Chủ nhật 11/05/2025 13:18

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Bằng nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước tháo gỡ nút thắt “đầu ra” cho sản phẩm của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đầu tư hạ tầng thương mại: Tăng lực cho tiêu thụ hàng hóa vùng cao

Tỉnh Thái Nguyên có 51 dân tộc cùng chung sống, với hơn 38 vạn đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 29,87% dân số của tỉnh. Trong đó có 8 dân tộc chiếm số đông là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Dao, Sán Chay và Hoa. Những năm qua, các cấp ngành của Thái Nguyên luôn quan tâm cải thiện đời sống và phát triển kinh tế xã hội đồng bào khu vực này, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, đầu tư hạ tầng để tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá.

Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên đã tập trung triển khai đồng bộ 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó đáng chú ý là nội dung “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ”.

Cụ thể, tỉnh đã xây mới 2 chợ và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 8 chợ trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng vốn đầu tư lên tới 8,62 tỷ đồng. Nguồn vốn được phân bổ hợp lý từ ngân sách Trung ương (5,658 tỷ đồng) và ngân sách địa phương (2,962 tỷ đồng). Tất cả các khâu từ khảo sát, lập dự án, đấu thầu, giám sát thi công và thanh quyết toán đều được thực hiện chặt chẽ theo đúng các quy định hiện hành.

Việc phát triển hệ thống chợ ở khu vực miền núi không chỉ góp phần phục vụ đời sống thường nhật mà còn là kênh phân phối hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng của từng địa phương.

Chè là một trong những sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc văn hoá của Thái Nguyên (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, Sở còn đẩy mạnh hình thành các liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc. Theo đó, HTX nông sản Phú Đạt - xã Sơn Phú, huyện Định Hóa đã được thành lập từ năm 2018, với ngành nghề chính là ươm cây giống. Năm 2020, HTX Phú Đạt hát triển thêm nghề sản xuất và chế biến chè với vùng nguyên liệu rộng 11ha, đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết với 50 nông hộ, tạo việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương trung bình từ 6-9 triệu đồng/người/tháng. Hiện HTX có 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP và sản xuất chè theo tiểu chuẩn hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Giám đốc HTX nông sản Phú Đạt cho rằng, dù đã nỗ lực song HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn, trình độ, đặc biệt là địa hình đặc thù vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, bằng tình yêu với cây chè và vùng đất ATK Định Hóa, HTX đã, đã và sẽ nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất chè theo hướng hữu cơ; tham gia các hội chợ, tăng cường bán hàng qua các sàn thương mại điện tử để nâng cao sản lượng chè bán ra hằng năm. HTX cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu xúc tiến đưa sản phẩm trà ra thị trường quốc tế.

Xúc tiến thương mại bài bản: Từ hội chợ, festival đến kết nối tiêu thụ

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương Thái Nguyên đã chủ trì tổ chức 7 hội chợ – festival lớn như Hội chợ Xuân, Festival Nông sản – OCOP – Làng nghề gắn kết du lịch, chương trình “Xúc tiến sắc màu nông sản thời kỳ 4.0”...

Thái Nguyên tăng cường quảng bá sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: TTXVN)

Các chương trình đã thu hút sự tham gia của từ 20 đến 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh. Đây là dịp để doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương quảng bá sản phẩm, mở rộng giao thương, kết nối cung – cầu, từng bước tiếp cận các kênh phân phối hiện đại và định hướng xuất khẩu.

Song song với đó, tỉnh đã tổ chức 9 phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi”, 14 chương trình kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân miền núi tiếp cận hàng hóa chất lượng, đồng thời giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng.

Một trong những điểm sáng trong xúc tiến thương mại của Thái Nguyên là việc tổ chức thành công chuỗi chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương.

Gà đồi Phú Bình là một trong những sản phẩm tiêu biểu (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử huyện Đại Từ)

Từ năm 2021 đến 2024, tỉnh đã nhiều lần triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ quả na huyện Võ Nhai, với sản lượng hỗ trợ tiêu thụ lên tới trên 80 tấn. Ngoài ra, sản phẩm gà đồi Phú Bình – một trong những đặc sản tiêu biểu – cũng được hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ qua các chương trình tổ chức tại huyện Phú Bình. Các sự kiện không chỉ đơn thuần là hội chợ mà còn là ngày hội thương hiệu – nơi người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã được kết nối trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn, siêu thị, trung tâm thương mại, từ đó từng bước xây dựng chuỗi giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản vùng cao.

Khuyến công – hậu thuẫn mạnh mẽ cho sản xuất vùng dân tộc thiểu số

Thái Nguyên cũng đặc biệt quan tâm đến khâu sản xuất, chế biến và công nghiệp hóa nông thôn – yếu tố cốt lõi để sản phẩm vùng cao có thể tiếp cận thị trường rộng hơn.

Trong giai đoạn 2021–2024, Sở Công Thương đã triển khai 84 đề án khuyến công, với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến 9,6 tỷ đồng, hỗ trợ cho 85 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ, cải tiến kỹ thuật và phát triển sản phẩm. Ngoài ra, 60 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 9 sản phẩm cấp khu vực, 6 sản phẩm đạt cấp quốc gia.

Thái Nguyên cũng tích cực đưa các cơ sở sản xuất, làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, đồng thời duy trì hiệu quả các kênh truyền thông – quảng bá.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song tỉnh Thái Nguyên vẫn đối mặt với không ít rào cản trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại ở vùng cao còn yếu, chủ yếu thiên về bán lẻ, thiếu cơ sở chiến lược để phát triển kênh bán buôn, phân phối. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của các cơ sở còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chế biến sâu còn hạn chế. Việc tiếp cận vốn, áp dụng công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu vẫn là bài toán khó với nhiều hộ dân và HTX. Đặc biệt, nguồn lực cho khuyến công chưa đủ lớn để tạo sức bật mạnh mẽ.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026–2030, Thái Nguyên đề nghị Trung ương cho phép các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn được tiếp tục tham gia Chương trình, nhằm giúp địa phương duy trì tiêu chí, phát triển bền vững và không bị “gián đoạn hỗ trợ”.

Tỉnh cũng kiến nghị cần tăng cường phân cấp, lồng ghép nguồn lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong triển khai chương trình. Các cấp ủy, chính quyền địa phương được yêu cầu xây dựng kế hoạch cụ thể, tháo gỡ vướng mắc và huy động tối đa các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai hiệu quả các giải pháp kết nối cung cầu cho sản phẩm địa phương.

Bằng việc kết hợp hài hòa giữa đầu tư hạ tầng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp nông thôn và chính sách đồng bộ, Thái Nguyên đang định hình con đường tiêu thụ bền vững cho nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ từng gánh na, con gà đồi đến từng gian hàng hội chợ, nỗ lực ấy không chỉ mở rộng thị trường mà còn là sự khẳng định: hàng Việt vùng cao xứng đáng có một vị trí vững chắc trên bản đồ tiêu dùng quốc gia.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Xúc tiến thương mại địa phương

Tin cùng chuyên mục

Mở lối trên lưng núi - du lịch 'cõng' nông sản đi xa

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

‘Bắc cầu’ thị trường cho nông sản vùng cao: Khơi thông từ chính sách tới hành động

Long nhãn Sơn La - 'vàng ngọt' của núi rừng Tây Bắc

Chè Shan tuyết - ‘vàng xanh’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Mật ong Cao Bằng: ‘Gieo’ thương hiệu, ‘gặt’ đầu ra bền vững

Tập livestream bán hàng, phụ nữ Cơ Tu đưa thẳng hàng lên kệ siêu thị