Xác định giải pháp đưa kinh tế - xã hội Tây Nguyên phát triển nhanh, toàn diện
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ tư diễn ra vào chiều nay (2/1).
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Hải |
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 5 địa phương vùng Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực đã tổ chức 3 hội nghị. Lần 1 về công bố việc thành lập và thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng điều phối vùng (ngày 15/9/2023). Lần 2 về góp ý vào quy hoạch của vùng Tây Nguyên (ngày 1/12/2023). Lần 3 về công bố Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sơ kết thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên; tham vấn cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên và Kế hoạch điều phối vùng năm 2024 (ngày 23/6/2024).
Cuộc họp lần 4 hôm nay nhằm đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng năm 2024, tiến độ triển khai Quy hoạch vùng Tây Nguyên, sơ kết 1 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên (Đề án 104) và đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
"Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận kịp thời những khó khăn, thách thức, vướng mắc để cùng xác định phương hướng, giải pháp khắc phục, nhằm bảo đảm hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, quá trình triển khai quy hoạch vùng và Đề án 104 được thông suốt, bài bản, hiệu quả, góp phần đưa kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, chất lượng, bền vững trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị về phương hướng, giải pháp trọng tâm tổ chức liên kết phát triển vùng với hiệu quả cao nhất. Ảnh: VGP/Đình Hải |
Nhấn mạnh mỗi vùng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác nhau được giao các nhiệm vụ khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, nhiệm vụ được giao của vùng Tây Nguyên được định hướng là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá sâu sắc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vùng Tây Nguyên; tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn vùng.
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị về phương hướng, giải pháp trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể cần giao cho các bộ, ngành và địa phương vùng Tây Nguyên để tổ chức liên kếtphát triển vùng với hiệu quả cao nhất; tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng và Đề án 104 trong thời gian tới, góp phần hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số của cả nước.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và tình hình hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, các chỉ tiêu quan trọng của vùng đều tăng so với năm 2023. Cụ thể, quy mô GRDP năm 2024 (theo giá hiện hành) đạt 484,58 nghìn tỷ đồng (cao hơn năm 2023 đạt 416,5 nghìn tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người ước đạt 78,5 triệu đồng/người, tăng 16% so với năm 2023 (67,58 triệu đồng/người). Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tập trung vào phát triển các lĩnh vực thế mạnh của vùng là nông, lâm sản và dịch vụ. Tỷ trọng của 3 khu vực năm 2024: Nông, lâm sản 37,2%; công nghiệp, xây dựng 21,3%; dịch vụ 37,2% (năm 2023 lần lượt là 34%; 22,4%; 39,1%). Ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vùng Tây Nguyên đạt 32.451 tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá; ước đến ngày 31/12/2024, giải ngân đạt 70,6% kế hoạch Thủ tướng giao. |