Đoàn thanh niên đồng hành cùng xây dựng nông thôn mới Xã hội hóa nguồn lực: Động lực xây dựng nông thôn mới Số hóa đất đai, quy hoạch: Đòn bẩy đổi mới nông thôn |
Du lịch nông thôn thời công nghệ: Cơ hội lớn đang tới gần
Trong những năm gần đây, phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những hướng đi chiến lược nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sinh kế bền vững, đồng thời bảo tồn văn hóa địa phương. Tuy nhiên, giữa thời đại công nghệ phát triển vũ bão, du lịch nông thôn muốn bắt nhịp xu hướng buộc phải gắn liền với chuyển đổi số.
Theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 là có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên các nền tảng số. Tuy nhiên, trên thực tế, việc số hóa du lịch ở vùng nông thôn hiện nay vẫn còn rời rạc, manh mún và thiếu đồng bộ.
Tại tỉnh Lào Cai, địa phương nổi tiếng với các bản du lịch cộng đồng như Tả Van, Tả Phìn (Sa Pa), Ý Tý (Bát Xát), du lịch cộng đồng phát triển sôi động nhưng phần lớn vẫn phụ thuộc vào hình thức quảng bá truyền thống. Hầu hết người dân chưa biết đến công cụ đặt phòng trực tuyến, quản lý đặt chỗ qua phần mềm hay xây dựng tour số trên nền tảng mạng xã hội.
Chị Vàng Thị Dính, chủ một homestay ở bản Tả Van (Sa Pa), chia sẻ: “Khách đến đây thường là do quen hoặc có người giới thiệu. Mình cũng nghe nói đến việc dùng điện thoại để quảng bá, nhưng không biết làm thế nào cho đúng. Năm ngoái có đoàn sinh viên đến hướng dẫn quay video, tạo fanpage, nhưng rồi cũng bỏ dở giữa chừng”.
![]() |
Trải nghiệm cuộc sống như người bản địa tại Tả Van - Sapa. Ảnh: Hoàn An |
Tương tự, tại Bắc Kạn, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều định hướng gắn kết chuyển đổi số với xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, theo ông Hoàng Văn Tuân (trú tại xã Quảng Khê, huyện Ba Bể), người đang khai thác dịch vụ du lịch tại khu vực hồ Ba Bể chia sẻ: “Khách chủ yếu gọi điện đặt trực tiếp. Mình chưa dùng Zalo OA, Facebook Page hay sàn thương mại điện tử gì cả. Cũng không biết cách đăng ảnh, quay clip để thu hút khách”.
Các hộ kinh doanh tại đây cho biết, họ rất sẵn sàng làm chuyển đổi số nếu được hướng dẫn cụ thể, có lớp tập huấn và hỗ trợ về công nghệ.
Vì sao chuyển đổi số chưa thành công?
Mặc dù các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số đã được ban hành từ Trung ương đến địa phương, song tại nhiều tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn…chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ đang ở mức khởi đầu, phần lớn do thiếu nhân lực chuyên môn và đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ.
Bà Nguyễn Thị Thảo, cán bộ phụ trách du lịch xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), cho biết: “Xã có nhiều hộ làm du lịch cộng đồng nhưng còn đơn lẻ. Người dân chưa quen sử dụng công nghệ, chưa biết tới các sàn du lịch số. Chúng tôi cũng mong có dự án hỗ trợ từ tỉnh hoặc Trung ương về đào tạo kỹ năng số, thiết kế sản phẩm du lịch số và hướng dẫn quản lý thông tin trực tuyến”.
Một nguyên nhân khác khiến việc chuyển đổi số ở du lịch nông thôn chưa đạt kết quả như kỳ vọng là bởi nhận thức của người dân còn hạn chế, thiếu niềm tin vào hiệu quả thực tế. Nhiều người cho rằng chỉ cần khách quen, khách nội địa là đủ, không cần đầu tư thêm.
![]() |
Sản phẩm du lịch văn hóa trà rất được lòng du khách tham quan. Ảnh: Tường Bách |
Ngoài ra, hạ tầng mạng ở một số bản làng vùng cao vẫn còn yếu. Nhiều nơi sóng điện thoại chập chờn, không có Wi-Fi ổn định, dẫn đến việc truy cập nền tảng số khó khăn, từ đó giảm hứng thú với công nghệ.
Tuy nhiên, dù còn nhiều khó khăn, nhưng không thể phủ nhận rằng chuyển đổi số là chìa khóa để du lịch nông thôn bứt phá. Trong khi những điểm đến truyền thống ở thành phố ngày càng bão hòa, thì nhu cầu trải nghiệm cuộc sống bản địa, du lịch sinh thái, khám phá miền núi, làng quê lại ngày một tăng cao.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, tính đến đầu năm 2025, có khoảng 400 điểm du lịch nông thôn đang hoạt động tại các vùng trung du, miền núi phía Bắc, nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó có sự hiện diện trên nền tảng số.
Nếu biết cách tận dụng công nghệ, đặc biệt là công cụ số hóa bản đồ du lịch, giới thiệu homestay, booking trực tuyến, thanh toán không tiền mặt và quảng bá trên mạng xã hội, các địa phương có thể tiếp cận lượng khách lớn, cả trong và ngoài nước.
Anh Lường Văn Kiên (xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La), chủ một homestay, cho biết: “Mình vừa học xong khóa đào tạo làm video giới thiệu du lịch bản làng trên điện thoại. Sau đó đăng lên TikTok và Facebook. Không ngờ có khách từ tận Sài Gòn xem clip rồi ra đặt phòng. Nhờ đó mà từ đầu năm đến giờ, homestay lúc nào cũng kín lịch vào dịp cuối tuần”.
Đây là ví dụ điển hình cho thấy, chỉ cần một chút định hướng đúng, chuyển đổi số hoàn toàn có thể mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân nông thôn làm du lịch.
Chuyển đổi số trong du lịch nông thôn mới không chỉ là lời hô hào khẩu hiệu, mà cần được cụ thể hóa bằng hành động thiết thực: Hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo kỹ năng, đầu tư hạ tầng, và truyền thông thay đổi nhận thức.
Chuyển đổi số là cơ hội để phát triển du lịch nông thôn mới và tiềm năng vẫn hiện hữu. Điều quan trọng là không để lỡ thời điểm vàng này. Nếu các địa phương, đặc biệt ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, sớm có chiến lược chuyển đổi số bài bản, đồng hành cùng người dân, du lịch nông thôn hoàn toàn có thể trở thành trụ cột kinh tế mới, vừa bền vững, vừa đặc sắc, lại giàu bản sắc văn hóa Việt Nam. |