Thứ bảy 23/11/2024 16:50

Cách nào để nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc?

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của bà con vùng đồng bào dân tộc có những nét đặc sắc riêng, tuy nhiên, việc định vị thương hiệu sản phẩm này vẫn còn khoảng trống.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã chia sẻ về chủ đề này tại một cuộc toạ đàm mới đây.

Thưa ông, trong thời gian qua, chúng ta đã có những hoạt động gì nhằm nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Có thể nói, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một sản phẩm chứa đựng giá trị văn hóa và gắn kết chặt chẽ với người dân Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một sản phẩm chứa đựng giá trị văn hóa và gắn kết chặt chẽ với người dân Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng

Trải dài từ Bắc vào Nam có những thương hiệu được hình thành một cách ngẫu nhiên, được hình thành qua thời gian, chúng ta đã nghe đến nghề dệt đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái, nghề rèn của dân tộc Nùng,…

Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã có một khung pháp lý để phát triển nghề thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, phải kể đến Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030; Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Bên cạnh đó, ở quy mô cấp quốc gia, chúng ta cũng có nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá cho nghề thủ công của đồng bào dân tộc miền núi. Trong đó, phải kể đến Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tổ chức tại Đắk Nông; Lễ hội dệt của các nước ASEAN tổ chức ở Thái Nguyên; các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đã có nhiều hoạt động giới thiệu về nghề thủ công tại các khu vực như Pháp, Nhật Bản,…

Ở quy mô cấp tỉnh, nhiều chương trình đào tạo nghề, chương trình khôi phục vùng sản xuất nguyên liệu cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho các làng nghề, cho các nghề thủ công cũng đã được diễn ra.

Ở cấp doanh nghiệp, cũng hình thành được nhiều liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất thương mại và các vùng sản xuất của đồng bào dân tộc.

Ngay tại Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hàng năm chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện mà quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc tại thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, trong quá trình số hoá, rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã lên được các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước như Amazon, Lazada, Tiki,…

Những hoạt động này đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp bà con dân tộc thiểu số như thế nào, và kết quả ra sao, thưa ông?

Những chương trình này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng người sản xuất, bà con người dân tộc cũng như cộng đồng các doanh nghiệp.

Cụ thể, nếu bây giờ hỏi bà con điều gì là cần nhất khi sản xuất hàng thủ công? Câu trả lời mà chúng ta luôn nhận được đó là khách hàng, thị trường và các hoạt động kết nối thị trường.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (ảnh Nguyễn Hạnh)

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động tạo liên doanh, liên kết phát triển theo chuỗi đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người sản xuất hàng thủ công cũng như của cộng đồng doanh nghiệp.

Mặt khác, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng ta có Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn, du lịch gắn với ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Việc này cũng thu hút được sự quan tâm không chỉ của bà con vùng đồng bào dân tộc mà của các doanh nghiệp, các địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, lực lượng lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đa phần bị già hóa. Trong các hoạt động đào tạo, truyền nghề, sự quan tâm, thu hút người lao động cũng chưa đúng, chưa đủ với tâm thế và vai trò của nó.

Để xây dựng và định vị được thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số, những yếu tố nào cần phải quan tâm, thưa ông?

Để định vị và xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm cũng giống như xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, cho ngành hàng và cho quốc gia.

Tôi cũng đã cố đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu?” trong bối cảnh trên thế giới có 8 tỷ dân và trên 200 quốc gia. Và tôi đã phải thừa nhận 1 điều rằng, như chiếc gùi của đồng bào dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam là một trong số những sản phẩm đứng đầu thế giới.

Tuy nhiên, làm thế nào để đưa được sản phẩm này cũng như định vị thương hiệu của sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước? Tôi cho rằng, trước hết, cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường, từ khách hàng, phải nắm được mục tiêu khách hàng ở đâu?

Hiện, chúng ta chưa có số liệu nào thống kê là hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam của đồng bào dân tộc đang bán đi đâu và phân khúc như thế nào?

Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam thì chúng ta có thể chia ra làm 3 mảng thị trường chính: Tiêu dùng tại chỗ; phục vụ khách du lịch; thị trường xuất khẩu. Và trong mỗi mảng thị trường, chúng ta phải chia ra những phân khúc, cao cấp - trung cấp.

Tôi không đề cập đến phân khúc thấp cấp ở đây vì nếu chúng ta định hướng tập trung vào phát triển phân khúc mà sản xuất hàng loạt, sản xuất số lượng lớn với giá thành thấp thì có thể sẽ không thành công.

Yếu tố tiếp theo đó là chúng ta phải định vị được không gian của hàng thủ công của những người đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ có 3 vấn đề chính và được coi là giá trị cốt lõi để định vị thương hiệu cho các sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số: Tính thuần Việt, câu chuyện văn hoá Việt Nam; tính sáng tạo, tính độc đáo; tính bền vững. Từ 3 giá trị cốt lõi đó, chúng ta định vị được vị trí, thương hiệu của các sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc.

Ngoài ra, cần gắn truyền thống văn hoá với phát triển thương hiệu vùng miền và xây dựng thương hiệu quốc gia. Cần tăng cường công tác liên kết giữa các hộ sản xuất với các doanh nghiệp. Công tác quảng bá cần chuyên nghiệp hơn. Cần những chính sách mạnh mẽ hơn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ví dụ, ở Ấn Độ có ngày dệt quốc gia cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong ngày đó, Chính phủ Ấn Độ luôn luôn có những chính sách để ủng hộ cho nghề dệt. Trong khối ASEAN thì có Indonesia có ngày 2/10 là ngày Chính phủ yêu cầu tất cả phải đưa ra sáng kiến để phát triển nghề vẽ sáp ong của dân tộc - quốc phục. Họ đưa ra yêu cầu vào ngày thứ 6, 100% quan chức Chính phủ phải mặc quần áo vẽ sáp ong, và họ khuyến khích tất cả những ngày lễ hội phải mặc quần áo vẽ sáp ong; từ đó tạo ra thị trường tiêu thụ… Tôi nghĩ chúng ta nên có những học hỏi từ các quốc gia như vậy và đưa vào chính sách.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: tiêu thụ nông sản

Tin cùng chuyên mục

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc

Huyện Bắc Yên – Sơn La: bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ nguồn vốn chính sách giảm nghèo

Huyện Thuận Châu – Sơn La Chương trình 1719 giúp thay đổi đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện miền núi A Lưới

Lâm Đồng: Những gương điển hình trong phát triển kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La tăng cường chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản

Sơn La dành nguồn lực lớn cho chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc