khó khăn của đồng bào vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Lan Phương |
Tỉnh Hà Giang có 10 huyện, 1 thành phố với 193 xã phường, thị trấn với 2.071 thôn, bản (trong đó, có 7 huyện biên giới với 34 xã, thị trấn biên giới; 123 thôn, bản biên giới; 4 huyện vùng cao núi đá; 127 xã khu vực III, 02 xã khu vực II, 64 xã khu vực I, 1.353 thôn đặc biệt khó khăn).
Thời điểm tái lập tỉnh, Hà Giang là tỉnh nghèo nhất cả nước, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù có diện tích tự nhiên lớn trên 7.927,50 km2 nhưng chủ yếu là núi đá vôi; địa hình hiểm trở, độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh, thường xuyên xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở; khí hậu khắc nghiệt; kết cấu hạ tầng thiếu, chưa đồng bộ; giao thông đi lại khó khăn; thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt; trình độ dân trí không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; Hà Giang hiện còn 146 xã khó khăn, trong đó có 128 xã đặc biệt khó khăn…
Lời Bác dạy là "kim chỉ nam" cho mọi hành động
Bác Hồ nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Ảnh tư liệu |
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân triển khai, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình, chính sách; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt là khắc ghi những lời Bác dặn: "Đoàn kết một lòng, thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau trong lao động, cuộc sống; tăng gia sản xuất; cải tiến nông cụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; bảo vệ, trồng cây gây rừng, trồng cây ăn quả, cây làm thuốc; chú ý vệ sinh; giữ gìn sức khỏe; tích cực học tập, xóa nạn mù chữ, nâng cao kiến thức, tiếp cận các tri thức tiến bộ; thực hành tiết kiệm để có cuộc sống ấm, no". Lời Bác dạy là "kim chỉ nam" để mỗi cán bộ, đảng viên và đoàn viên phát huy tốt vai trò, trách nhiệm; đoàn kết chặt chẽ, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; gương mẫu trong đoàn kết dân tộc, trong học tập, lao động sản xuất, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, nhờ quyết sách quan trọng của Quốc hội, Chính phủ như: Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025…, đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương, từng dân tộc. Qua đó, bứt phá, vươn lên, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Làm gì để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống?
Làm thế nào sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả, để người dân được thụ hưởng là nỗi niềm trăn trở của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Để giải quyết "bài toán" đó, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã họp, bàn và đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai trên cơ sở bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương
Giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu “Sống trên đá, thoát nghèo và làm giàu trên đá”, Hà Giang xác định: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trọng tâm là tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hỗ trợ đồng bào xóa nhà tạm nhà dột nát trên toàn tỉnh. Ảnh: BTHG |
Việc triển khai phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh thực hiện gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tỉnh đã tổ chức kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác dân tộc các cấp đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc khó khăn đặc thù.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu cốt lõi, từ đó thu hẹp nhanh hơn khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Giang đã kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quan trọng như: Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; lãnh đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn Hà Giang và một số nghị quyết quan trọng khác.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang cũng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề: Lãnh đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Hà Giang. Theo đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ; thu hút đầu tư; phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh; cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn…
Trên cơ sở các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Hà Giang đã tham mưu trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng theo đúng thẩm quyền quy định. Đối với 3 chương trình MTQG, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua 39 nghị quyết như: Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG, giữa các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025; Quy định tỷ lệ số lượng dự án và mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG, giữa các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025…
Đồng chí Hoàng Gia Long - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang - cho biết: Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG như: Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025; quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, quyết định thành lập tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Nhờ vậy, đã tạo sự xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện.
Lãnh đạo Hà Giang cũng đã ra các quyết định phân công nhiệm vụ cho từng sở/ngành phụ trách, theo dõi, hướng dẫn từng huyện trong tổ chức triển khai, thực hiện: Quyết định về cơ chế quay vòng hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn; Hướng dẫn số 1228/HD-UBND ngày 01/8/2022 triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; phương án rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông - lâm - ngư - nghiệp có mức sống trung bình cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Giang và nhiều văn bản khác.
Đại biểu quốc hội khảo sát việc thực thực hiện chính sách dân tộc ở Hà Giang. Ảnh: TTĐTHG |
Các huyện, thành phố đã chủ động trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Đỗ Quốc Hương cho biết: Để triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG kịp thời, hiệu quả, ngay khi có văn bản của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện Đồng Văn đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND huyện ban hành chương trình, nghị quyết thực hiện.
Trên cơ sở chương trình của Huyện ủy, Nghị quyết của HĐND huyện, UBND huyện đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và giao Phòng Dân tộc huyện là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Các xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã, Ban quản lý cấp xã, Ban phát triển thôn và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các nội dung, các thôn để tổ chức triển khai thực hiện chương trình.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm; phát động các phong trào thi đua, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân nắm được. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và sự chuyển biến tích cực trong quá trình tổ chức, thực hiện góp phần xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG, các cấp, ngành của tỉnh thường xuyên quan tâm, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời xem xét, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Hiểu được ý nghĩa “Nghị quyết của Đảng xuất phát từ lòng dân”, có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Hà Giang luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu triển khai, thực hiện để các chính sách đi vào cuộc sống sẽ đem lại hiệu quả cao, giúp đồng bào các dân tộc Hà Giang có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài 3: Cơ hội cho Hà Giang chuyển mình