Đắk Lắk: Đẩy mạnh tiêu thụ Hồ tiêu thông qua mở rộng các chuỗi liên kết Tiền Giang: Thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bền vững |
Tỉnh Đồng Nai hiện ưu tiên hàng đầu việc tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu. Đây là biện pháp đường dài của tỉnh nhằm thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường quốc tế.
Từ cuối năm 2018, cùng với việc thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp.
Việc xây dựng chuỗi sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đồng Nai tuy đã được chứng minh về hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: Số lượng chuỗi được phê duyệt còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; sự thiếu bền vững của các chuỗi liên kết do các bên chưa tuân thủ cam kết; một bộ phận nông dân còn tâm lý tham gia chuỗi liên kết để nhận hỗ trợ của Nhà nước; Năng lực, vai trò của hợp tác xã trong chuỗi liên kết còn hạn chế...
Đặc biệt, quy mô các dự án được phê duyệt hỗ trợ còn nhỏ; số lượng nông dân tham gia ít… nên các hợp tác xã, nông dân vẫn chưa tiếp cận được các chính sách, nhất là nguồn vốn hỗ trợ cho chuỗi liên kết. Giai đoạn 2018-2023, tổng kinh phí UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 63,8 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 10 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tham quan mô hình trồng thanh long trên địa bàn tỉnh |
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 22 dự án liên kết với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 921 trang trại và hộ nông dân. Nhiều mô hình liên kết về chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả cao.
Để đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị đối thoại với nông dân năm 2023 với chủ đề “Hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp bền vững” được tổ chức tại thành phố Biên Hòa do phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì.
Nội dung của hội nghị tập trung vào hợp tác phát triển chuỗi liên kết; giải pháp cho những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp là cần xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả để có đầu vào chi phí thấp nhất, đầu ra quy mô lớn, giá trị cao, bền vững. Ông Phi nhấn mạnh, việc liên kết sản xuất, sơ chế và chế biến sâu là yêu cầu bắt buộc để thoát khỏi tình trạng sản xuất nông nghiệp mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ có liên kết mới đi được xa, có được hàng hóa lớn, có tên tuổi vững chắc và cạnh tranh được khi bước vào hội nhập.
Bà Hồ Thị Sự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nhận xét: Khó khăn hiện nay là chuỗi liên kết vẫn thiếu tính bền vững. Cơ chế, chính sách hỗ trợ nhiều nhưng khi triển khai vào thực tế còn vướng về thủ tục, hồ sơ, mong các sở, ngành liên quan cùng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất; tháo gỡ những nút thắt, khó khăn để chính sách đi vào thực tế. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng được những chuỗi mẫu để nhân rộng vào thực tế.
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là một trong những mô hình điểm trong chương trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm của Đồng Nai khi đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ, chỉ liên kết lại mới đi xa và phát triển bền vững. Nếu cứ làm rời rạc thì sẽ thua ngay trên sân nhà với cả lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt vì không doanh nghiệp nào đủ điều kiện làm việc với từng nông dân riêng lẻ. Lúc mới thành lập, hợp tác xã chỉ sản xuất được khoảng 500 ngàn con gà/năm thì nay tăng lên hàng triệu con/năm. Sự ra đời của hợp tác xã giúp giải quyết những bài toán khó về sản lượng, chất lượng, huy động được nguồn tài chính và nhất là tập hợp được nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực.