Xúc tiến thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng: Đồng bộ các nguồn lực
Tồn tại, thách thức
Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua, Cục đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mạimang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Riêng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, năm vừa qua đã tổ chức thành công 6 hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, thu hút sự tham gia của gần 1.700 doanh nghiệp, doanh số bán hàng đạt hơn 52 tỷ đồng, chưa kể các thỏa thuận, hợp đồng thực hiện sau hội chợ.
Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên |
Dù khẳng định tính liên kết trong công tác xúc tiến thương mại của vùng Đồng bằng sông Hồng đã được cải thiện, tuy nhiên, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng thẳng thắn nhìn nhận: Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng còn gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là hạn chế về cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực hiện.
Cụ thể, 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có 3 mô hình trung tâm xúc tiến thương mại, thuộc các đơn vị quản lý khác nhau dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước và triển khai có hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó trong việc bố trí địa điểm, dịch vụ thuận lợi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lớn, thường xuyên. Ngay tại 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến nay vẫn thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị đảm bảo diện tích và đầy đủ công năng phù hợp để tổ chức sự kiện mang tính chất khu vực, quốc tế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia.
Cùng đó, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, chưa thực sự theo kịp yêu cầu của các hoạt động lớn, cần sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh; tính liên kết chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng, mang lại kết quả cho nhiều đối tượng hưởng lợi.
Giải pháp trọng tâm
Từ những thách thức đã chỉ ra, để tăng tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại, ông Hoàng Minh Chiến đề xuất: Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thương mại để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại.
Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả của các mô hình tổ chức để kiện toàn, thống nhất, ổn định bộ máy các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại từ vai trò, chức năng nhiệm vụ, mô hình quản lý, tổ chức, con người, năng lực chuyên môn nhằm tập trung đồng bộ các nguồn lực triển khai công tác xúc tiến thương mại hiệu quả.
Bộ Tài chính sớm xây dựng thông tư hướng dẫn địa phương về nguồn kinh phí thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, định mức chi, khoản chi, mục chi cụ thể để các địa phương có định hướng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tạo thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực từ ngân sách và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
Về phía các địa phương, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại nghiên cứu, chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng và liên vùng; tích cực tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc gia. Mục tiêu là vừa tránh chồng chéo, dàn trải; vừa phát huy được hiệu quả hỗ trợ xúc tiến thương mại tới nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của vùng, đồng thời dần hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại nói chung. Cơ chế liên kết cần thiết phải mở rộng kết nối, trao đổi thường xuyên với hệ thống các Thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các Thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại nước ngoài không chỉ về thông tin mà còn cả các nghiệp vụ, hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể. Đây chính là những đối tác, cầu nối không thể thiếu, nhất là khi các hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng vươn ra thị trường thế giới.
Các địa phương cần xây dựng chiến lược theo dài hạn trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu khả năng của doanh nghiệp, nguồn lực, chiến lược ưu tiên của mỗi địa phương, đồng thời tăng cường thông tin trao đổi, phối hợp với các địa phương khác nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau để thâm nhập thị trường lẫn nhau, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại. Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại ; đầu tư, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu của nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong điều kiện mới.